Đất và người Hương Sơn
9:7', 9/8/ 2005 (GMT+7)

Phải với những tâm hồn phong phú, với cách nghĩ đúng đắn và tầm nhìn bao quát rộng rãi thì mới thấy được trong cái hùng vĩ, cái sần sùi có tính chất hoang sơ, cái "oai phong lẫm liệt" của một mảnh đất gân guốc và phong phú của một địa hình vốn là cái thung lũng của một thời xa xưa trong dãy Trường Sơn hùng vĩ kéo dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam thời đệ tứ kỷ.

Thời gian đã cất công bào mòn và làm sinh sôi phát triển, tạo nên cái Hương Sơn ngày nay tựa lưng vào Trường Sơn vĩ đại, phía Đông Nam trước mặt là Đức Thọ, là sông Lam, là núi Hồng Lĩnh, là Nghi Xuân rồi đến biển cả. Phía Bắc là dãy Thiên Nhẫn kín mít bao la. Phía Nam là con sông Ngàn Sâu chạy theo chân núi vùng Vũ Quang. Cái thiên nhiên sông núi ấy đã bao bọc lấy bốn về của Hương Sơn mà cửa ngõ là ngã ba Tam Soa có núi Linh Cảm là chỗ tiền tiêu, cái vọng gác trên cửa ngõ đi vào Hương Sơn. Hương Sơn cũng là cái lòng chảo lắng lại ngàn đời chất phù sa màu mỡ, thúc đẩy sự phát triển phong phú động, thực vật.

Trở lại lịch sử, có thể thấy được Hương Sơn xưa là thiên đường của những người đi săn và chăn nuôi, nhất là các loại thú quý hiếm như hươu, nai, sao la, chồn ngận, chồn hương, hổ, báo, voi, lợn rừng, gà rừng, khỉ, vượn v.v… Chất đất thì cát màu, trên khô dưới ẩm ướt thích hợp cho mọi loại cây to nhỏ, lớn bé, đặc biệt là các loại cây hoa quả cũng như cây thuốc, cây công nghiệp.

Hương Sơn là một miền vào loại giàu hoa quả nhất xứ Nghệ. Hương Sơn tự hào là vùng đất có nhiều loại cây ăn trái và có rất nhiều loại cây thuốc nam. Rừng nguyên sinh ở Hà Tĩnh phải nói Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang chính là cái nôi.

Chính cái hùng vĩ của Trường Sơn, cái mênh mông, trùng điệp của Giăng Màn, Thiên Nhẫn, cái xanh tươi của đồng ruộng, cái hiền hòa, dịu dàng của sông Phố, cái mát mẻ, phóng khoáng của Ngàn Phố, Ngàn Sâu, của sông La và sông Lam biển cả xa xa trước mặt đã tạo dáng hình và phong cách của con người Hương Sơn.

Dẫu đi đâu, dẫu làm gì, con người Hương Sơn cũng có cái dáng dấp, cái vẻ riêng. Đó là những con người lao động cần cù, siêng năng mà vẫn luôn muốn tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm khoa học như Nguyễn Khắc Viện, Cao Thắng, đã mạnh dạn tìm cách đúc súng đạn để đánh Pháp. Đó là những con người luôn có phí phách, có nghị lực như Nguyễn Hữu Tạo, thông minh hiếu học như Nguyễn Xuân Đản, Nguyễn Khắc Niêm, đầy lòng vị tha nhân ái tìm tòi như Lê Hữu Trác…

Đó là những cô gái siêng năng, cần mẫn ngày đêm miệt mài bên song cửi, đẹp có tiếng, giàu lòng nhân ái chung thủy. Đó là những người nông dân giàu lòng yêu nước sẵn sàng góp thóc gạo vào kho dự trữ mà hình ảnh núi Phù Lê thời Lê Lợi chống quân Minh ở Sơn Châu cũng đã nói lên điều đó. Nói chung đó là những con người đầy ý chí kiên cường bất khuất sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, chuộng lẽ phải, ưa công bằng, chân thật, cần cù trong lao động mà tiêu biểu không chỉ thời xa xưa Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã từng dựa vào Hương Sơn để trú quân, ém quân, chuẩn bị những điều kiện để tiêu diệt giặc làm cho bọn tướng lĩnh quân Tàu phải kinh hồn khiếp vía.

Không chỉ ngày xưa mà ngay cả ngày nay, trên đất nước Việt Nam này ở đâu cũng có mặt người Hương Sơn thông minh, có bản lĩnh, có đầu óc. Chỉ riêng xã Sơn Hòa đã có hàng trăm cử nhân, tiến sĩ…

Con sông Phố - một phương tiện đắc lực giúp cho người Hương Sơn đi lại thông thương với thành phố Vinh một cách nhanh nhất. Và không ai là không mê say những câu hò tiếng hát của các "bạn" phường chèo trên sông nước, đặc biệt là những đêm trăng sao khi các con đò dừng lại gác mái chèo ngồi nghỉ ở ngã ba Phủ. Thật là mê ly, thật là tuyệt vời. Tiếng hát sao mà có sức hút kỳ lạ. Không ai là không xao động trong lòng. Con sông Phố đẹp, thiêng liêng, dịu hiền nhưng tiếc rằng nhưng tiếc rằng có người chưa cảm nhận được nên không chịu bảo vệ lấy nó mà thưởng thức, mà khai thác, để rồi đổ xuống đấy bao nhiêu là rác rưởi, ô uế làm vẩn đục dòng sông…

Một số người là con dân Hương Sơn họ ra đi vì cuộc sống, nhưng trong họ những góc thầm kín, cao cả, thiêng liêng nhất vẫn dành cho quê hương. Hương Sơn - một góc nhỏ của cả nước đang ngày đêm gắng sức để mong góp mặt được với đời, xứng với các bậc tiền bối xưa.

. Theo báo Hà Tĩnh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của miền Trung - Tây Nguyên  (09/08/2005)
Thác Yangbay  (08/08/2005)
Nhìn từ "cánh cửa" Chu Lai  (08/08/2005)
Xây dựng trạm nghiên cứu tài nguyên, môi trường khu vực miền Trung  (05/08/2005)
Cửa đã mở nhưng khách chưa nhiều  (04/08/2005)
Hoang sơ Cù lao Chàm  (03/08/2005)
Nguồn sáng Sông Hinh  (01/08/2005)
Đà Nẵng: Mô hình bảo vệ môi trường  (31/07/2005)
Bãi biển Đại Lãnh - Quà tặng của thiên nhiên  (28/07/2005)
Đầu tư 200 triệu USD xây hầm đường bộ qua đèo Cả  (27/07/2005)
Du lịch Thanh Hóa trong tiến trình đổi mới và phát triển  (26/07/2005)
Khởi công 9 công trình tại khu kinh tế mở Chu Lai   (25/07/2005)
Miền Trung khai thác các tiềm năng di sản thế giới   (24/07/2005)
Hội An đã bảo vệ phố cổ thế nào?   (22/07/2005)
Quảng Nam: Thu hồi dự án "treo"  (21/07/2005)