Ông Kim Hosu, Trưởng đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc, trong buổi làm việc với ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, đã không giấu nổi ngạc nhiên của mình về vệ sinh môi trường thành phố Đà Nẵng: Chúng tôi đã đi dọc suốt chiều dài đất nước các bạn và một số nước trong khu vực ASEAN, nhưng không thấy ở địa phương nào có được sự sạch sẽ như Đà Nẵng. Đặc biệt, tuyến đường Bạch Đằng không những sạch mà còn có rất nhiều hoa được chăm sóc cẩn thận.
Còn Giáo sư - Tiến sĩ Peter Werner (Trường Đại học Kỹ thuật Dresden, Đức - đơn vị giúp Việt Nam xử lý các tình huống tràn dầu bằng phương pháp vi sinh) lại cho rằng: Những gì Đà Nẵng đạt được về vệ sinh môi trường chính là nhờ thực sự thay đổi nhận thức theo mô hình "đa cấp, đa ngành và đa tầng".
"Đa cấp", đó là sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố ngay từ các chủ trương, chính sách dưới hình thức "phân quyền" rất rõ ràng. Đầu mối là Sở Tài nguyên - Môi trường có chức năng quản lý Nhà nước về môi trường, từ khâu xây dựng các văn bản pháp quy, triển khai các chính sách, dự án về các ngành, các cấp và các địa phương đến tuyên truyền, đào tạo, kiểm soát ô nhiễm, thanh tra xử lý sai phạm.
Thực ra, đây là mô hình không mới, tuy nhiên, đến nay Đà Nẵng là một trong số ít địa phương thực hiện được và đang hoàn thiện. Hệ quả rõ nhất và cũng gần như là "cá biệt" trên cả nước, hiện nay Đà Nẵng làm rất nghiêm túc khâu báo cáo hiện trạng môi trường, làm bài bản và đều đặn. Một số điều đang lưu ý và cũng thể hiện rõ tính "đa ngành", các báo cáo hiện trạng trên được xây dựng từ các thông tin liên quan từ các sở, ban, ngành và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn.
Qua gần 8 năm, hiện nay, công tác báo cáo hiện trạng môi trường đã nâng lên một bước dài, chất lượng hơn. Và đó chính là cơ sở để Cục Môi trường xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam, lãnh đạo thành phố xây dựng kế hoạch cho những năm sau.
Tương tự, Chương trình Quan trắc môi trường cũng nâng tần suất lên 6 lần/năm trên cơ sở kết hợp 14 điểm quan trắc trên cả nước.
Một nhân tố nữa tác động rất lớn đến nhận thức của "đa cấp, đa ngành và đa tầng" là thành phố thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa", mọi quy trình thẩm định về môi trường đều giải quyết đúng tinh thần Quyết định số 04/2003/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Hiện nay, việc thẩm định về môi trường tại thành phố đã thực hiện lấy ý kiến các chuyên gia chuyên ngành có liên quan, chính quyền và cả đối tượng có quyền lợi liên quan, nên chất lượng thẩm định rất tốt.
Chính từ các bước đi này mà các dự án về môi trường hay các hoạt động trên lĩnh vực môi trường, người dân đều được đặt trong vị thế của những đối tác hên họ nắm rất rõ, để từ đó nêu lên chính kiến cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trên tinh thần bảo vệ môi trường sống chung quanh.
Một ví dụ điển hình về những thành quả từ cách làm trên là những kết quả đạt được qua Chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp, đã thực hiện được mục đích chung là ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và tăng cường quản lý ô nhiễm công nghiệp. Cụ thể, xây dựng kế hoạch và đang thực hiện đưa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở trong khu dân cư vào 5 khu công nghiệp; hoàn thành việc điều tra các nguồn thải Dioxin và Furan và BCPs…
Tuy nhiên, bước đột phá và cũng là thành công nhất của Đà Nẵng chính là xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Sau rất nhiều nỗ lực như mở các đợt tuyên truyền đến người dân, chuyển giao các biện pháp kỹ thuật, lập và tập huấn cho các nhóm tình nguyện viên… đã huy động được người dân hưởng ứng các chương trình của thành phố.
Rõ ràng, với sức mạnh của "đa cấp, đa ngành và đa tầng", Đà Nẵng đã gặt hái khá nhiều thành công. Dẫu vậy, khó khăn vẫn còn đó… Trước hết là đến nay, Nhà nước vẫn chưa hoàn thiện các văn bản chính sách về môi trường, từ đó dẫn đến có không ít nội dung chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực thi áp dụng. Cấp xã, phường là đầu mối quan trọng trong việc phát hiện cũng như xử lý các vấn đề về môi trường lại không đủ người. Đó là những tồn tại mà ở cấp thành phố khó giải quyết được.
. Theo báo Đà Nẵng |