Ngày 2-12-2004 tại Đà Nẵng, ngành thương mại - du lịch (TM-DL) các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã thống nhất ký Văn bản thỏa thuận về việc hợp tác, liên kết phát triển TM-DL. Qua hơn nửa năm thực hiện thỏa thuận này, hoạt động TM-DL tại các tỉnh trong khu vực đã gặt hái được những kết quả đáng mừng.
|
Khách du lịch nước ngoài tham quan chùa Thập Tháp (Bình Định) |
Về xúc tiến thương mại, ngành TM-DL các tỉnh đã tích cực, chủ động phối Bộ Thương mại, UBND các tỉnh, thành, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức những hội nghị, hội thảo, đồng thời nhiều hội chợ, triển lãm, festival… đã được ngành TM-DL các tỉnh trong khu vực liên kết, hợp tác tổ chức, như: Hội chợ - Triển lãm Festival Thái - Lào - Việt (tổ chức tại TP. Huế từ 1 đến 3-4-2005); Hội chợ KT-XH Quảng Nam lần thứ 1 và Chương trình Lễ hội "Quảng Nam hành trình di sản"; Hội chợ - Triển lãm "Festival Tây Nguyên 2005" (tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột từ 9 đến 14-3-2005); Hội chợ Thương mại và Triển lãm thành tựu KT-XH tỉnh Phú Yên 2005 (tổ chức tại TP Tuy Hòa từ ngày 31-3 đến 6-4-2005)…
Ngoài ra, ngành TM-DL các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên còn liên kết, hợp tác về công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Điển hình là Lớp tập huấn "Nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế" do Trường Cán bộ Thương mại Trung ương (Bộ Thương mại) tổ chức tại Đà Nẵng, với sự tham dự của 12 tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, qua đó đã đưa hoạt động TM-DL của khu vực và địa phương mình ngày càng phát triển.
Theo tổng hợp, 6 tháng đầu năm 2005, hoạt động nội thương các tỉnh trong khu vực có nhiều chuyển biến và có mức tăng trưởng khá. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội của khu vực ước đạt gần 49% kế hoạch năm, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2004. Hoạt động xuất khẩu cũng có bước phát triển khả quan. 6 tháng đầu năm 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ước thực hiện 948 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với kế hoạch tăng trưởng chung của cả nước năm 2005.
Về hoạt động du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2005, lượt khách và doanh thu du lịch của 10 tỉnh trong khu vực (trừ Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam) có sự tăng trưởng khá, đóng góp lớn vào GDP của các tỉnh, thành. Tổng số lượt khách đến 10 tỉnh ước đạt 1.357 ngàn lượt khách với doanh thu 659 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến TM-DL và hội nhập kinh tế quốc tế cũng có bước phát triển đáng mừng.
Riêng đối với Bình Định, qua chương trình hợp tác, liên kết, tình hình hoạt động TM-DL của tỉnh cũng có bước tiến triển khả quan. 6 tháng đầu năm 2005, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 124,6 triệu USD, đạt 54,2% kế hoạch năm và tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2004. Về du lịch, lượng khách du lịch đến Bình Định ước đạt 186.620 lượt người, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2004.
Hy vọng rằng, với những thành công ban đầu, hoạt động TM-DL khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ ngày càng phát triển và gặt hái được những kết quả cao hơn.
. Viết Hiền
Ông Hoàng Văn Tuyển, Giám đốc Sở TM-DL Bình Định:
Miền Trung - Tây Nguyên là khu vực có tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế, TM-DL, dịch vụ. Việc hợp tác, liên kết giữa các tỉnh nhằm tạo động lực phát huy tiềm năng, thế mạnh của khu vực và từng địa phương, đồng thời hỗ trợ nhau khai thác tốt các nguồn lực kinh tế, khoa học công nghệ, vốn, nguồn nhân lực để TM-DL, dịch vụ của khu vực ngày càng phát triển bền vững, hiệu quả.
Bà Bùi Diệu Thanh, Giám đốc Sở TM Đà Nẵng:
Việc liên kết, hợp tác giữa các Sở TM, TM-DL các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên hoàn toàn là tự nguyện, xuất phát từ yêu cầu phát triển của khu vực. Để chương trình hợp tác, liên kết ngày càng hiệu quả, thời gian đến, ngành TM-DL các tỉnh trong khu vực cần thực hiện các giải pháp lớn, như: Liên kết hệ thống thông tin kinh tế - thương mại, quảng bá thông tin trên phạm vi khu vực; liên kết trong hoạt động xúc tiến thương mại, phối hợp hỗ trợ DN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý TM-DL; liên kết về hệ thống cung cấp nguyên liệu, thu mua hàng hóa, phân phối, cung ứng dịch vụ… | |