Đánh thức Vạn Tường
12:1', 26/6/ 2005 (GMT+7)

Một thời gian dài, người dân ở xung quanh KKT Dung Quất tưởng chừng thành phố Vạn Tường chỉ có trên… giấy. Thế nhưng những gì ở trước mắt đã khiến mọi người có không ít sự ngỡ ngàng: Từ một vùng đất khô cằn, bỗng chốc ở đây mọc lên những con đường nhựa phẳng phiu ngang dọc và các khu đô thị ngày càng một hình thành khắp chốn.

Năm Tân Mão 1471, vùng đất giáp biển phía Đông huyện Bình Sơn đã được "đánh thức" một lần. Ấy là tiếng rầm rập của những đoàn quân chinh Nam mở mang bờ cõi của đức vua anh minh Lê Thánh Tông trong bước đường hành quân đã dừng lại duyệt binh ở đây trước khi ra trận. Tại đây, nhà vua được người dân trong vùng dâng lên một loại rong tảo sống bám vào các bãi đá ngầm ven biển, có màu nâu sẫm, khi nấu chín thì cô đặc như đường, ăn vào thấy mát dịu. Trong dặm trường chinh và khi dừng lại vùng đất khắc nghiệt đầy nắng gió, món rau đó đã làm dịu lòng đấng quân vương, nên nhà vua gọi ấy là "rau cần". Rồi từ đó các cửa biển trong vùng cũng mang theo chữ "cần" như " Cửa Thái Cần, cửa Thế Cần, cửa Sa Cần… Tương truyền rằng, cũng ngày ấy, đứng trước hàng vạn tướng sĩ, đức vua chúc: "Thiên giáng Vạn Tường, chúc chư đô toàn thắng!". Tướng sĩ lúc ấy đồng thanh hô to: Vạn Tường! Vạn Tường! Thế rồi cái tên Vạn Tường có từ ấy, mãi đến bây giờ ở tại đây có một thôn Vạn Tường thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (thuộc trung tâm của thành phố Vạn Tường).

"Vạn Tường" là "mọi sự tốt lành", nhưng tốt lành đối với người dân trong vùng, với những người yêu chuộng hòa bình, còn với quân xâm lược thì chẳng có tốt lành thế nào. Lịch sử cũng đã chứng minh điều đó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vào tháng 8-1965, khi phát hiện một bộ phận quân chủ lực của quân giải phóng đóng tại đây, Mỹ đã huy động một một lực lượng lớn gồm thủy bộ, không quân để tiêu diệt, bắt gọn cánh quân này. Thế nhưng sự tính toán ấy đã bị đập tan dưới tinh thần chiến đấu của quân và dân Vạn Tường, mở ra niềm tin tưởng lớn với ta hồi đó là: Việt Nam sẽ đánh thắng Mỹ, minh chứng hùng hồn nhất là chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.

Thực ra Vạn Tường được "đánh thức" từ khi có Dung Quất. Còn nhớ năm 1994, sau khi đi thị sát ở Dung Quất, khi đặt chân đến Vạn Tường, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói với những người đi cùng là: Phải xây dựng thành phố Vạn Tường thành thành phố thật hiện đại của Việt Nam. Thời điểm Thủ tướng nói, Vạn Tường là vùng đất cằn cỗi, mọi con đường đất đỏ mịt mù, chỉ có cây bụi và cát trắng bao la. Thế nhưng với địa thế một bên là biển, một bên là núi với những ngọn đồi bát úp hướng ra biển cùng với những hàng thông rì rào hợp xướng với sóng biển vỗ về quanh năm… đã đủ điều kiện cho Vạn Tường trong tương lai là thành phố biển đẹp của miền Trung.

Theo quy hoạch này, thành phố Vạn Tường có diện tích 2.400 ha, thuộc KKT Dung Quất, cộng thêm 470 ha của khu du lịch sinh thái ven biển. Tuy nhiên để có Vạn Tường, đánh thức được Vạn Tường thì phải có Nhà máy lọc dầu, KKT… Một thời gian dài, những điều đang thiếu ấy đã hình thành, đó là Khu công nghiệp Dung Quất (bây giờ là KKT Dung Quất) ra đời, với hàng tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng.

