Hơn một tháng qua, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đang đối mặt với nắng hạn khốc liệt. Từ đồng bằng lên miền núi ra vùng hải đảo, bà con đều kêu trời.
* Quảng Nam: 200.000 dân thiếu nước
|
Thiếu nước, lúa bị chết cháy chỉ cắt để cho bò ăn ở vùng tây Thăng Bình, Quảng Nam. |
Ông Mai Văn Giáo, chủ tịch HĐND xã Tân Hiệp, cù lao Chàm, (thị xã Hội An) cho biết nước sinh hoạt cho 600 hộ dân với khoảng 2.700 khẩu của xã đảo hiện đang là nỗi lo bức thiết. Hầu hết các giếng khoan đều nhiễm mặn. Nguồn nước duy nhất cung cấp cho xã đảo tại suối Bãi Bìm đã khô kiệt từ lâu.
Chính vì vậy, đến thời điểm này bà con xã đảo lo nhất vẫn là nước. Hiện có hai thôn Bãi Cấm và Bãi Làng hoàn toàn không có nước sinh hoạt, ngay nước ngầm cũng không khai thác được. Cả xã đảo đang tập trung đi tìm nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt, nhưng tất cả đều nhiễm mặn. Ông Nguyễn Sự, Chủ tịch HĐND thị xã Hội An, cho biết nếu tình trạng này kéo dài, nguồn nước ngầm đều bị nhiễm mặn, biện pháp duy nhất hiện nay là chở nước từ đất liền ra phục vụ nhân dân và du khách.
Mực nước tại hầu hết các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hạ xuống mức kỷ lục, thấp hơn 1-2m so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng nước mặn xâm nhập các sông ngày một nhiều, kéo dài nhiều giờ, "đây là hiện tượng bất thường từ trước đến nay" - ông Trần Văn Bình, giám đốc Công ty Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Quảng Nam, nhận định. Tại huyện Thăng Bình, ở các xã vùng tây của huyện như Bình Lãnh, Bình Định, Bình Trị... nhiều người dân phải đi hơn 2km tìm đến các con suối để đào giếng lấy nước về sinh hoạt.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết toàn tỉnh đã có hơn 6.000ha lúa vụ hè thu khô cháy, gần 3.000ha đất bỏ hoang không thể sản xuất được do không có nước tưới, hơn 20.000ha cây công nghiệp và cây màu đang trong tình trạng chết đứng. Ngoài ra còn có trên 200.000 dân đang thiếu nước sinh hoạt. Do không có lũ tiểu mãn xuất hiện, lại nắng nóng kéo dài gần hai tháng nay, nên hầu hết các hồ chứa và hệ thống sông lớn trên địa bàn đều cạn kiệt nguồn nước.
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo cho các huyện, ban ngành tập trung chống hạn như: đào vét kênh mương, tiết kiệm tối đa nước tưới tiêu.
* Quảng Ngãi: cắt lúa cho bò
Sáu tháng rồi ở huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) không có giọt mưa nên mực nước ở các hồ chứa tụt dần rồi trơ đáy. Theo thống kê của UBND xã Bình Tân, toàn xã có 205 giếng nước bị khô cạn nên 565 hộ với 2.907 nhân khẩu thiếu nước uống. Ở các xã Bình Hải, Bình Phú còn 250 hộ cũng bị thiếu nước sinh hoạt.
Dân trong xã Bình Nguyên đành cắt lúa cho bò ăn thay cỏ. Không dừng lại ở cánh đồng thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên mà ở các xã Bình Phước, Bình Tân, Bình Trị, Bình Hòa, Bình Đông, Bình Thanh Đông, Bình Phú đều rơi vào cảnh này với 100ha lúa bị chết cháy chưa ứng cứu được và 300ha trong trạng thái bấp bênh không đảm bảo nước tưới.
Ở huyện đảo Lý Sơn, từ tháng giêng đến nay chưa hề có một cơn mưa. Tại xã đảo An Bình (tức đảo Bé) không có mạch nước ngầm để đào giếng nên các chum vại, bể dự trữ nước sinh hoạt cạn kiệt. Từ tháng hai đến giờ hòn đảo này gồm 102 hộ với trên 400 dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt phải mua nước từ đảo Lớn chở sang.
Thế nhưng hiện nay ở thôn Tây, xã An Vĩnh (thuộc đảo Lớn) nhiều giếng cũng đã trơ đáy, nên việc gom nước cho thuyền công vụ chở qua xã đảo An Bình gặp khó khăn và giá nước cũng tăng lên. Nếu như hồi đầu tháng sáu giá 150.000 đồng/m3 nước ngọt thì hiện nay giá ở xã đảo An Bình tăng lên 180.000-200.000 đồng/m3. Ở đảo Bé không có cầu cảng nên thuyền chở nước từ đảo Lớn sang phải cập ngoài khơi rồi vòng dây thả can xuống biển cho người trên bờ kéo vào đảo.
Bà Nguyễn Thị Giỏi, nhà ở giữa xóm, sau khi mua hai can nước về là trút ngay vào bể chứa. Bà nói: "Đổ vào bể mới tiết kiệm được nước. Chứ để ở ngoài, con cái tiện tay là "cái sự sống" hao ngay". Nói rồi bà xả nước rửa rau rồi lại chuyển nước rửa rau qua một thau khác để giặt quần áo. Chưa hết, sau khi giặt quần áo, nước được chuyển ra tưới cây đu đủ phía trước nhà.
. Theo Tuổi Trẻ
|