Thăm Buôn Đôn
11:17', 14/8/ 2005 (GMT+7)

Thăm Buôn Đôn, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng Tây Nguyên, mà còn khám phá nhiều điều thú vị…

Đến Buôn Trí A thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc), du khách được nghe kể về dũng sĩ săn voi lừng danh Khun Dơ Nốp, người từng bắt được hơn 300 voi rừng, trong đó có con voi trắng quý hiếm dâng tặng vua Thái Lan và được tôn vinh là "Vua voi". Ngôi mộ của Vua voi nay vẫn là một điểm tham quan lý thú.

Một dũng sĩ săn voi nổi tiếng nữa là A Ma Công, hiện sống tại buôn Yang Lành (huyện Buôn Đôn). Với 298 con voi săn được trong cuộc đời, ông xứng đáng là "huyền thoại sống" về săn sắt và thuần dưỡng voi rừng. Người dũng sĩ săn voi nay đã ở tuổi 91.

Huyện Buôn Đôn có nhiều khu du lịch cùng khai thác thương hiệu "voi Bản Đôn", nổi tiếng là Buôn Trí A và B, có khoảng 15 chú voi nhà được bắt về từ rừng đại ngàn Trường Sơn, làm "nghề" du lịch, đưa khách thăm buôn làng.

Ngồi lọt trong chiếc bành đan bằng mây, lắc lư theo nhịp bước chân voi thật thú vị. Người quản tượng nhỏ bé vắt vẻo trên cổ "ông tượng", chỉ thúc hai gót chân hoặc dùng cây đòng (dụng cụ điều khiển voi) chọc nhè nhẹ mà điều khiển được con vật "to đùng" rẽ trái, rẽ phải, đứng lên, ngồi xuống… nhẹ nhàng và chính xác như một tài xế lão luyện điều khiển chiếc xe hơi. Và cũng thật ngạc nhiên vì chú voi nặng cả tấn lội ruộng, lội sông như không, chẳng sợ thụt lầy hay chìm nghỉm. Lúc voi trèo lên sườn dốc đứng là lúc khách ấn tượng nhất: vừa "đứng tim" vì sợ ngã, lại vừa thích bởi thán phục tài nghề điều khiển của người quản tượng cũng như sự khéo léo của chính chú voi.

Từ trên lưng voi, du khách có thể ngắm nhìn những nóc nhà sàn truyền thống của 7 dân tộc anh em quần tụ trong ngôi làng. Kia là hồ Ea Rông trong xanh. Một đôi thuyền áp mạn tâm tình dưới bóng rặng cây mít ôm kín quanh hồ. Đây là sông Sê Rê Pốc với dòng nước chảy ngược về hướng Tây sang đất nước Chùa Tháp. Đảo Ea Nô như một ốc đảo xanh tươi nổi giữa dòng sông, chằng chịt đan xen hàng trăm thân của một quần thể cây si già mấy trăm năm tuổi.

Len lỏi trong những tán si um tùm là cây cầu treo bằng tre dập dềnh, nối những căn chòi nhỏ gác trên thân cây làm chỗ nghỉ chân cho du khách với món cá lăng sông Sê Rê Pốc vàng ươm, béo ngậy. Không gì hơn là được ngồi trên chòi thưởng thức món cá lăng hay món gà nướng chấm muối ớt (loại gà nuôi thả tự kiếm ăn) uống với rượu cần, nghe gió hát ào ào trong vòm si cổ thụ trên nền nhạc trầm hùng của dòng sông Sê Rê Pốc giữa thiên thiên Tây Nguyên hùng vĩ.

. Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phú Yên: Thuê công ty nước ngoài qui hoạch đô thị  (12/08/2005)
Đến Thiên Cầm - Nghe tiếng đàn trời  (11/08/2005)
Bình Định cần có sự bứt phá  (11/08/2005)
Đá Bàn - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn  (10/08/2005)
Đất và người Hương Sơn  (09/08/2005)
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của miền Trung - Tây Nguyên  (09/08/2005)
Thác Yangbay  (08/08/2005)
Nhìn từ "cánh cửa" Chu Lai  (08/08/2005)
Xây dựng trạm nghiên cứu tài nguyên, môi trường khu vực miền Trung  (05/08/2005)
Cửa đã mở nhưng khách chưa nhiều  (04/08/2005)
Hoang sơ Cù lao Chàm  (03/08/2005)
Nguồn sáng Sông Hinh  (01/08/2005)
Đà Nẵng: Mô hình bảo vệ môi trường  (31/07/2005)
Bãi biển Đại Lãnh - Quà tặng của thiên nhiên  (28/07/2005)
Đầu tư 200 triệu USD xây hầm đường bộ qua đèo Cả  (27/07/2005)