Đảo Lý Sơn nằm cách bờ biển Quảng Ngãi 24 km về hướng đông bắc. Địa danh gồm hai đảo lớn là cù lao Ré và Hòn Bé.
Đảo Lý Sơn tên cũ là Cù Lao Ré. Sở dĩ tên gọi như vậy là vì xưa kia dân đảo này dùng nhiều dây ré dùng để buộc đồ rất dai và bền chắc. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí soạn vào đời Tự Đức, phần tỉnh Quảng Ngãi có ghi: "Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...".
Trên đảo có núi cao đến 180 m. Chung quanh đảo có nhiều rạn đá ngầm, ghe thuyền thường neo đậu ở phía nam đảo. Riêng Cù lao Ré có hình dạng đa giác không đều cạnh, có nơi dài đến 7 m, rộng từ 3 đến 4 km. Núi đồi chiếm đến 1/4 diện tích đảo.
Ngày nay, cù lao Ré được đặt thành huyện đảo Lý Sơn, có hai xã Lý Vĩnh và Lý Hải, diện tích tổng cộng 11 km2 và dân số gần hai vạn người. Dân cư sống trên đảo chủ yếu bằng nghề nông, đánh bắt hải sản. Nông sản chính ở đây là tỏi.
Vào đời vua Lê Kính Tông, năm 1604, có người từ đất liền ra định cư, khai phá hải đảo. Hiện nay trên đảo còn thờ tám vị tiền hiền từng khai canh trên mảnh đất này gọi là "Bát tổ".
Trên đảo còn có nhiều di tích lịch sử và văn hóa được phân bổ khá dày. Đặc biệt có đình Lý Hải là một công trình kiến trúc - nghệ thuật xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1820) ở xã Lý Hải. Đây là ngôi đình thể hiện kỹ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, sống động qua các ô trang trí.
Một di tích khác rất độc đáo là Chùa Hang, nằm ở đông bắc đảo, cũng thuộc xã Lý Hải, nằm dưới chân núi Thới Lới. Chùa vốn là một hang động lớn do cư dân địa phương tạo lập từ 400 năm trước. Chùa có nhiều ngóc ngách, đặc biệt là các bệ thờ được con người tạo tác từ các thạch nhũ tự nhiên ở nền hang, thành khám thờ, đồ thờ làm tăng thêm vẻ thâm nghiêm và huyền bí. Chùa thờ Phật và các vị tiền hiền họ Trần có công khai phá, xây dựng chùa. Chung quanh chùa là những cây bàng biển có tuổi thọ từ hàng trăm năm, cành lá xanh rì, hình dạng cổ quái. Muốn đến chùa, du khách phải theo địa đạo cheo leo trên vách núi, sát mép biển, lên cao dần rồi đi xuống 40 bậc đá để vào chùa.
Đi khắp đảo, du khách có thể bắt gặp nhiều đình, miếu, chùa chiền, lăng mộ. Và, đặc biệt hơn nữa là dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa qua các cuộc khai quật ở suối Chình, xóm Ốc.
Cù lao Ré xưa nay nổi tiếng với nghề trồng tỏi. Tỏi được trồng đại trà tại các chân đồi và ở các thung lũng. Vào mùa thu hoạch tỏi, bến thuyền nhộn nhịp.
Cù lao Ré đang "mở cửa" đón khách du lịch từ đất liền ra thăm đảo. Hằng năm ở đây có mở hội đua thuyền vào mùa xuân và mùa thu, đông vui nhất là hội xuân, từ mồng bốn đến mồng bảy Tết, thu hút đông du khách đến vui hội, thăm di tích, thắng cảnh với nhiều thú vị bất ngờ.
. Theo Nhân Dân
|