Hà Tĩnh có khoảng 400 di tích lịch sử, trong đó có 59 di tích đã được xếp hạng quốc gia. Riêng chừng đó thôi cũng đã có thể khẳng định được tiềm năng to lớn của ngành du lịch Hà Tĩnh.
Không những thế, dải đất đầy nắng và gió này có nhiều làng nghề nổi tiếng như rèn, mộc, đóng thuyền; có làn điệu dân ca ví dặm trữ tình, sâu lắng; có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Tạo hóa cũng đã ban cho Hà Tĩnh nhiều bờ biển với những bãi tắm cát mịn, nước biển trong xanh, môi trường trong lành như Thiên Cầm, Xuân Thành, Thạch Hãn…
Về Hà Tĩnh, người ta có thể chọn những chuyến du lịch hấp dẫn để ngắm non, nhìn biển. Xuất phát từ trung tâm tỉnh lỵ, qua Hồng Lĩnh đến Nghi Xuân - 2 cụm du lịch chủ yếu của tỉnh, với những danh thắng đặc sắc nhất: du ngoạn núi Hồng, sông Lam; viếng thăm các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du, đình Hội Thống, chùa Thiên Tượng, chùa Hương Tích, ngã 3 Đồng Lộc, bãi biển Xuân Thành. Nếu đi tuyến phía Nam từ Hà Tĩnh đi Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, khách sẽ được thăm đền Võ Miếu, chùa Yên Lạc, Tịnh Lâm, đền Phương Giao, Chế Thắng phu nhân, du khảo rừng Kẻ Gỗ, Hoành Sơn quan, thăm khu cảng biển Vũng Áng, biển Thiên Cầm, Mũi Dao. Nếu lên tàu đi các đảo Bớc, đảo Én, đảo Sơn Dương sẽ thấy cảnh sắc kỳ vĩ của mây trời biển cả. Theo hướng Tây dọc quốc lộ 8A, thì sự hấp dẫn không chỉ nằm ở nhiều di tích lịch sử văn hóa, du khách còn có thể đến với những địa danh nổi tiếng như: Hồng Lĩnh, Núi Tùng, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Sông La với khu nghỉ dưỡng tại suối nước khoáng Sơn Kim; với khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang…
Để phát huy tiềm năng và thế mạnh du lịch, trong những năm qua đảng bộ và chính quyền Hà Tĩnh đã có những chủ trương và biện pháp nhằm đưa ngành thành một mũi kinh tế quan trọng. Đã đầu tư mở rộng các điểm du lịch như: Thiên Cầm, Xuân Thành; tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, nâng cấp làm mới hệ thống điện, thông tin liên lạc, mạng giao thông nội bộ và khu du lịch. Đồng thời, có chính sách thông thoáng nên đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.
Hà Tĩnh hiện có hơn 199 cơ sở lưu trú với gần 2.000 phòng nghỉ, trong đó có 1 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn từ 1-2 sao, 3 công ty kinh doanh lữ khách quốc tế và nội địa.
Năm 2004, lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh là 180 ngàn lượt người, trong đó khách quốc tế hơn 10 ngàn lượt người. Nhiều khách quốc tế từ Lào, Thái Lan, Châu Âu sang du lịch và tắm biển tại Hà Tĩnh đều hài lòng với cảnh quan môi trường, điều kiện sinh thái và điều kiện phục vụ.
Tháng 8-2003, Chính phủ đã đưa Hà Tĩnh vào quy hoạch trọng điểm quốc gia về du lịch. Đây thực sự là niềm phấn khởi đồng thời cũng là một đòi hỏi, trách nhiệm nặng nề đối với ngành du lịch Hà Tĩnh. Để thực hiện mục tiêu tăng cao tỉ trọng của du lịch trong nền kinh tế, đạt 35-38% GDP của toàn tỉnh trong giai đoạn 2001-2005, tăng trưởng hàng năm từ 11-12%, ngành du lịch đã và đang tăng cường quảng bá, tuyên truyền về cảnh sắc thiên nhiên, con người, lịch sử truyền thống văn hóa của Hà Tĩnh với bạn bè trong nước và quốc tế. Đầu tư và phát triển du lịch kết hợp với việc khai thác nguồn vốn nước ngoài, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và huy động nội lực của các thành phần kinh tế trong dân với phương châm xã hội hóa phát triển du lịch. Đồng thời quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo vệ giữ gìn môi trường tự nhiên và cảnh quan để du lịch phát triển bền vững.
Trong những năm tới, Hà Tĩnh sẽ tập trung đầu tư những khu trọng điểm du lịch như: Thiên Cầm, Kẻ Gỗ, Hoành Sơn, Suối nước nóng Sơn Kim, khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du, chùa Hương Tích, Ngã 3 Đồng Lộc. Trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cũng là một trách nhiệm quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch. Tỉnh cũng dành nguồn đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng đúng mức.
Đã có một Hà Tĩnh là phên dậu của đất nước, cũng đã tồn tại một Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt với Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Huy Cận… Rồi đây, sẽ có một Hà Tĩnh là điểm hẹn, điểm đến…
. Theo báo Hà Tĩnh |