Hiện nay, khu vực miền Trung có 5 khu kinh tế, khu thương mại đã và đang trong quá trình khởi động, từ Lao Bảo (Quảng Trị) đến Nhơn Hội (Bình Định). Điểm chung của các khu kinh tế này là nỗi khát khao vượt lên, với các hoạch định xúc tiến đầu tư hiệu quả. Song không phải mọi kỳ vọng đặt ra đều có thể trở thành hiện thực, nhất là nếu các khu kinh tế không có sự tương hỗ cho nhau.
Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai (Núi Thành, Quảng Nam). Có thể xem đây là một cuộc biểu dương lực lượng về hình ảnh một khu kinh tế mở đầy tiềm lực và cơ hội. Rất nhiều nhà đầu tư đã được mời đến dự, trong đó có nhiều doanh nghiệp thành đạt ở TP.HCM.
Ngay tại buổi lễ, các nhà quản lý đã trao trên 10 giấy phép cho các nhà đầu tư, và công bố con số 120 dự án lớn, nhỏ bắt đầu triển khai ở khu kinh tế này, với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỉ USD. Ngoài ra, địa phương còn thông báo, đang xúc tiến một số dự án khác, với nguồn vốn kêu gọi thêm khoảng 1,3 tỉ USD trong vài năm tới.
Theo một số nhận định, Quảng Nam đã xây dựng thành công chiến lược xúc tiến đầu tư nổi trội so với nhiều tỉnh, thành phố khác.
Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, đó cũng chỉ là một trong những động thái để Chu Lai quảng bá hình ảnh của mình, nhằm tranh đua tìm kiếm nhà đầu tư với các khu kinh tế khác ở miền Trung. Trước và cùng Chu Lai, người ta ghi nhận các động thái quảng bá ở Khu thương mại Lao Bảo (Quảng Trị), Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định), chưa kể Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), hay các khu công nghiệp ở Đà Nẵng. Nhiều lãnh đạo địa phương thừa nhận, với trục chim bay chưa đầy 500 km mà miền Trung có đến 5 khu kinh tế, khu thương mại với các cơ chế ưu đãi rộng rãi, là một thách thức ghê gớm, chứ không đơn thuần chỉ có cơ hội. Nếu tập hợp đủ thông tin về các khu kinh tế miền Trung, chắc chắn nhà đầu tư nào cũng lưỡng lự không biết nên "vào" đâu, và điều đó cản trở họ đến hơn là thu hút họ.
Đáng ngại hơn, giữa các khu kinh tế này đến nay vẫn chưa có một cơ chế tương hỗ hay sự liên kết nào để cùng nhau tận dụng các ưu thế và gạt bỏ tình trạng "chen lấn mời chào". Bất cứ một động thái nào của địa phương này được thực hiện sẽ kéo theo hoạt động của địa phương liền kề. Nghĩa là, tìm mọi cách để cạnh tranh, các địa phương thậm chí đã không phân biệt thế mạnh của địa phương mình ở đâu để khẳng định rõ ràng.
Quả thật, đã đến lúc các nhà quản lý vĩ mô cần nhập cuộc, nhìn nhận xác đáng hơn những diễn biến xúc tiến đầu tư ở miền Trung.
. Theo Đầu tư |