Ghềnh đá đĩa Tuy An (Phú Yên), khu vực bazan dạng cột ở Ba Làng An (Quảng Ngãi) và khu vực bazan dạng cột ở thác Trinh Nữ (Đắc Nông) là ba địa điểm đầu tiên được chọn để xây dựng thành công viên địa chất.
Theo ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Bảo tàng địa chất Việt Nam, nếu được chính phủ phê duyệt, việc xây dựng 3 công viên địa chất này có thể sẽ được tiến hành trong hai năm tới 2006-2007.
Ghềnh đá Tuy An ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, là một ghềnh đá có cấu tạo kỳ lạ thể hiện chứng tích của hiện tượng sóng biển mài mòn và xô các "chồng đĩa" chồng chất lên nhau, đã được Bộ VH-TT xếp hạng là thắng cảnh quốc gia.
Từ xa, khu ghềnh đá đĩa rộng hơn 1 km2 trông giống như một tổ ong khổng lồ, lại gần, ghềnh đá gồm những khối đá hình trụ, chồng lên nhau như chồng chén, chồng đĩa trong các lò sành sứ. Đá ở đây đều tăm tắp được dựng thành từng cột liền khít nhau với nhiều tầng đá lớn có màu đen huyền hoặc màu vàng, nửa chìm, nửa nổi trên mặt biển, xếp đều đặn theo hình ngũ giác.
Theo các nhà khoa học, đây là những khối đá bazan được hình thành trong quá trình núi lửa hoạt động cách ngày nay từ 15 đến 20 triệu năm (thời kỳ địa chất Pliocen).
Địa điểm thứ 2 là di sản địa chất kiểu đá bazan dạng cột ở thác Trinh Nữ, huyện Cư Jut, tỉnh Đắc Nông (Tây Nguyên), cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 20km về phía Tây Nam trên quốc lộ 14. Đá bazan ở Thác Trinh Nữ có tuổi kiến tạo địa chất trẻ, chỉ cách ngày nay khoảng 2-5 triệu năm (Thời kỳ địa chất Pliocen-Pleistocen).
Không giống như vẻ hùng vĩ của những con thác khác ở Tây Nguyên, thác Trinh Nữ gây ấn tượng bằng dáng vẻ độc đáo của những phiến đá với các bãi tắm thơ mộng.
Đá bazan ở đây mầu xám đen, nứt nẻ dạng cột, hình lăng trụ, có kích thước tới vài mét nằm chồng chất bên bờ suối. Những phiến đá, mỏm đá chìm nổi thiên hình vạn trạng, hình khối, đường nét, vân đá kỳ lạ, có những phiến đá xòe ra như chiếc quạt nan, vân đen trắng bên cạnh một mỏm đá nhô ra như cái đầu gối khổng lồ với vân sắc hồng nhạt loang chảy như men gốm sứ. Mùa nước về, suối chảy xiết tung bọt trắng xóa. Bên bờ suối, có nhiều cây lớn, cành mọc uốn lượn, cheo leo theo vách đá, tạo nên vẻ nguyên thủy hoang sơ.
Địa điểm thứ ba là di sản đá bazan dạng cột ở Ba Làng An, thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có tuổi địa chất ở thời kỳ Pliocen, cách ngày nay khoảng 15-20 triệu năm. Nơi đây có những tảng đá bazan dạng cột chạy dài theo bờ biển tạo thành những mỏm đá xen kẽ với bãi cát, tạo nên quang cảnh rất hấp dẫn. Cây mọc trên đá, khi hoa nở tạo nên cả vạt rộng có nhiều mầu sắc khác nhau. Các đảo nhỏ gần bờ bị thủy triều lên xuống liên tục mài mòn, tạo nên nhiều hình thù ngộ nghĩnh.
Theo các nhà chuyên môn, những nơi này sẽ không chỉ hấp dẫn đối với du khách mà còn đối với cả những người ham muốn tìm hiểu về lịch sử địa chất, quá trình kiến tạo địa chất.
. Theo TTXVN
|