Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, nhiều quốc gia đã hình thành ý tưởng liên kết tạo sản phẩm du lịch chung như "Asean một điểm chung", 3 nước Đông Dương cũng có đề án "Ba quốc gia một điểm đến". Liên kết nội vùng và liên vùng để đẩy mạnh phát triển từ lâu đã được đặt ra đối với ngành Du lịch VN. Mới đây, từ Hà Nội đến Huế đã hình thành tour "Hành trình 1.000 năm những kinh đô của Việt Nam". Dọc miền Trung hình thành tour "Đường Hồ Chí Minh huyền thoại". Tây Nguyên có tour "Con đường Cao nguyên xanh". Với các tỉnh miền Trung, vấn đề liên kết vùng càng trở nên hấp dẫn hơn kể từ khi hình thành đề án Con đường di sản miền Trung (CĐDSMT) vào năm 2002. Và mới đây là Tuần lễ Văn hóa du lịch Nghệ An nhân 115 năm ngày sinh của Bác Hồ.
|
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đống Đa - Tây Sơn (Bình Định). |
Còn nhớ, năm 2001, lần đầu tiên tỉnh Quảng Nam phối hợp với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức thành công Pamr tour kết nối 3 DSVHTG Huế- Hội An-Mỹ Sơn với tên gọi lễ hội "Gặp gỡ đêm rằm phố cổ". Đây là lần đầu tiên một lễ hội diễn ra ở 3 tỉnh, thành phố, tập trung vào 3 di sản VHTG mà điểm nhấn là Hội An với sinh hoạt đêm phố cổ truyền thống, nhằm mục đích chủ yếu là quảng bá những tiềm năng, sản phẩm một vùng du lịch trọng điểm.
Trong thực tế các địa phương trên hành trình CĐDSMT đã có nhiều mối liên kết trong các lĩnh vực lữ hành, xúc tiến du lịch, mở tour tuyến, tác động tích cực đến toàn vùng bằng các lễ hội, liên hoan văn hóa- du lịch của từng địa phương… Tuy nhiên, các mối liên kết này còn khiêm tốn, nhỏ lẻ, có tính tự phát nhiều hơn là sự tác động của vai trò quản lý nhà nước. Trong khi thực tiễn hoạt động đòi hỏi đẩy mạnh liên kết, hợp tác và có sự quản lý, chỉ đạo vĩ mô.
Đó là tăng cường công tác hỗ trợ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý điều hành giữa các Sở và các doanh nghiệp du lịch trong khu vực nhằm tăng cường khả năng thu hút khách, kéo dài ngày khách lưu trú. Cần có tổ chức pháp nhân của CĐDSMT để có sự quản lý điều hành, tiếp thị, chỉ đạo thống nhất. Mỗi địa phương, doanh nghiệp phát huy tối đa những lợi thế riêng để bổ sung cho sản phẩm du lịch chung trên hành trình CĐDSMT. Trong đầu tư cần có định hướng quy hoạch phát triển đồng bộ toàn vùng, xây dựng sản phẩm du lịch chung trên cơ sở đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng như "Bãi biển mặt trời mọc" - gồm những bãi biển nổi tiếng: Sầm Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô, Non Nước, Cửa Đại, Nha Trang…; tour DSTG; tour làng nghề, tour văn hóa danh nhân, tour thắng cảnh miền Trung… Tránh tình trạng xây dựng sản phẩm trùng lặp, kém khả năng cạnh tranh, tác động tiêu cực lẫn nhau ở mỗi địa phương.
Tổ chức các lễ hội nhằm thổi hồn cho di sản, quảng bá di sản, tôn vinh di sản là một công việc cũng cần được các địa phương bàn thảo nhằm tăng cường phối hợp khai thác giá trị văn hóa nghệ thuật tốt hơn. Nghệ An vào dịp 19-5 hàng năm tổ chức Lễ hội Làng Sen cấp tỉnh, 5 năm một lần Lễ hội Làng Sen toàn quốc - lễ hội tôn vinh anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh… Ngoài ra, cần duy trì, nâng cấp các lễ hội thường xuyên đã gắn với đời sống tâm linh của cộng đồng như lễ tết Nguyên tiêu - gắn với ngày thơ Việt Nam, hoặc Festival thơ; Lễ hội Cầu ngư (tháng Giêng); Lễ Phật Đản (Rằm tháng 4); Tết Đoan Ngọ (tháng 5); Lễ Vu Lan (Rằm tháng 7); Lễ Thu tế; Tết Trung thu…
Duy trì, nâng cấp những lễ hội, lễ tế tiêu biểu của từng địa phương như hội vật làng Sình, lễ hội Điện Hòn Chén; Lễ thu tế làng An Truyền (Huế); Lễ hội Bà Thu Bồn; Lễ hội văn hóa Chăm (Quảng Nam); Lễ hội Quan Thế Âm - gắn với huyền tích Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng); Lễ hội Tây Sơn - gắn với kỷ niệm chiến thắng Đống Đa (Bình Định); Lễ hội Đền Cuông, Lễ hội vua Mai (Nghệ An)… Các lễ hội này đế được tổ chức bài bản sẽ là những lễ hội cộng đồng có quy mô lớn, thu hút khách thập phương "đến hẹn lại lên" như lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Chùa Hương, Lễ vía Bà Chúa Xứ… tạo ra những cơ hội phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, biến các giá trị văn hóa phi vật thể, văn hóa danh nhân thành tài nguyên du lịch vô tận, làm cho CĐDSMT trở nên nhộn nhịp, sôi động quanh năm.
Mặt khác, khi đã xác định là CĐDSMT thì khu vực này cũng cần được luân phiên, định kỳ tổ chức nhiều liên hoan nghệ thuật khu vực, quốc gia và quốc tế như liên hoan phim, liên hoan sân khấu, liên hoan nghệ thuật quần chúng, trại sáng tác các loại hình nghệ thuật… Đó chính là những Festival chuyên đề như liên hoan Hát từ Làng Sen, liên hoan tôn vinh các làng nghề do thành phố Huế tổ chức, liên hoan du lịch Bà Nà (Đà Nẵng) hàng năm, sinh hoạt Đêm phố cổ vào tối 14 Âm lịch hàng tháng ở Hội An (Quảng Nam)…
Cuối cùng, các hình thức quảng bá xúc tiến du lịch cũng phải được đổi mới và nâng cao chất lượng, với sự phối hợp của các địa phương trên hành trình CĐ DSMT. Xác định các địa phương cùng chung một điểm đến. Tổ chức nhiều tour đến các địa phương trên hành trình CĐDSMT để quảng bá du lịch toàn vùng. Xây dựng trang Web chung cho du lịch toàn vùng, trong đó có Web CĐ-DSMT.
Để các ý tưởng này có tính khả thi, Tổng cục Du lịch phải chủ trì triển khai quy hoạch chung và bước đầu phải đứng ra chỉ đạo, điều phối chung; hỗ trợ thông tin, tăng cường xúc tiến du lịch cho du lịch miền trung nói chung, CĐDSMT nói riêng, trong các đợt xúc tiến, quảng bá du lịch VN ra nước ngoài.
. Theo Báo Nghệ An
|