Giai đoạn từ năm 2002 trở về trước, cơ sở hạ tầng được xây dựng nơi đây là để đảm bảo yêu cầu phục vụ thi công và chuẩn bị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thế nhưng vào năm 2003, Vạn Tường mở mặt hơn với sự chuyển hướng mạnh sang thu hút các dự án đầu tư có quy mô vừa và nhỏ, mà trọng tâm là các doanh nghiệp phía Nam, ở xung quanh khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó hình thành Phân khu Công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất, Khu nhà ở công nhân, trạm xử lý nước thải, trạm cấp nước, cấp điện, viễn thông…

Đến hôm nay, theo tính toán của Ban Quản lý KKT Dung Quất (không kể dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất) thì giai đoạn 2001-2004, đã thu hút 47 dự án với vốn đăng ký 8.155 tỉ đồng. Bước vào giữa năm 2005, ở đây lại có thêm sự chuyển biến mới, đã có 8 dự án đầu tư và khả năng đến cuối năm nay sẽ có 20 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 4.000 tỉ đồng. Trước khi được Chính phủ phê duyệt, Cảng Dung Quất còn hoạt động mạnh, trong 5 tháng đầu năm hàng hóa qua bến cảng số 1 đã đạt gần 400 ngàn tấn. Mỗi ngày tháng qua đi, Dung Quất - Vạn Tường lại chuyển biến có hướng khả quan hơn, khi có hàng chục doanh nghiệp từ các tỉnh phía Nam, từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc… đến khảo sát đầu tư thuộc các lĩnh vực: luyện cán thép, chế tạo thiết bị, sản xuất và lắp ráp ô tô, chế biến đồ gỗ xuất khẩu, dệt may, giày da, sợi tổng hợp… Trong đó có nhiều dự án có mức đầu tư hàng trăm triệu đô la, mà điển hình là dự án có 100% vốn FDI của doanh nghiệp Đài Loan trình Thủ tướng Chính phủ đăng ký đầu tư Nhà máy luyện phôi thép lò cao, với tổng vốn đăng ký 1 tỉ đô la.

Thế nhưng Vạn Tường không chỉ được đánh thức bằng KKT Dung Quất. Hiện nay ở đây đã mọc ra nhiều đô thị, trường học, bệnh viện, trung tâm viễn thông, truyền hình… Điều nhiều doanh nghiệp cũng đang chú ý là đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển, bởi thiên nhiên đã ban tặng cho Vạn Tường nhiều bãi biển đẹp, nhiều làng văn hóa truyền thống sánh vai với các bãi biển khác trong nước. Chỉ trong một thời gian nữa khu du lịch "Thiên Đàng", rộng 300 ha nằm trên biển Khe Hai với mực nước phẳng lờ, bờ cát trải dài trắng mịn ôm lấy dãy phi lao xanh vượt vi vu gió ngàn xuất hiện, tô đẹp thêm cho Vạn Tường, mát lòng khu khách về thăm thú nơi đây.

. Theo Báo Quảng Ngãi

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cạnh tranh resort  (23/06/2005)
Con đường di sản miền Trung - Liên kết để phát triển  (22/06/2005)
Hội quán Vịnh Nha Trang  (21/06/2005)
Đắk Nông giúp vốn cho đồng bào thiểu số   (20/06/2005)
Như Xuân, Thanh Hóa: Những con đường "đổi đời"  (17/06/2005)
Gành Đá Đĩa  (17/06/2005)
Núi Ấn sông Trà: Bắt gặp hồn Nguyễn Cư Trinh  (16/06/2005)
Ba công viên di sản địa chất trong tương lai  (15/06/2005)
Vũng Rô - diện mạo mới cho sự liên kết vùng  (15/06/2005)
Bình Thuận - Vùng biển đẹp và thịnh vượng  (14/06/2005)
Phát triển du lịch ở DakLak: Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm  (13/06/2005)
Phan Thiết: Biển của các resort   (12/06/2005)
Một chuyến đi Đà Lạt đặc biệt   (10/06/2005)
Đăk Nông hướng mở từ đào tạo nghề  (09/06/2005)
Thức giấc cùng Hải Vân  (08/06/2005)