Đá Bàn - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn
10:16', 10/8/ 2005 (GMT+7)

Nằm về phía tây xã Phú Định, huyện Bố Trạch, suối Đá Bàn (Thạch Bàn) nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một điểm du lịch sinh thái hấp của tỉnh Quảng Bình đang được đưa vào khai thác sử dụng cho tham quan du lịch.

Từ đường Hồ Chí Minh, du khách thực hiện cuộc hành trình bằng ô tô hay xe máy chừng 2 km qua những quả đồi điệp trùng màu xanh của cao su hoặc thông nhựa. Mùi hương của cỏ cây hoa lá tạo cho du khách ấn tượng ban đầu về một thiên nhiên thơ mộng và kỳ thú. Đến bãi đất bằng phẳng bên sườn núi, du khách tiếp tục cuộc hành trình bằng cách đi bộ trên con đường mòn độc đạo chừng 20 phút để đến suối Đá Bàn. Con đường mòn băng qua các sườn núi dưới những tán cây rừng tỏa bóng bao phủ mát rượi. Tiếng chim hót, tiếng suối chảy rì rào nghe thật du dương hấp dẫn. Những cái tên như: Lùm Khái, Chẹt Voi, Khe Trăn… đều gắn liền với những câu chuyện ly kỳ của các đoàn thợ săn địa phương một thời vang bóng. Không chỉ săn bắn hươu, nai, chồn, khỉ, nhiều thợ săn còn bắt được cả cọp và voi rừng.

Suối Đá Bàn có dòng nước mát trong veo, tung bọt trắng xóa trên những phiến đá đủ hình thù. Bề rộng của lòng suối chừng 4 đến 5 chục mét, suối chảy theo độ dốc khoảng 25 độ và kéo dài hàng chục cây số đến tận đỉnh Trường Sơn.

Du khách sẽ mải miết vượt lên theo dòng suối khi thì lội bộ, khi thì nhảy thoăn thoắt trên các phiến đá nổi lô nhô dày đặc giữa dòng suối. Hai bên bờ là những tán cây rừng cổ thụ vươn ra như những tàn lọng che mát lòng suối. Trên cành cây, những nhánh lan rừng khoe sắc tỏa hương thơm ngát và cơ man các loài chim sáo, khướu, họa mi đua nhau hót líu lo. Loài linh trưởng như khỉ, vượn, voọc thì thi nhau chuyền cành như để tạo cho bức tranh sơn thủy hữu tình.

Vượt theo dòng suối, du khách sẽ đến với bãi tắm lý tưởng Đá Bàn. Đây là một khoảng rộng của con suối với những tảng đá khổng lồ, bằng phẳng nên mới có tên gọi Thạch Bàn (bàn đá). Theo truyền thuyết của người dân địa phương thì đây chính là nơi các tiên nữ mỗi lần xuống hạ giới ngao du đều ghé lại tắm mát và thưởng ngoạn phong cảnh trần gian. Nước suối Thạch Bàn vừa trong vừa mát lại sạch sẽ tạo cho du khách có cảm giác cực kỳ sảng khoái như được lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.

Lên đến tận thượng nguồn suối Đá Bàn, chúng ta sẽ gặp một con đường mòn thời chống Mỹ mà người địa phương thường gọi là đường Chính phủ. Trên những gốc cây rừng cổ thụ còn lưu lại những dòng chữ, họ, tên, quê quán của bộ đội khắc vào thân cây trên đường hành quân vào chiến trường đánh Mỹ.

Sau chuyến du lịch sinh thái suối Đá Bàn, du khách lại tiếp tục cuộc hành trình tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Du lịch sinh thái suối Đá Bàn, thêm một tiềm năng đầy hứa hẹn cho kinh tế du lịch của huyện Bố Trạch.

. Theo Báo Quảng Bình

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đất và người Hương Sơn  (09/08/2005)
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của miền Trung - Tây Nguyên  (09/08/2005)
Thác Yangbay  (08/08/2005)
Nhìn từ "cánh cửa" Chu Lai  (08/08/2005)
Xây dựng trạm nghiên cứu tài nguyên, môi trường khu vực miền Trung  (05/08/2005)
Cửa đã mở nhưng khách chưa nhiều  (04/08/2005)
Hoang sơ Cù lao Chàm  (03/08/2005)
Nguồn sáng Sông Hinh  (01/08/2005)
Đà Nẵng: Mô hình bảo vệ môi trường  (31/07/2005)
Bãi biển Đại Lãnh - Quà tặng của thiên nhiên  (28/07/2005)
Đầu tư 200 triệu USD xây hầm đường bộ qua đèo Cả  (27/07/2005)
Du lịch Thanh Hóa trong tiến trình đổi mới và phát triển  (26/07/2005)
Khởi công 9 công trình tại khu kinh tế mở Chu Lai   (25/07/2005)
Miền Trung khai thác các tiềm năng di sản thế giới   (24/07/2005)
Hội An đã bảo vệ phố cổ thế nào?   (22/07/2005)