Cạnh tranh resort
14:44', 23/6/ 2005 (GMT+7)

Có trên 2.000km bờ biển nên du lịch biển đã trở thành thế mạnh của Việt Nam. Và khi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông, người trong nước có nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng nhiều thì số lượng các resort cũng gia tăng nhanh chóng.

Năm 1997, resort đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động là Coco Beach Resort - do một đôi vợ chồng người nước ngoài đầu tư và khai thác từ hiện tượng nhật thực tại Mũi Né, Phan Thiết. Quy mô Coco Beach Resort không lớn, chỉ có 34 phòng ngủ. Tuy nhiên, chỉ tám năm sau, tại Việt Nam đã có trên 100 resort được đưa vào khai thác cùng hàng chục dự án khác đang xây dựng hoặc chờ giấy phép đầu tư. Địa phương có nhiều resort nhất là Mũi Né - Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, với 68 resort đang hoạt động.

Có thể liệt kê những thương hiệu resort nổi tiếng như Furama (Đà Nẵng), Sài Gòn - Phú Quốc (Kiên Giang), Ana Mandara, Vina Pearl (Nha Trang), Victoria, Sài Gòn - Mũi Né, Sea Horse, Coco Beach, Phú Hải,… (Phan Thiết), Life (Quy Nhơn), Hội An Riverside (Quảng Nam)… Mỗi resort đều có thế mạnh riêng, từ cảnh quan môi trường, kiến trúc công trình, dịch vụ cho đến phong cách phục vụ, giá cả, khuyến mãi, quảng bá,… tạo nên một thị trường thật sôi động và hấp dẫn. Chính vì vậy, cuộc cạnh tranh về nguồn khách cũng diễn ra ác liệt.

Nếu tại các tuyến điểm như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Hội An, Nha Trang tình hình có vẻ dễ chịu do khối lượng resort chưa nhiều, thì tại Mũi Né đang là điểm nóng trong tiếp cận, thu hút và giữ chân du khách.

"Tại Mũi Né, mức độ cạnh tranh giữa các resort hiện rất gay gắt", ông Trần Ngọc, giám đốc Sài Gòn - Mũi Né Resort cho biết. Nếu trước đây, các resort còn ít, những ngày bình thường không đủ phòng kinh doanh thì nay công suất phòng chỉ đạt khoảng 30%, vào cuối tuần tăng lên khoảng 60-80%. Tuy nhiên, vào dịp lễ Tết, những du khách đến được đây là những người đã đăng ký phòng từ trước đó ít nhất ba tháng. Tình trạng này cũng diễn ra với các resort tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tuy mức độ thấp hơn nhưng cũng cho thấy cạnh tranh tại đây đang có chiều hướng căng thẳng.

Resort nhiều, cạnh tranh gay gắt nhưng không vì thế mà nhà đầu tư rụt tay. Một quan chức của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết hiện có không dưới 50 dự án resort đang xin giấy phép, đang xây dựng hoặc sắp khởi công, đặc biệt tại những tuyến điểm mới như Phú Quốc, Cam Ranh, Hội An, Đà Nẵng. Đơn cử mới đây tại Hội An, hai resort là Palm Garden và Gold Sand đã chính thức mở cửa hoặc dự án Disney land quy mô lớn do tập đoàn du lịch Hoa Kỳ đầu tư tại Mũi Né đã được cấp giấy phép.

"Tình hình kinh doanh resort Việt Nam chỉ ở giai đoạn sơ khai và chúng ta vẫn còn thiếu những resort quy mô tầm cỡ quốc tế. Cạnh tranh không thể chỉ loanh quanh trong nước mà phải vươn ra khu vực và thế giới", ông Đỗ Văn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty du lịch Sài Gòn từng phát biểu như vậy trong một hội thảo về quy hoạch và phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam. Ông Hoàng có cùng quan điểm với các chuyên gia du lịch quốc tế khi đánh giá tiềm năng du lịch biển Việt Nam, vì so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, du lịch biển Việt Nam không hề thua kém, thậm chí vượt trội về tài nguyên.

Vấn đề quan trọng hiện nay là Việt Nam vẫn chưa quyết tâm đầu tư công tác quảng bá tiếp thị xây dựng thương hiệu hình ảnh du lịch biển nói chung và lợi thế kinh doanh resort nói riêng đến với du khách quốc tế.

. Theo TBKTSG

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Con đường di sản miền Trung - Liên kết để phát triển  (22/06/2005)
Hội quán Vịnh Nha Trang  (21/06/2005)
Đắk Nông giúp vốn cho đồng bào thiểu số   (20/06/2005)
Như Xuân, Thanh Hóa: Những con đường "đổi đời"  (17/06/2005)
Gành Đá Đĩa  (17/06/2005)
Núi Ấn sông Trà: Bắt gặp hồn Nguyễn Cư Trinh  (16/06/2005)
Ba công viên di sản địa chất trong tương lai  (15/06/2005)
Vũng Rô - diện mạo mới cho sự liên kết vùng  (15/06/2005)
Bình Thuận - Vùng biển đẹp và thịnh vượng  (14/06/2005)
Phát triển du lịch ở DakLak: Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm  (13/06/2005)
Phan Thiết: Biển của các resort   (12/06/2005)
Một chuyến đi Đà Lạt đặc biệt   (10/06/2005)
Đăk Nông hướng mở từ đào tạo nghề  (09/06/2005)
Thức giấc cùng Hải Vân  (08/06/2005)
Điện, đường - sự giao thoa kỳ diệu trên vùng cao Đăk Glei  (08/06/2005)