Về bến Giang Đình
8:26', 14/7/ 2005 (GMT+7)

Khi nói về "Bát cảnh" trên đất Nghi Xuân, trong các sách viết về Nghi Xuân từ xưa đến nay đều nhắc đến bến đò cổ Giang Đình (Giang Đình cổ độ).

Bến Giang Đình không nằm trong khu lưu niệm Nguyễn Du, nhưng khi giới thiệu về dòng họ Nguyễn Tiên Điền, về cuộc đời và sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du, người ta không thể quên được bến sông này.

Theo sách Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diễn thì trước đây, bên Giang Đình gọi là bến đò Tả Ao từ xã Uy Viễn (Xuân Giang) qua làng Yên Lưu huyện Châu Lộc, nay là thị trấn Nghi Xuân. Bến đò nằm ở bờ nam sông Lam, giữa vùng cư dân trù phú có địa thế mặt bằng rộng, độ sâu thích hợp, vào mùa hè nước trong xanh, rất thuận lợi cho thuyền bè cập bến.

Bến Giang Đình từ xa xưa đã gắn liền với cư dân Nghi Xuân, nhưng cũng là một địa danh gắn chặt với sự phát triển thăng trầm của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Tại đây, vào năm 1601, khi Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm, một tướng giỏi của nhà Mạc bị Trịnh Tùng đánh, thất thủ ở Thanh Hóa không có điều kiện về lại quê hương ở làng Canh Hoạch, tỉnh Hà Tây, phải lần đường xuống hướng Nam để tìm nơi mai danh ẩn tích. Khi vượt bờ bắc sông Lam sang đến bến đò Tả Ao, Nguyễn Nhiệm nhìn thấy thế đất, thế núi rồng bay, non nước mây trời yên lặng, cuộc sống của cư dân nơi đây thanh bình, ông đã quyết định chọn vùng đất Tiên Điền để lập nghiệp. Chính từ đó là bước khởi đầu hình thành dòng họ Nguyễn Tiên Điền trâm anh thế phiệt.

Bến sông cách nhà không xa nên về sau, gia đình họ Nguyễn mỗi khi có công việc hệ trọng, tiễn đưa con đi học hành, thi cử đều phải qua bến sông. Qua các thế hệ, bến sông đã để lại trong mỗi người gia tộc họ Nguyễn những kỷ niệm đẹp đẽ và những hoài vọng lớn lao.

Về sau, chính những người trong gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền lại làm tên tuổi bến sông nổi tiếng. Vào cuối năm 1771, sau một thời gian dài giữ nhiều trọng trách của triều đình, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm dâng sớ xin về trí sĩ tại quê nhà để hưởng phút thanh thản tuổi già và tập trung vào hoàn thành các trước tác ông hằng ấp ủ. Chiểu theo nguyện vọng, vua Lê cho phép ông về nghỉ mấy tháng và cấp ba chiến thuyền hải mã, một đạo quân cùng nhiều vật phẩm ban biếu, hộ tống ông về. Ở quê nhà được tin, dân làng đã chuẩn bị đón rước rất lớn.

Thiếu bảo Quận công Đặng Vinh lúc đó vừa là nhạc phụ của Nguyễn Nghiễm, vừa là người già có uy tín nhất trong vùng đã cùng dân làng dựng một ngôi đình tạm 3 gian, cột gỗ, lợp lá mây rừng ngay trước bến sông, cắm cờ rợp trời từ bến sông đến cổng chính gia tộc họ Nguyễn để đón rước. Đoàn thuyền đưa Nguyễn Nghiễm trở về đi vào cử Đan Nhai, ngược dòng sông Lam rồi lên cập bến Tả Ao. Họ hàng, thôn xã kể cả các giới nho sĩ, trí thức trong vùng đông như hội ra đón tận bến sông, ngựa xe, võng lọng đậu đầy bến bãi, khênh kiệu ông từ bến sông về nhà.

