Theo ông Đoàn Ngọc Minh, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, ở thời điểm tái lập tỉnh, Quảng Nam chỉ có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với tổng vốn đăng ký chưa đến 50 triệu USD, trong đó chưa có dự án nào đi vào hoạt động.
Khi đó, bức tranh kinh tế đối ngoại trên địa bàn tỉnh còn khá mờ nhạt. Do vậy, ngay sau khi tái lập tỉnh, Quảng Nam đã dành sự ưu tiên thích đáng cho công tác nghiên cứu về lợi thế, tiềm năng của địa phương. Trên cơ sở đó, mạnh dạn cải thiện môi trường đầu tư và tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư cả trong và ngoài nước. Kết quả công bố chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) công bố giữa tháng 5-2005 cho thấy, Quảng Nam được xếp vào nhóm 13 tỉnh có PCI khá cao. Điều đó có nghĩa môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Nam được doanh nghiệp đánh giá khá cao, khả năng thu hút đầu tư và khả năng cạnh tranh của địa phương khá tốt.
Môi trường đầu tư ngày càng hoàn thiện, một số cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn Quảng Nam được điều chỉnh và bổ sung kịp thời, đã góp phần quan trọng vào việc thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tạo động lực mới cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa.
Tính đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai đã thu hút 117 dự án trong và ngoài nước đăng ký đầu tư với tổng vốn 1,388 tỉ USD, trong đó có 61 dự án đã được cấp phép với tổng vốn hơn 637 triệu USD. Khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc có 41 dự án được cấp phép với tổng vốn hơn 132 triệu USD, trong đó 27 dự án đã đi vào hoạt động với giá trị sản xuất chiêm 25,6% tổng giá trị toàn ngành. Khu công nghiệp Thuận Yến có 7 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư gần 8 triệu USD.
Số dự án có vốn ĐTNN được cấp phép trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 45 dự án, tổng vốn đầu tư 260 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động địa phương, nộp ngân sách các loại hơn 10 tỉ đồng/năm. Nhiều dự án ĐTNN hoạt động khá hiệu quả như liên doanh khách sạn Victoria Hội An, chế biến cát trắng của Công ty Hoằng Tiệp Việt Nam, chế biến đá của Công ty WXS Industrial-Việt Nam… Đặc biệt, Công ty Giày Rieker Việt Nam (Khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc) sau gần 1 năm tính từ ngày khởi công xây dựng nhà xưởng, đã đạt giá trị xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu USD.
Thêm nhiều doanh nghiệp mới ra đời, nhiều doanh nghiệp mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất-kinh doanh đã thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo hướng đa dạng, phong phú hơn. Theo ông Nguyễn Hồng Vân, giám đốc Sở Thương mại Quảng Nam, hiện đã có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ mà hàng hóa xuất khẩu của Quảng Nam vươn đến. 6 tháng đầu năm nay, các thị trường xuất khẩu trọng điểm đều đạt ở mức cao như Trung Quốc (5,5 triệu USD, chiếm 11,98% tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) trực tiếp của tỉnh, bao gồm các mặt hàng cát, hải sản khô và đông lạnh, tinh bột sắn); Nhật Bản (5,62 triệu USD, chiếm 12,24% với các mặt hàng cát, hải sản khô, nguyên liệu giấy, hàng thủ công mỹ nghệ - TCMN), Hàn Quốc (2,33 triệu USD chiếm 5% tăng 49,3% so cùng kỳ năm trước), Đài Loan (2,35 triệu USD chiếm 5,07%, tăng 11%).
Ngoài ra, hàng hóa từ Quảng Nam còn xuất khẩu vào các nước châu Âu như Đức (3,07 triệu USD), Ý (1,5 triệu USD), Úc (hơn 3 triệu USD), Pháp (3,5 triệu USD), Tây Ban Nha (2,6 triệu USD). Riêng thị trường Mỹ, KNXK cũng đã đạt con số 3 triệu USD, chiếm 6,53%, tăng 50% so cùng kỳ năm trước với các sản phẩm hàng may mặc, hải sản đông lạnh và hàng TCMN.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Hồng Vân, điểm yếu của hàng xuất khẩu Quảng Nam là phần lớn sản phẩm còn ở dạng sơ chế; các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu (gỗ, nguyên phụ liệu may mặc, nông sản). Sự lệ thuộc này là nguyên nhân khiến xuất khẩu phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự biến động giá vật tư, hàng hóa trên thế giới. Cạnh đó, không ít doanh nghiệp vẫn còn biểu hiện trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa xây dựng được chiến lược xuất khẩu (trong đó có chiến lược thị trường) phù hợp, ý thức liên kết tự nguyện giữa các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh chưa cao; kinh nghiệm trong quản lý, đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp còn yếu. Đến nay, tuy đã thành lập ban vận động thành lập Hiệp hội quế Quảng Nam, nhưng vẫn chưa ra mắt được hiệp hội (do chưa đủ 50 thành viên đăng ký tham gia). Điều này làm cản trở đến khả năng liên kết trong quá trình sản xuất kinh doanh và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm quế Quảng Nam.
Trong khi một số mặt hàng có mức tăng trưởng nhanh (gỗ 56,68%, thủy hải sản 30,34%, nhân hạt điều 45%, nguyên liệu giấy 67,29%) thì một số mặt hàng được đánh giá là nhiều tiềm năng tạo ra nhiều việc làm, mang lại hiệu quả xã hội cao, lại có tốc độ tăng trưởng thấp so với mức tăng trưởng chung của tỉnh (28,85% so cùng kỳ) như hàng mặc may mặc (tăng 18,35%), hàng TCMN (tăng 20,45%), hàng thủy sản (giảm 18,45%). Và, mặc dù trong năm qua, Trung ương và địa phương đã dành nhiều sự quan tầm đáng kể nhưng KNXK của các mặt hàng này vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh, tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại của địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Lâu nay chỉ mới tập trung vào các hoạt động cơ bản và đơn giản như cung cấp thông tin chung về thị trường, tổ chức, tham gia các hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường, còn các hoạt động khác như nghiên cứu cung cấp thông tin chuyên sâu về thị trường và sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao (ở đâu, lúc nào, sản phẩm gì? )… thì vẫn còn hạn chế. Bất cập nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác xuất khẩu của tỉnh vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực chuyên môn, chưa theo kịp với nhu cầu đòi hỏi trong giai đoạn hội nhập kinh tế.
Nghị quyết HĐND tỉnh khóa VII, kỳ họp thứ 4 đã xác định chỉ tiêu phấn đấu về KNXK năm 2005 là 105 triệu USD, tăng 39,34% so với năm 2004. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải huy động, tập trung tối đa mọi nguồn lực cho xuất khẩu; đồng thời, phải có những giải pháp đồng bộ, định hướng rõ ràng với từng mặt hàng xuất khẩu nhằm khai thác tối đa khả năng KNXK của từng mặt hàng.
Có như thế, Quảng Nam mới trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút mỗi năm khoảng 200 triệu USD vốn ĐTNN, tăng khả năng KNXK hơn 100 triệu USD/năm, trở thành một trong số các địa phương có KNXK cao trong 10 năm đến.
. Theo báo Quảng Nam |