Năm 2004 là năm đánh dấu nhiều bước tiến mới của ngành du lịch DakLak.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm có trên 40 tỉ đồng được đầu tư vào hệ thống các khách sạn, nhà hàng và các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Nguồn vốn này chủ yếu do các doanh nghiệp tự khai thác đầu tư, kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó, riêng đầu tư cho hệ thống nhà hàng, khách sạn khoảng 30 tỉ đồng. Một số khách sạn được xây mới như: Biệt Điện, Ấn Độ, nhà khách của Tỉnh ủy…
Tuy nguồn vốn trên cũng còn khá khiêm tốn nhưng cũng cho thấy được nỗ lực lớn của ngành du lịch trong quá trình phát triển và từng bước đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Theo quy hoạch, dự án khu du lịch sinh thái, văn hóa Buôn Đôn sẽ đầu tư khai thác các loại hình: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và khu vui chơi giải trí với các điểm: Vườn Quốc gia Yok Đôn, Khu du lịch đảo Ai Nô, thác Bảy Nhánh và khu du lịch Hồ Dak Minh. Tại đây sẽ từng bước cải thiện rừng khộp nghèo để đầu tư cho khu chăn thả động vật rừng; tiến hành cải tạo lòng hồ Dak Min và xây dựng khu lưu trú sinh thái… để tạo thêm sự đa dạng các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch.
Trong cụm các điểm du lịch này, hình thức đầu tư du lịch theo hướng nhà nước và doanh nghiệp cùng làm đã được phát huy: Sau khi tiếp nhận khu du lịch Cầu Treo ở Buôn Trí từ Banmeco, Công ty du lịch và khách sạn Biệt Điện đã tiến hành đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và chỉnh trang lại một số công trình cơ sở hạ tầng. Các lễ hội giao lưu văn hóa với các chương trình văn nghệ dân gian cũng được công ty tổ chức quy mô hơn. Nguồn vốn ban đầu công ty đầu tư tại Khu du lịch Buôn Đôn khoảng 150 triệu đồng.
Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa Buôn Đôn cũng được Công ty Cao su DakLak tiếp quản từ Banmeco. Sau 1 năm, công ty cũng đã đầu tư khoảng 3 tỉ đồng cho các hạng mục công trình: Nhà sàn lưu trú, nhà đón tiếp và nhà hàng 300 chỗ ngồi. Trong kế hoạch đầu tư năm 2005, công ty tập trung nạo vét lòng hồ và xây dựng khu vui chơi giải trí hồ Dak Min với tổng kinh phí khoảng 5 tỉ đồng (được phân kỳ đầu tư trong nhiều năm).
Có thể khẳng định đây là một trong những dự án hấp dẫn bởi những tiềm năng dồi dào về du lịch sinh thái và văn hóa, với tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án đã được phê duyệt gần 52 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng gần 25 tỉ, còn lại chủ yếu huy động nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Cũng trong năm 2004, Khu du lịch hồ Lak đã được nguồn vốn ngân sách của Nhà nước đầu tư 9,4 tỉ đồng cho cơ sở hạ tầng đô thị gắn với quy hoạch phát triển du lịch. Bên cạnh đó Công ty du lịch DakLak cũng đã tiến hành đầu tư trùng tu lại Biệt điện Bảo Đại và mua sắm thêm trang thiết bị với tổng kinh phí 1,8 tỉ đồng. Trong kế hoạch đầu tư phát triển năm 2005, công ty sẽ bổ sung cho công viên nước giai đoạn 2, với tổng vốn đầu tư khoảng 9, 5 tỉ đồng, nhằm hoàn thiện hạng mục vui chơi giải trí trên cạn, trong đó sẽ tập trung vào xây dựng khu sinh hoạt văn hóa ẩm thực; chuyển đổi một số loại hình dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu giải trí của nhân dân địa phương và du khách.
Cùng với tuyến du lịch hồ Lak, thác Krông Kmar(Krông Bông) trong năm qua cũng được Lâm trường Krông Bông (đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác) chỉnh trang lại khuôn viên đón tiếp và đầu tư một số công trình mới phục vụ khách du lịch, với tổng kinh phí khoảng 150 triệu đồng.
Trong chương trình giới thiệu đầu tư vào DakLak của Công ty cổ phần Mai Linh (TP Hồ Chí Minh), đã hứa hẹn nhiều dự án với qui mô lớn trong đó có khu du lịch hồ Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột.
. Theo báo DakLak
|