Du lịch Thanh Hóa trong tiến trình đổi mới và phát triển
15:39', 26/7/ 2005 (GMT+7)

Thanh Hóa là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch không chỉ đa dạng, phong phú mà còn rất độc đáo, bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.

Về tài nguyên du lịch tự nhiên, nổi bật nhất là: Khu du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển Sầm Sơn; Khu du lịch sinh thái suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy) - một tài nguyên du lịch sinh thái độc nhất vô nhị ở Việt Nam; Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bến En (huyện Như Thanh); động Từ Thức (huyện Nga Sơn), động Tiên Sơn, Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc); Khu du lịch sinh thái rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Quan Hóa và huyện Bá Thước); Vườn cò Tiến Nông (huyện Triệu Sơn) v.v…

Về tài nguyên du lịch nhân văn cũng rất độc đáo và đa dạng, đó là: thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc) - một công trình kiến trúc văn hóa lịch sử bằng đá cũng độc nhất vô nhị ở Việt Nam; Khu du lịch văn hóa - lịch sử Lam Kinh; Khu du lịch văn hóa - lịch sử đền Lê Hoàn (huyện Thọ Xuân); Khu du lịch văn hóa - lịch sử Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); Khu du lịch văn hóa - lịch sử đền Bà Triệu (huyện Hậu Lộc)…

Và Thanh Hóa còn là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống nổi tiếng như Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội đền Lê Hoàn, Lễ hội đền Bà Triệu, Lễ hội Phủ Na, Lễ hội đền Sòng, Lễ hội bánh chưng, bánh dầy v.v…

Mặt khác, Thanh Hóa lại có lợi thế về vị trí địa lý, là cửa ngõ nối liền thủ đô Hà Nội với bắc miền Trung và Nam bộ, có hệ thống giao thông đi lại rất thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy. Thanh Hóa còn là tỉnh có nguồn ẩm thực cũng rất phong phú, đa dạng, rất hấp dẫn thực khách và người dân xứ Thanh có truyền thống hiếu khách.

Ngày 3-2-1996, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ra Nghị quyết về phát triển kinh tế du lịch Thanh Hóa. Nghị quyết khẳng định: "Phát triển du lịch Thanh Hóa trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và hòa nhập vào hệ thống phát triển du lịch cả nước". UBND tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2010 và một số quy hoạch chi tiết phát triển các khu, điểm du lịch.

Đến nay, tất cả các khu, điểm du lịch quan trọng của Thanh Hóa đã được quy hoạch chi tiết hoặc đang xúc tiến lập quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, đồng thời chuẩn bị đề án phát triển du lịch Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia.

Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư kinh doanh lưu trú du lịch cũng phát triển mạnh: năm 1994, trên địa bàn tỉnh có 171 cơ sở lưu trú du lịch với 2.956 buồng ngủ, 8.457 giường ngủ; đến năm 2004 có 315 cơ sở lưu trú du lịch với 5.967 buồng ngủ (trong đó gần 95% buồng ngủ khép kín và 75% buồng ngủ có điều hòa nhiệt độ) và 14.333 giường ngủ. Đến nay, Thanh Hóa có 15 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 4 sao.

Năm 1994, toàn ngành du lịch Thanh Hóa mới tổ chức đón và phục vụ được 216 nghìn lượt khách, thì đến năm 2004 đã tổ chức đón và phục vụ được trên 700 nghìn lượt khách, tăng gấp 3,3 lần so với năm 1994. Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách du lịch trong thời gian 10 năm qua là 12,5%/năm. Doanh thu du lịch năm 1994 đạt 41 tỷ đồng, đến năm 2004 đạt 160 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân về doanh thu du lịch trong thời gian 10 năm (1994-2004) là 14,6%/năm, đạt mức tăng trưởng khá cao so với các ngành dịch vụ khác của tỉnh và so với du lịch cả nước.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành du lịch Thanh Hóa vẫn còn nhiều hạn chế, đó là: Tốc độ tăng trưởng - phát triển của kinh tế du lịch vẫn còn thấp, chưa vững chắc, chưa đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng của tỉnh. Số lượng sản phẩm du lịch Thanh Hóa còn ít, chưa phong phú, đa dạng. Chất lượng sản phẩm du lịch và chất lượng phục vụ du khách còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phong phú, đa dạng và ngày càng cao của du khách, nhất là khách du lịch quốc tế.

Phương hướng của ngành du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới là tập trung phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái và nâng cao chất lượng du lịch biển vốn là những thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 là tổ chức đón và phục vụ được 1,45 - 1,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 20- 25 nghìn lượt khách du lịch quốc tế và doanh thu du lịch đạt 350- 400 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 16-18%/năm.

. Theo báo Thanh Hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khởi công 9 công trình tại khu kinh tế mở Chu Lai   (25/07/2005)
Miền Trung khai thác các tiềm năng di sản thế giới   (24/07/2005)
Hội An đã bảo vệ phố cổ thế nào?   (22/07/2005)
Quảng Nam: Thu hồi dự án "treo"  (21/07/2005)
Những kết quả bước đầu  (19/07/2005)
Ga Đà Lạt sẽ là trung tâm nghệ thuật  (19/07/2005)
Một cách nhìn về miền Trung  (18/07/2005)
Du lịch Quảng Ngãi trên đường phát triển  (17/07/2005)
Về bến Giang Đình  (14/07/2005)
Quảng Nam, Quảng Ngãi khô hạn  (13/07/2005)
Khánh Hòa: Rong chơi trên thác  (12/07/2005)
Du lịch Nghệ An: Con đường đến với ước mơ  (11/07/2005)
Thi công 8 dự án thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên  (11/07/2005)
Đến Đ'ray Sáp nghe chuyện tình...  (08/07/2005)
Quảng Nam: Tăng sức hấp dẫn đầu tư, phát triển hàng xuất khẩu   (07/07/2005)