Sử ký đảo ngọc
8:54', 16/8/ 2005 (GMT+7)

Từ lâu, Lý Sơn được mệnh danh là viên ngọc bích giữa biển Đông, một địa chỉ du lịch kỳ thú và hấp dẫn. Nhưng không chỉ vì cảnh quan xinh đẹp, Lý Sơn còn cất giấu trong mình bao câu chuyện cổ tích về lịch sử chủ quyền của đất nước.

Từ cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) đến huyện đảo Lý Sơn là 27km về hướng đông bắc. Đi tàu mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Hòn đảo này có cấu trúc địa hình từ miệng của ngọn núi lửa, nên chỉ còn lại là đá. Vì vậy, sau hàng triệu triệu năm, màu đá trên đảo và trên những rặng núi toát lên một màu xám biếc rêu phong lạ lẫm. Đảo thường xuyên bị nạn xâm thực nên ở ven biển, cư dân đã trồng rất nhiều dừa. Những dãy dừa xanh trùng điệp và đá tảng tạo nên những lối đi ven biển như lôi cuốn con người vào những cuộc dạo chơi đầy mộng mị. Vùng biển đảo lớp lớp vỉa tầng san hô nên màu của biển trở thành ngọc bích, mùa hè toát lên sự mát lạnh hiếm có, mùa đông biển ấm lại không ngờ. Cũng do địa hình là gò đồi, nên đứng trên đảo luôn có cảm giác đứng trên tháp cao nhìn ra cửa biển.

Dù chỉ rộng 10km2 với 19.300 nhân khẩu, nhưng Lý Sơn lại hội tụ hơn 50 công trình kiến trúc đình chùa, miếu mạo cổ. Đây là những nơi cất giấu tâm linh qua bao lớp tang thương ngẫu lục của người Việt xưa đã lặn lội giữa trùng khơi sóng dữ đến đây khai canh và lập nghiệp. Đến vãn cảnh chùa Hang, đọc trong thư tịch cổ mới thấy rằng, ngoài việc thờ cúng đức Quan Thế Âm, chùa còn thờ ông Trần Quốc Quận cách đây 300 năm, làm quan lớn được vua sai canh giữ đảo Lý Sơn. Kiến trúc của chùa Hang được người xưa tận dụng hang đá sâu thẳm (chiều sâu của hang khoảng 30 mét, cao hơn 10 mét). Đường lên chùa Hang cheo leo, phải từ mép biển men theo những bậc tam cấp. Đúng như tên gọi của chùa "Thiên khổng Thạch tự" nghĩa là hang đá trời sinh nên vừa u thẳm, vừa hoành tráng.

Một di tích được xếp hạng cấp quốc gia là đình làng và nhà thờ Tiền hiền Lý Hải nằm phía đông nam của đảo. Đình làng được xây dựng vào năm Minh Mạng nguyên niên (1820), từ bấy đến nay đã trải qua 4 lần trùng tu. Đình Lý Hải là công trình kiến trúc cổ có niên đại sớm duy nhất còn sót lại ở Quảng Ngãi nên rất có giá trị nghệ thuật tôn giáo, văn hóa và lịch sử.

Đến Lý Sơn là đến với vương quốc tỏi, với cách thức trồng tỏi trên cát của cư dân vùng đảo thưởng thức hải sản tươi sống thơm ngon, cảnh quan kỳ vỉ trong sóng biển dạt dào và xa hơn là được tham dự vào tâm thức nền văn hóa biển hết sức phong phú. Những đền thờ cá voi (đều lưu giữ bộ xương cá cẩn trọng) từ Hoàng Sa trôi dạt về, mà cư dân quen gọi là Ông Lụy và kính cẩn hơn là đền thờ Nam Hải Đại Vương, Sở Bá Vương…

Mùa xuân là mùa lễ hội của đảo: lễ đua thuyền, lễ cầu mùa, lễ cầu ngư, lễ động thổ, lễ tiền hiền đều đậm chất truyền thống của nền văn hóa biển đảo. Đáng kể nhất là lễ tế sống Trường Sa và Hoàng Sa. Ngày trước, để xác lập chủ quyền ở đảo Trường Sa và Hoàng Sa, "Nước Đại Việt ta từ buổi quốc sơ thường kén những trai tráng của 2 hộ An Vĩnh, An Hải mà đặt đội Hoàng Sa để đi kiếm lượm những vật trên biển, hàng năm cứ tháng 2 đi, tháng 8 về " (Đại Nam nhất thống chí).

Ngày xưa, giữa mịt mù sóng dữ, đi lại bằng phương tiện thô sơ nên trai làng đi dễ, khó về. Vì thế, với mong ước người ra đi được bình an trở về, hàng năm, vào ngày 20 tháng 2 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ tế tại đình làng. Trong buổi tế, họ làm những hình nộm bằng khung tre và dán giấy ngũ sắc để giả hình người đem tế tại đình. Tế xong, họ đốt giấy đi hoặc đóng giả thuyền bằng cây chuối, đặt hình nộm lên và thả trôi ra biển gọi là "Khao lễ thế lính Hoàng Sa" để cầu mong cho người thân bình an trở về.

Ngày nay, cũng vào ngày 20-2 âm lịch, ở các nhà thờ tộc, nhất là ở Âm linh tự đều tổ chức lễ tế trang nghiêm để tưởng nhớ những chiến sĩ trận vong của hải đội Trường Sa xưa. Danh sách những người hy sinh được đọc lên trong buổi lễ. Giữa âm hưởng của khói hương thật cảm động là lời nhắc nhở về niềm tự hào với sứ mệnh xác lập chủ quyền lãnh hải Tổ quốc mà người Lý Sơn chưa một lần từ nhiệm.

Đến Lý Sơn để còn hiểu thêm những cái tên mà trong ta đừng để lãng quên. Quang Ánh, Hữu Nhật, Duy Mộng là tên của những vị tướng, được vua Gia Long và Minh Mạng cử xuất đội thủy quân khảo sát, lập miếu, dựng bia, cắm trụ chủ quyền vào các năm 1815, 1816, 1833, 1834, 1835, 1836. Để rồi sau đó lấy tên các vị tướng ấy mà đặt tên cho các đảo ở quần đảo Hoàng Sa.

Đến Lý Sơn một lần để rồi mang tâm trạng đầy xúc động được hòa mình vào những dòng sử ký của đất nước.

. Theo báo Đà Nẵng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đi xích lô xem Huế  (15/08/2005)
Thăm Buôn Đôn  (14/08/2005)
Phú Yên: Thuê công ty nước ngoài qui hoạch đô thị  (12/08/2005)
Đến Thiên Cầm - Nghe tiếng đàn trời  (11/08/2005)
Bình Định cần có sự bứt phá  (11/08/2005)
Đá Bàn - điểm du lịch sinh thái hấp dẫn  (10/08/2005)
Đất và người Hương Sơn  (09/08/2005)
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của miền Trung - Tây Nguyên  (09/08/2005)
Thác Yangbay  (08/08/2005)
Nhìn từ "cánh cửa" Chu Lai  (08/08/2005)
Xây dựng trạm nghiên cứu tài nguyên, môi trường khu vực miền Trung  (05/08/2005)
Cửa đã mở nhưng khách chưa nhiều  (04/08/2005)
Hoang sơ Cù lao Chàm  (03/08/2005)
Nguồn sáng Sông Hinh  (01/08/2005)
Đà Nẵng: Mô hình bảo vệ môi trường  (31/07/2005)