Nghệ An là điểm dừng hợp lý trên trục đường sắt, đường bộ xuyên Việt, điểm đầu của tuyến hành lang Đông Tây theo con đường quốc tế số 8. Dải đất ven biển còn có cảng biển quốc tế Cửa Lò, sân bay Vinh đón được máy bay cỡ lớn A320. Đó là những điều kiện để du lịch Nghệ An tổ chức nhiều tour đến và đi bằng nhiều loại phương tiện.
Nghệ An có địa hình đa dạng và tài nguyên thiên nhiên khá phong phú. Điển hình như Vườn quốc gia Pù Mát, rừng nguyên sinh Phù Huống, Pù Hoạt - những khu bảo tồn đa dạng về sinh học thu hút du khách và các nhà nghiên cứu động - thực vật trong nước và quốc tế.
Với bờ biển dài hơn 82km và nhiều cửa biển đẹp, Nghệ An đã trở thành thành điểm đến của nhiều du khách trong nước, quốc tế. Theo thống kê, mỗi năm Cửa Lò - một cửa biển nổi tiếng - đã thu hút được gần 1 triệu lượt khách đến nghỉ dưỡng.
Bên cạnh lợi thế do thiên nhiên ưu đãi, Nghệ An còn có loạt di tích lịch sử nổi tiếng như Khu lăng mộ Vua Mai (thế kỷ VIII) dưới chân Rú Đụn, Khu di tích Kim Liên, Khu tưởng niệm nhà chí sĩ Phan Bội Châu ở Nam Đàn, Hưng Nguyên - nơi sinh nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ, Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu quê hương bà chúa Thơ Nôm…
Cái sự hay đẹp đến mức Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nhận xét: "Bên những di tích vô giá về Bác Hồ, Nghệ An còn không ít di tích lịch sử khác vì nơi đây thời nào cũng danh nhân, vùng đất nào cũng có anh hùng. Với thế mạnh nổi trội ấy, Nghệ An phải trở thành điểm đến về du lịch lịch sử vào loại đệ nhất giang sơn".
Du lịch Nghệ An đang chuyển mình đi lên. Cơ sở hạ tầng du lịch được cải thiện. Lượng khách quốc tế ngày một tăng. Từ năm 2001 đến năm 2004, doanh thu du lịch tăng trung bình 26,5%/năm. Riêng năm 2004, Nghệ An đã đón hơn 1 triệu lượt khách, trong đó có 26.000 lượt khách quốc tế - chưa đạt 1% so với tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (3,2 triệu lượt khách). Nghệ An cần phải tự thắc mắc rằng tại sao người Nhật, người Pháp thản nhiên đi qua tỉnh để vào với Huế, Đà Nẵng… dù những nơi ấy chưa hẳn vượt trội về cảnh quan, di sản văn hóa - những thứ mà thiên nhiên đã ban tặng xứ Nghệ An một cách rộng rãi.
Ngay cả người Nghệ An cũng cảm thấy chưa hài lòng với những gì mà ngành Du lịch tỉnh đã đạt được. Theo ông Hoàng Trung Châu, giám đốc Sở Du lịch Nghệ An thì Du lịch Nghệ An còn nhiều bất cập, sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, hoạt động lữ hành có sức cạnh tranh yếu, quảng bá du lịch chưa bài bản… Để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì ngoài sự phát huy nội lực, cần có sự hỗ trợ của Trung ương và của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Thời gian qua, Nghệ An đã có chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư như: ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng … Tỉnh đang tích cực cải cách hành chính, bổ sung cơ chế, chính sách, chuẩn bị sẵn điều kiện để các nhà đầu tư có thể triển khai các dự án nhanh hơn. Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) "Dải đất miền Trung hội tụ 4/5 di sản văn hóa thế giới của Việt Nam, rất phù hợp với phát triển du lịch. Chương trình hợp tác du lịch đường bộ Việt Nam - Lào - Thái Lan được triển khai từ năm 1994 đã mở hướng cho sự phát triển du lịch của 3 nước, đặc biệt của các tỉnh miền Trung".
Rõ ràng vì nằm trên "Con đường di sản miền Trung" nên Nghệ An cần hợp tác với các địa phương khác về tạo dựng sản phẩm đặc thù mang tính liên vùng, quảng bá và khai thác thị trường, đào tạo nguồn nhân lực… nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của du lịch Nghệ An cũng như toàn miền Trung. Theo ông Trương Nam Thắng, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Cty liên doanh OSC-SMI Travel thì với những tài nguyên du lịch nhân văn và phi vật thể, tỉnh cần đặc biệt lưu ý đến sự liên kết và hợp tác giữa các ngành có liên quan khi xây dựng quy hoạch du lịch. Nghệ An nên hoàn chỉnh quy hoạch chuẩn cho một số khu du lịch biển trọng điểm như Cửa Lò, Cửa Hội, Vườn quốc gia Pù Mát.
Các ý kiến nêu trên ít nhiều mang tính vĩ mô. Xây dựng đường sá, khách sạn hạng sang giống như phần xác cho một thực thể và về lâu dài cần phải hướng về nguồn tài nguyên du lịch nhân văn vốn rất đáng kể ở Nghệ An. Truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy ở đền Cuông, di chỉ Làng Vạc, làng cá ven Cửa Hội, những cháo lươn Vinh, tương Nam Đàn, cà pháo Nghi Lộc, cam Xã Đoài, dân ca xứ Nghệ… đang được khai thác tùy hứng.
Nếu biết cách làm bài bản hơn xứ Nghệ là nơi rất đáng để người ta quay lại sau lần đến đầu tiên.
. Theo báo Nghệ An |