Hội An đã bảo vệ phố cổ thế nào?
15:29', 22/7/ 2005 (GMT+7)

Không chỉ bảo vệ được vốn nhà cổ đã có, thị xã Hội An còn phát triển thêm được vốn cổ của mình. Phố cổ Hội An đã trở thành Di sản Thế giới, là thương hiệu có tiếng của du lịch miền Trung. Tại sao Hội An bảo tồn, phát triển được vốn nhà cổ của mình là vấn đề đáng được nghiên cứu, học tập.

Phố cổ Hội An - Ảnh: nhungtrangvang.com.vn

Theo Thạc sĩ Trần Ánh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích phố cổ Hội An, thị xã Hội An hiện có 1.360 di tích và danh thắng, gồm 1.273 di tích kiến trúc nghệ thuật, 69 di tích lịch sử cách mạng, 10 di tích khảo cổ và 8 danh thắng. Trong số đó, 1.017 di tích nhà cổ, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ… tập trung trên diện tích khoảng 3 km2 ở trung tâm thị xã, tạo thành khu phố cổ và được xem là một "bảo tàng sống".

Được công nhận là di sản của nhân loại vừa là niềm vinh dự vừa đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và người dân Hội An một trách nhiệm mới, là làm sao bảo vệ được phố cổ của mình trong khi có đến 916 di tích thuộc sở hữu tư nhân (82,6%), 16 công trình thuộc sở hữu tập thể (1,44%), chỉ có 175 công trình thuộc sở hữu nhà nước (15,86%). Mặt khác, các công trình di tích đang phải chịu sức ép trước cơn lốc đô thị hóa, trước khí hậu thời tiết khắc nghiệt và sự gia tăng dân số.

Trước tình hình đó, ngày 7-9-2000, UBND thị xã đã quyết định ban hành "Qui chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích và danh thắng Hội An", quy định cụ thể công tác bảo tồn, trùng tu, sửa chữa các công trình di tích bất luận thuộc sở hữu của ai.

Hội An còn thực hiện phân chia di tích ra thành 5 loại trên cơ sở giá trị của mỗi di tích để có chính sách hỗ trợ khác cho người dân. Cụ thể: di tích loại đặc biệt nếu ở mặt tiền được Nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí sửa chữa, nếu ở trong hẻm hỗ trợ 75%; di tích loại I và II tỷ lệ hỗ trợ tương ứng là 45% và 60%; loại III hỗ trợ 40% và 60%; loại IV tùy thuộc vào giá trị để có chính sách hỗ trợ. Thị xã cũng có chính sách miễn thuế xây dựng cho các công trình thuộc khu vực 1 và 2; thực hiện tư vấn kỹ thuật miễn phí cho chủ các di tích; miễn thuế kinh doanh một số mặt hàng trong khu phố cổ; ưu tiên cho những hộ gia đình trong phố cổ khi tách hộ được cấp đất ở khu tái định cư chỉ trả tiền san lấp mặt bằng. Các công trình có giá trị cao được Nhà nước đưa vào tuyến tham quan du lịch, chủ nhân được trích lại một phần tiền bán vé…

Việc ban hành và áp dụng hàng loạt chính sách đồng bộ trên, được người dân đồng tình, ủng hộ, nên đã có hàng trăm di tích được trùng tu tu bổ đúng diện mạo ban đầu. Phố cổ Hội An cũng ngày càng văn minh, lịch sự, khang trang hơn. Khi du lịch, thương mại khởi sắc, Hội An tiếp tục phát động và thành công trong cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong kinh doanh. Bởi vậy, ở Hội An không gặp bất kỳ một sự nài nỉ, cò mồi nào từ người bán hàng, từ anh xe thồ, xích lô.

Hội An cũng đã thành công trong việc tổ chức và duy trì đều đặn để trở thành thương hiệu du lịch từ nhiều cái "động trời" khác tưởng chừng không thể được như tổ chức đêm rằm phố cổ vào tối 15 âm lịch hằng tháng; tổ chức phố đi bộ, phố không có tiếng động cơ…

Vào giữa cái nắng mùa hè đến 38-39 độ C, chứng kiến cảnh các chị phụ nữ, các nữ thanh niên… dắt bộ xe máy trên đường phố cổ mà miệng vẫn mỉm cười khi gặp du khách, vẫn vui vẻ trả lời khi khách hỏi, mới cảm nhận được sức mạnh của một chính sách hợp lòng dân "Khó trăm lần dân liệu cũng xong". Người Hội An tự hào về phố cổ, giữ gìn, tôn vinh phố cổ như bảo vệ chính cuộc sống của mình.

. Theo Văn Hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quảng Nam: Thu hồi dự án "treo"  (21/07/2005)
Những kết quả bước đầu  (19/07/2005)
Ga Đà Lạt sẽ là trung tâm nghệ thuật  (19/07/2005)
Một cách nhìn về miền Trung  (18/07/2005)
Du lịch Quảng Ngãi trên đường phát triển  (17/07/2005)
Về bến Giang Đình  (14/07/2005)
Quảng Nam, Quảng Ngãi khô hạn  (13/07/2005)
Khánh Hòa: Rong chơi trên thác  (12/07/2005)
Du lịch Nghệ An: Con đường đến với ước mơ  (11/07/2005)
Thi công 8 dự án thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên  (11/07/2005)
Đến Đ'ray Sáp nghe chuyện tình...  (08/07/2005)
Quảng Nam: Tăng sức hấp dẫn đầu tư, phát triển hàng xuất khẩu   (07/07/2005)
Xây dựng khu du lịch lớn nhất Đắc Lắc  (06/07/2005)
Nam Đàn vươn lên giàu mạnh, kiểu mẫu  (05/07/2005)
Đà Nẵng: Các KCN phải lo lực đẩy mới  (04/07/2005)