Theo đánh giá từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thời gian đến sẽ là giai đoạn căng thẳng hơn cho các tỉnh miền Trung trong lĩnh vực thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN). Áp lực cạnh tranh khu vực tăng lên trong khi quyết định đầu tư của các tập đoàn kinh tế lại có thể giảm sút, sẽ buộc mỗi địa phương phải điều chỉnh cách làm của mình và Đà Nẵng không thể tách khỏi xu thế ấy.
Có 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xúc tiến đầu tư vào các KCN Đà Nẵng đã được các nhà quản lý vạch ra trong thời gian gần đây. Các yếu tố này dù xét ở góc độ khách quan hay chủ quan đều đang diễn ra trong môi trường đầu tư Đà Nẵng, một môi trường vốn dĩ bị đánh giá chưa có gì xuất sắc so với các tỉnh, thành phố phía Nam.
Về khả năng vận dụng các cơ chế ưu đãi đặc thù sẽ bị lược bỏ. Thông tin gần đây về những tỉnh, thành phố "xé rào" sai quy cách phải chỉnh đốn, buộc các nhà làm chính sách của Đà Nẵng thận trọng hơn. Trong khi đó, nhiều DN cũng thừa nhận, họ không thực sự cầu mong những ưu đãi đa mức độ nữa, mà cần những tác động tích cực hơn về môi trường quản lý sau đầu tư. Cho nên, sẽ có một số chỉnh sửa được Đà Nẵng tiến hành với tinh thần gần gũi dự án đã đầu tư hơn các dự án còn thăm dò.
Về chất lượng công tác xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng đến nay vẫn chưa tốt. Theo ông Trần Văn Đông, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng thì ngay với những dự án cấp phép thời gian qua, mối quan hệ "quen biết" hay sự chủ động đến tìm từ nhà đầu tư vẫn là chính. Còn nói các nhà quản lý Đà Nẵng đã thiết thực tổ chức được các chương trình tiếp cận nhà đầu tư, chọn đúng dự án để tiếp thị và kéo về, thì e rằng còn khó lắm.
Về hiện trạng hiệu quả đầu tư và hoạt động của DN sau đầu tư còn nhếch nhác. "Nếu ta quản lý tốt, có dự án tốt, thì vừa qua đã không có những ta thán giữa các DN về nạn ô nhiễm bụi, khói, mùi trong KCN; không có chuyện vài DN bị đình công; không có các dự án đã đăng ký rồi giậm giựt rút lui, tạo dư luận xấu rằng họ đầu cơ đất" - một lãnh đạo thành phố đã nói như vậy.
Ngoài ra, hiện trạng đất trong các KCN Đà Nẵng đến nay là 1.400 ha. Nếu sắp đến, Đà Nẵng có mở rộng một vài điểm nữa hay có hẳn một KCN mới, thì tổng cộng vẫn dưới mức 1.800 ha. Các nhà quản lý nhìn nhận, đây không phải là con số lý tưởng để Đà Nẵng thoải mái chấp nhận nhà đầu tư, vì nhìn cho đến sau năm 2020, đất công nghiệp Đà Nẵng cũng chỉ có vậy. Một đòi hỏi khác là định hướng quy hoạch công nghiệp dự phòng cho du lịch tương lai cũng không cho các KCN Đà Nẵng bỏ qua các tiêu chí môi trường và hiệu quả đầu tư bền vững. Những lý do này đã khiến các nhà quản lý đưa ra quan điểm thắt chặt cánh cửa chọn lọc nhà đầu tư vào các KCN, điều xét ra mâu thuẫn với thái độ cầu thị đầu tư của địa phương.
Từ những vấn đề trên, các KCN Đà Nẵng rõ ràng phải thay đổi bằng các giải pháp tăng lực mới. Cụ thể là các tiêu chí nào để địa phương chọn lọc các dự án đầu tư? Các cấp quản lý đã nói chuyện này nhiều lần, nhưng việc đề đạt ở từng KCN cụ thể thì vẫn mông lung. Chính nhiều DN khi tìm hiểu ở KCN Đà Nẵng (An Đồn cũ) đã phàn nàn, các chỉ số an toàn địa phương đặt ra với KCN này cao quá, đến mức họ không dám đầu tư. Xem ra như vậy là "xử ép" nhà đầu tư hạ tầng, nhưng về toàn cảnh chung thì các quyết định tiêu chí xanh, sạch lại đúng. Cho nên, trong thời gian đến, việc phải mạnh dạn hy sinh một số cơ hội là điều tiên quyết các KCN phải chọn.
Thế nhưng, trong khi các đầu mối giới thiệu, xúc tiến đầu tư còn chưa nhất quán như hiện nay, làm sao khả năng lựa chọn các dự án suôn sẻ được? Nhiều nhà quản lý cho rằng, hiện nay Đà Nẵng có quá nhiều trung tâm xúc tiến đầu tư ngành. Thay vì tham mưu đề xuất các chính sách quy hoạch, tìm kiếm các dữ kiện tăng cường quản lý, phần lớn các đơn vị này lại lo đi tìm giới thiệu dự án, làm thủ tục. Những phần hành như vậy cần phải xếp vào một đầu mối duy nhất theo từng dạng đầu tư! Bởi vậy, tăng cường thể chế một đầu mối thông tin thủ tục là vấn đề thứ hai các KCN phải làm.
Hiện nay, các dự án đầu tư vào Đà Nẵng đều chú ý về trình độ công nghệ và giá trị sản lượng, nên không thể là những mặt bằng quy mô nữa. Thành thử việc tái thiết kế, quy hoạch từng dạng mặt bằng ở các KCN là tối cần thiết. Một dự án sản xuất công nghệ cao có khi chỉ có vài trăm mét vuông nhà xưởng, mà lại hiệu quả gấp hàng chục lần một dự án sản xuất thủ công đông nhân lực rộng vài ha. Việc cho các dự án này thuê đất phải điều chỉnh lại về quy mô và cả công năng sử dụng. Một cách làm khác là có thể hình thành những tiểu KCN "chuyên đề". Đơn cử, các nhà DN Nhật Bản đang đến Đà Nẵng tìm hiểu, nếu họ được xếp vào một KCN ở một góc chung với hạ tầng tập trung, chắc chắn số dự án sẽ tăng nhanh. Cho nên, nếu Đà Nẵng quy hoạch được các dự án cụ thể để xúc tiến ở từng diễn đàn quan hệ, các KCN Đà Nẵng sẽ rất chóng trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư tương lai!.
. Theo báo Đà Nẵng
|