Miền Trung có đến năm di sản thế giới. Bề dày văn hóa lịch sử và tiềm năng thiên nhiên là thế mạnh giúp vùng đất này phát triển du lịch.
Những di sản thế giới ở miền Trung phân bố ở ba tỉnh: Quảng Nam (Hội An, Mỹ Sơn), Thừa Thiên - Huế (quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế) và Quảng Bình (di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng).
|
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. |
Trở thành di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới là đồng nghĩa với việc đem đến cho mỗi địa phương những cơ hội lớn để phát triển du lịch. Thực tế là tốc độ phát triển du lịch của những địa phương này cao hơn hẳn mức tăng bình quân của ngành du lịch cả nước, lượng khách nước ngoài tăng đột biến và du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh.
Song nhìn lại cách mà các địa phương đang khai thác tiềm năng di sản thế giới có cảm nhận "mạnh ai nấy làm", chưa có một sự kết nối hoàn chỉnh, thiếu sự phối hợp và ở khía cạnh nào đó còn manh mún. Các di sản thế giới tạo sự quan tâm đặc biệt của du khách nước ngoài, điều này thể hiện qua mức tăng trưởng của lượng khách quốc tế hơn 20% mỗi năm. Tuy nhiên, sự chọn lựa của du khách không bao giờ là đơn lẻ từng địa điểm bởi lý do chi phí cùng nhu cầu hưởng thụ các "di sản". Thành thử trong chính chương trình tour đã có sự kết nối các di sản Hội An - Mỹ Sơn - Huế và nay thêm Phong Nha - Kẻ Bàng. Vậy là sự kết nối ấy tựa như một hành trình làm tiền đề cho ý tưởng hình thành con đường di sản miền Trung.
Chương trình tour sẽ hấp dẫn hơn khi du khách được thưởng thức tới 5 di sản của nhân loại trên một hành trình hơn 300 km. Con đường di sản đã ra đời theo nghĩa rộng hơn: kết nối các di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới cùng các danh lam, thắng cảnh, di sản quốc gia trong vùng. Từ ý tưởng này, những người kinh doanh lữ hành và du khách đã hình dung ra sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn của các chương trình tour.
Lấy Huế làm tâm điểm, du khách có thể lựa chọn các chương trình tour tới 5-7 ngày. Ngược ra bắc 190 km đến với di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, các danh thắng, thành cổ Đồng Hới, khu Đèo Ngang, đá nhảy, những bãi tắm mê hồn: Lý Hòa, Nhật Lệ, Bảo Ninh và trên đất Quảng Trị là các di tích lịch sử gắn với cuộc chiến đấu giữ nước oai hùng của dân tộc: địa đạo Vĩnh Mốc, Cồn Tiên - Dốc Miếu, Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn,... cùng các thắng cảnh nổi tiếng: Đakrông, Cửa Tùng...
Còn xuôi phương nam 170 km về đất Quảng Nam có hai di sản văn hóa thế giới: Hội An, Mỹ Sơn, cùng nhiều di sản văn hóa - lịch sử quốc gia: Tháp Chăm Chiêm Đàn, Bằng An, địa đạo Kỳ Anh, lăng mộ bà Đoàn Quý Phi,... các thắng cảnh hồ Phú Ninh, cù lao Chàm, suối Tiên, các làng nghề truyền thống và những bãi tắm tuyệt đẹp.
Đà Nẵng không có các di sản thế giới nhưng lại có những di sản quốc gia đứng đầu cả nước như vườn quốc gia: Sơn Trà, Bà Nà, Núi Chúa, hàng chục khu du lịch danh tiếng và vô số những bãi tắm quanh năm lộng gió và thừa nắng vàng cùng các di tích đình, chùa... Còn cố đô Huế từ lâu đã nổi tiếng với những cung điện, đền đài, lăng tẩm, chùa chiền, các danh thắng Bạch Mã, Lăng Cô, Cảnh Dương, A Lưới, sông Hương, núi Ngự và đặc biệt là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại là Nhã nhạc cung đình Huế. Chính sự kết nối các di sản quốc gia vào con đường di sản thế giới tạo nên một lực hút đặc biệt với du khách.
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam, cho biết, để thu hút cả hai đối tượng du khách trong và ngoài nước, ngành du lịch tỉnh đã phải đầu tư nhiều để phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như khôi phục các làng nghề, tổ chức lễ hội Quảng Nam hành trình di sản, hình thành các phố ẩm thực, tổ chức đêm rằm phố cổ, khai thông tuyến du lịch ra cù lao Chàm, v.v.
Miền Trung đang nỗ lực phát triển du lịch dựa trên những tiềm năng di sản văn hóa và thiên nhiên nhưng lại thiếu một sự phối hợp, kết nối chặt chẽ, đồng bộ. Cách thu hút khách mà các địa phương này đang làm như Festival Huế, lễ hội Quảng Nam hành trình di sản, liên hoan du lịch Đà Nẵng,... dẫu có đầu tư lớn song chưa đạt tới tầm khu vực. Điều này đòi hỏi sự cố gắng lớn của du lịch khu vực và cả sự chỉ đạo cũng như hỗ trợ của Tổng cục Du lịch. Với sự giúp đỡ đó, chắc chắn chương trình "Con đường di sản" sẽ trở thành động lực to lớn thúc đẩy du lịch miền Trung cất cánh, khẳng định vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn.
. Theo Nhân Dân
|