10 năm trở lại đây, kinh tế các tỉnh duyên hải miền Trung phát triển đáng kể, hàng loạt các KCN ra đời, thu hút khá nhiều doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, so với hai đầu đất nước và tiềm năng lợi thế sẵn có, các KCN ở miền Trung vẫn chưa hấp dẫn, chưa thu hút được đầu tư như mong muốn.
|
Cảng Dung Quất |
Nguyên nhân đầu tiên là khả năng vận chuyển giao thương quốc tế của miền Trung còn hạn chế. Đường sắt và đường bộ thường trắc trở, động mưa, bão, lũ lụt là ách tắc; đường hàng không chỉ có Đà Nẵng là sân bay quốc tế, chủ yếu là vận tải khách. Cảng biển ở miền Trung quá nhiều nhưng hàng hóa nhỏ lẻ, tàu ra vào ít và phân tán.
Ông Trần Hữu Trường - Kế toán trưởng Công ty Dệt may 29 tháng 3 (Đà Nẵng) cho biết, xuất 1 container hàng đi nước ngoài, nếu chuyển bằng ô tô vào TP HCM rồi đưa xuống tàu chỉ mất 4 ngày là cùng, chi phí từ 80 đến 100 USD, còn xuất qua cảng Đà Nẵng phải đợi từ 6 đến 10 ngày, tốn thêm từ 20 đến 30%. Bởi vậy doanh nghiệp miền Trung thường chuyển hàng vào TP HCM hơn là xuất qua cảng Đà Nẵng.
Thủ tục đầu tư phiền hà, lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố trải thảm đỏ chào mời doanh nghiệp nhưng lại thiếu cơ chế giám sát, nên nhà đầu tư gặp chính quyền thì nhanh, triển khai lại chậm. Thủ tục đầu tư kể từ lúc được phép lập dự án đến khi cấp giấy phép hoạt động từ 3 đến 9 tháng, sau đó thẩm định lại mất 3 tháng. Chờ đợi quá lâu, nhiều nhà đầu tư chán nản và bỏ cuộc. Đây cũng là tình trạng chung ở miền Trung.
Hàng loạt KCN mọc lên theo kiểu mạnh ai nấy làm, thì thiếu vốn là đương nhiên, dẫn đến hạ tầng thiếu đồng bộ, không hấp dẫn nhà đầu tư. Địa phương thì tìm mọi cách lôi kéo càng nhiều dự án càng tốt, không chú trọng đến quy mô, chất lượng, hiệu quả sử dụng đất, trình độ công nghệ. Bởi vậy chất lượng một số dự án thấp, nhằm vào nguồn lao động giá rẻ mà ít chú ý đến tác động môi trường và xử lý chất thải. Trong hơn 760 dự án đầu tư vào các KCN miền Trung, suất đầu tư trung bình chỉ đạt 2,8 triệu USD, trong khi mức bình quân chung cả nước hơn 5 triệu USD/dự án. Công tác quản lý trong KCN thiếu chặt chẽ và không thống nhất.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là do tốc độ phát triển chậm, thị trường nhỏ hẹp nên ngành công nghiệp phụ trợ ở miền Trung rất ít. Vì vậy các doanh nghiệp rất khó mua vật tư tại chỗ mà phải mua của nước ngoài hoặc từ Hà Nội, TP HCM. Ông Lý Văn Trạch - Giám đốc Tiếp thị tại KCN Đà Nẵng cho biết: "Muốn sản xuất một cái áo cần phải có chỉ, có kim, có cúc. Đà Nẵng chưa có những phụ trợ đó. Nhiều doanh nghiệp sản xuất những thiết bị có hàng trăm chi tiết, mỗi chi tiết lại cần những khuôn đúc, khuôn đúc chất lượng cao thì phải đi gia công ở TP HCM. Cước vận tải ở cảng Đà Nẵng gần đây có giảm nhưng vẫn còn cao so với hai đầu".
Chính phủ xác định xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh thành từ Bình Định đến Thừa Thiên-Huế làm động lực phát triển cho cả khu vực. Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất và mới đây là Khu kinh tế Nhơn Hội đã chuyển động với hàng loạt dự án lớn có vốn đầu tư hàng tỉ USD. Miền Trung sẽ là mảnh đất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước nên ngay từ bây giờ, các tỉnh thành trong khu vực kịp thời điều chỉnh cơ cấu đầu tư tạo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách, năng động hơn trong tiếp thị, liên kết mở rộng thị trường theo hướng hội nhập với khu vực và quốc tế.
. Theo VOV |