Để đáp lại lòng tốt của dân làng, sau vài tháng dưỡng sức, ông đã bỏ tiền xây lại ngôi đình ở trước bến thành ngôi đình mới khang trang vững chắc làm nơi hội họp, tổ chức các hội vui và lễ mừng đăng khoa (sau mỗi khoa thi, người đỗ đạt vinh quy về làng, làng mở lễ đón, rước kiệu vào đình chúc tụng). Từ đó, bến sông này được gọi là bến Giang Đình. Các bô lão trong vùng cho trồng thêm nhiều cây cổ thụ, bồi trúc thêm bến bờ, hàng năm lễ hội, đua thuyền hát ví thường được tổ chức tại bến sông. Vào những ngày đẹp trời, bến Giang Đình thanh bình, đông vui, là nơi các tao nhân mặc khác thường lui tới.

Thuyền ai đậu bến Giang Đình

Hỏi thăm còn đợi khách tình chi đây

Sau đó, chợ Văn trên bến Giang Đình cũng được đổi tên là chợ Giang Đình, thuyền bè về đậu san sát, người mua kẻ bán tấp nập. Bến sông về sau được mở rộng ra và quy hoạch thành nhiều bến nhỏ: bến Thanh, bến Đá, bến Cá, bến Gạo cho tiện trao đổi hàng hóa, trên chợ dưới thuyền đô hội, cuộc sống của cả vùng phồn hoa, hưng thịnh.

Đại thi hào Nguyễn Du từ thuở thiếu thời đến khi mất từng qua lại bến Giang Đình nhiều lần, nhưng có hai lần đã để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong tâm trí ông. Lúc 10 tuổi, ông theo mẹ là Trần Thị Tần ở Bắc Ninh về chịu tang bố. Dẫu còn chưa thật khôn lớn nhưng vốn thông minh, mẫn cảm, ông đã hiểu được sự gắn bó giữa bến sông với quá trình hưng thịnh của dòng họ mình, nên khi trở lại kinh thành Thăng Long, hình ảnh làng quê, bến sông đã đi vào tâm thức ông. Lần thứ hai năm 1795, lúc này, ông tròn 30 tuổi, dắt díu con cái về lại quê hương bản quán sau "10 năm gió bụi" tại quê vợ Thái Bình.

Ngày nay, khu vực chính của bến Giang Đình xưa chỉ còn lại dấu vết: gốc cây đa, giếng nước, lò nung vôi. Chợ Giang Đình, bến Giang Đình đã chuyển xuống phía dưới cửa sông Tân Quyết đổ ra sông Lam, cách đó khoảng 500 m. Chợ Giang Đình được xây lại to đẹp, đàng hoàng, vẫn kẻ bán người mua tập nập như xưa. Chỉ tiếc khu vực chính dựng đình - nơi đã diễn ra bao lễ hội lớn của dân làng, bao nhiêu cuộc đưa tiễn tao nhân mặc khách qua sông, nay dấu tích xưa còn lại rất ít.

Bến Giang Đình từ khi còn là truyền thuyết đến nay không chỉ là cảnh đẹp huyện Nghi Xuân, là nơi đã giữ lại những dấu ấn đẹp đẽ đối với mỗi người, đặc biệt đã tạo nên sự rung cảm về tâm hồn để về sau nhiều người ở vùng quê văn hóa này trở thành những nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ.

. Theo báo Hà Tĩnh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quảng Nam, Quảng Ngãi khô hạn  (13/07/2005)
Khánh Hòa: Rong chơi trên thác  (12/07/2005)
Du lịch Nghệ An: Con đường đến với ước mơ  (11/07/2005)
Thi công 8 dự án thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên  (11/07/2005)
Đến Đ'ray Sáp nghe chuyện tình...  (08/07/2005)
Quảng Nam: Tăng sức hấp dẫn đầu tư, phát triển hàng xuất khẩu   (07/07/2005)
Xây dựng khu du lịch lớn nhất Đắc Lắc  (06/07/2005)
Nam Đàn vươn lên giàu mạnh, kiểu mẫu  (05/07/2005)
Đà Nẵng: Các KCN phải lo lực đẩy mới  (04/07/2005)
Những chương trình 135 ở Gia Lai: Nhân lên niềm tin mới   (29/06/2005)
Đánh thức Vạn Tường  (26/06/2005)
Cạnh tranh resort  (23/06/2005)
Con đường di sản miền Trung - Liên kết để phát triển  (22/06/2005)
Hội quán Vịnh Nha Trang  (21/06/2005)
Đắk Nông giúp vốn cho đồng bào thiểu số   (20/06/2005)