Như Xuân, Thanh Hóa: Những con đường "đổi đời"
10:4', 17/6/ 2005 (GMT+7)

Như Xuân, một huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, diện tích tự nhiên khoảng 80.000 ha trong đó 2/3 là đất đỏ bazan màu mỡ, địa hình tương đối bằng phẳng, có Vườn quốc gia Bến En (một Hạ Long thu nhỏ trên cao) có vàng sa khoáng ở Thanh Quân… Nhưng từ năm 2003 về trước, Như Xuân vẫn là huyện nghèo, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, văn hóa giáo dục thiếu thốn, lạc hậu…

Còn nhớ cách đây vài năm, Như Xuân giống như một "ốc đảo" giữa đại ngàn. QL 45 từ TP Thanh Hóa lên tới huyện dài 60 km chỉ là con đường đất đỏ lắm dốc đèo. Mặt đường hẹp, nham nhở đá hộc. Trời nắng cuốn bụi tung mù mịt, trời mưa trơn hơn đổ mỡ, những con dốc như: dốc Đồng Hơn, dốc Chay, dốc Trầu cao ngất, hiểm trở luôn là nỗi ám ảnh của người đi đường. Nhiều chuyến xe khi chạy trên những cung đường "tử thần" ấy đã bị mất phanh, mất lái lao xuống vực. Ngày ấy, đi ô tô từ thị trấn Yên Cát xuống TP Thanh Hóa phải mất một ngày. Các xã vùng cao như Thanh Quân, Thanh Phong, Xuân Bình cách trung tâm huyện từ 40 đến 50 cây số, không điện, không trạm y tế, không có đường ô tô, bà con xuống huyện chỉ có cách… đi bộ.

Giao thông đi lại khó khăn kéo theo cái đói nghèo lạc hậu cứ dai dẳng, khổ nhất là chuyện học hành của con trẻ, chuyện ốm đau. Hàng hóa từ dưới xuôi mang lên ít cái gì cũng đắt, một bó rau muống dưới xuôi chỉ có giá 200 đồng nhưng tại Thanh Quân được bán với giá 2.000 đồng. Tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến và ở Như Xuân những năm trước là nơi bọn lâm tặc lộng hành, tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy diễn ra phổ biến. Bãi vàng ở Thanh Quân lúc nào cũng náo động bởi những con người nghèo khổ đi tìm vận may, nhiều vụ sập hầm, người chết, cộng thêm tệ nạn đâm chém, cướp giật, thanh toán lẫn nhau giữa toán tìm vàng, giữa các chủ "bưởng"… khiến cho an ninh xã hội luôn phức tạp. Năm 2003, tỉ lệ hộ đói nghèo trong huyện là 34%.

Kể từ năm 2003 khi QL 45 từ TP Thanh Hóa lên thị trấn Yên Cát được nâng cấp, nhất là khi đoạn đường Hồ Chí Minh chạy qua huyện được khánh thành đưa vào sử dụng đầu năm 2004, Như Xuân mới thực sự "lột xác", thay da đổi thịt từng ngày.

Giờ đây, đường lên Như Xuân là đại lộ trải nhựa phẳng lì uốn lượn quanh những sườn đồi, xuyên qua giữa điệp trùng xanh thẳm. Dọc hai bên đường là những cánh đồng mía, dứa, cao su bạt ngàn và xen lẫn giữa những đồi mía, sắn, cao su ấy là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi của bà con các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Thổ.

Năm 2004, tốc độ phát triển KT-XH toàn huyện đạt 10%, cao nhất từ trước đến nay, tỉ lệ hộ đói nghèo giảm xuống còn 21%, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/năm. Tất cả các xã trong huyện đều có điện, trường học, trạm y tế, ô tô từ Yên Cát đã có thể chạy lên tới tận Thanh Quân (xã xa nhất huyện). Trường THPT Như Xuân II được thành lập tại xã Bãi Tranh từ năm 2004, học sinh các xã Xuân Hòa, Xuân Bình, Bãi Tranh không còn phải lặn lội 30-40 cây số để lên Yên Cát học cấp III như trước. Tình trạng phá rừng, đốt nương cũng không còn vì Nhà nước đã thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng đến các hộ gia đình, việc khai thác vàng cũng không còn diễn ra lộn xộn như trước. Các dự án kinh tế cũng được triển khai và thu được kết quả tốt. Do đặc điểm thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp nên những năm qua huyện đã tập trung phát triển các loại cây như: mía, sắn, cao su. Trong tương lai, Như Xuân sẽ là một trong những vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn của tỉnh Thanh Hóa.

Rừng Như Xuân hầu hết rừng nguyên sinh, tài nguyên gỗ khá dồi dào. Với sự đa dạng về bản sắc văn hóa và còn giữ được khá nguyên vẹn phong tục tập quán, lại có Vườn Quốc gia Bến En là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với khám phá văn hóa bản địa.

Cuối năm 2004, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc nối cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh tại xã Bãi Tranh. Sau khi hoàn thành vào cuối năm 2006, con đường này sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách của huyện và các vùng miền núi phía Tây Thanh Hóa với đồng bằng. Lúc ấy "ốc đảo" Như Xuân sẽ hoàn toàn thoát khỏi thế cô lập, trở thành cửa ngõ, ngã ba giao thông của miền Tây Thanh Hóa- Nghệ An.

. Theo Báo Bạn đường

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gành Đá Đĩa  (17/06/2005)
Núi Ấn sông Trà: Bắt gặp hồn Nguyễn Cư Trinh  (16/06/2005)
Ba công viên di sản địa chất trong tương lai  (15/06/2005)
Vũng Rô - diện mạo mới cho sự liên kết vùng  (15/06/2005)
Bình Thuận - Vùng biển đẹp và thịnh vượng  (14/06/2005)
Phát triển du lịch ở DakLak: Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm  (13/06/2005)
Phan Thiết: Biển của các resort   (12/06/2005)
Một chuyến đi Đà Lạt đặc biệt   (10/06/2005)
Đăk Nông hướng mở từ đào tạo nghề  (09/06/2005)
Thức giấc cùng Hải Vân  (08/06/2005)
Điện, đường - sự giao thoa kỳ diệu trên vùng cao Đăk Glei  (08/06/2005)
Miền Trung: Phát triển Vùng gắn với quốc lộ 1A  (07/06/2005)
Quảng Trị: Du lịch đi lên từ biển  (06/06/2005)
Lên đỉnh Hòn Bà  (06/06/2005)
Công nghiệp Lâm Đồng trên đường hội nhập  (05/06/2005)