Những năm qua, nhờ vào nguồn vốn của Chương trình 135, bộ mặt nông thôn nói chung, các xã đặc biệt khó khăn nói riêng của tỉnh Gia Lai đã thêm khởi sắc với nhiều công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, giải quyết cơ bản những bức xúc về cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề vật chất quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
|
Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai |
Trong 5 năm qua (1999-2003), từ các nguồn vốn của Chương trình 135, tỉnh Gia Lai đã đầu tư trên 218 tỉ đồng để xây dựng, phát triển cho 114 làng thuộc 78 xã đặc biệt khó khăn. Trong số này, tỉnh ưu tiên cho xây dựng các kết cấu hạ tầng cơ sở với nguồn vốn lên đến trên 152,5 tỉ đồng, bao gồm 12 Trung tâm cụm xã, 151 trường học với 530 phòng học kiên cố và bán kiên cố; 8.766 km đường liên thôn, liên xã; 183 công trình thủy lợi, 550 cống thoát nước, 17 cầu, 40 ngầm qua suối, bê tông hóa 28.681 km kênh mương; xây dựng 67 trạm biến áp hạ thế với 747,63 km đường dây điện được kéo về các buôn làng. Ngoài ra, nhiều công trình dân sinh cũng được đầu tư xây dựng và mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho người dân như chợ trung tâm, trạm y tế khu vực, giếng nước sạch, hệ thống nước tập trung.
Có thể nói, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia khác của Nhà nước, Chương trình 135 đã góp một phần đáng kể và tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Gia Lai: tỉ lệ đói nghèo từ 22,4% năm 2001, đến nay đã giảm xuống còn 12,5%. Toàn tỉnh đã có 186/187 xã, phường, thị trấn đã được sử dụng điện lưới quốc gia và có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% phòng khám khu vực và 30% trạm y tế có bác sĩ, 100% xã có lực lượng y tế cộng đồng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trên lĩnh vực giáo dục, toàn tỉnh hiện có 545 trường với 440 ngàn học sinh theo học ở các lớp học và đã có 70 xã được công nhận phổ cập THCS, tính bình quân chung cứ 3,2 người dân thì có một người được đến trường.
Chương trình 135 không những có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, mà trên hết đó là sự thể hiện sinh động nhất của ý Đảng, lòng dân. Từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, về việc lồng ghép một số chương trình, dự án vào Chương trình 135, tỉnh đã mạnh dạn phân cấp cho huyện quyết định đầu tư duyệt dự toán thiết kế, chỉ định thầu các công trình có mức vốn dưới 500 triệu đồng, đồng thời tạo mọi điều kiện cho cấp xã nâng cao năng lực quản lý và giám sát việc thực hiện từ khi mới thi công cho đến khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Các Ban giám sát còn thực hiện sự dân chủ, bằng cách công khai thông báo các nguồn đầu tư, đưa ra dân bàn bạc, đóng góp ý kiến những hạng mục, công trình nhằm phục vụ một cách thiết thực, phù hợp với nhu cầu nguyện vọng của người dân, tránh được những tiêu cực phát sinh, mặt khác chất lượng công trình đảm bảo.
Việc hình thành các trung tâm cụm xã, một mô hình phù hợp đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã xóa bỏ sự ngăn cách về không gian cho những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kém phát triển và tạo điều kiện để người dân thông qua đó được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi hàng hóa và mở rộng được tầm nhìn, tiếp thu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật để cải thiện cuộc sống và sinh hoạt.
. Theo báo Dân tộc và Phát triển |