Đèo Ngang - vùng đất địa đầu phía bắc Quảng Bình.
Đã từ lâu Đèo Ngang đi vào lòng người qua bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá đá chen hoa…
Bao nhiêu người quân tử, thi nhân đến Đèo Ngang đều có thơ hay về địa danh này, từ Lê Thánh Tông, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du đến Lê Đức Thọ, Phạm Tiến Duật…
Ngày nay, Đèo Ngang với hai bãi tắm Hòn La (Quảng Đông) và Đèo Con (Hà Tĩnh) trở thành hệ thống du lịch thiên nhiên tuyệt vời, đang vẫy gọi bàn tay con người đến đầu tư khai thác.
Từ thị trấn Ba Đồn, vượt qua 24 km Quốc lộ 1A, chúng tôi đến Đèo Ngang khi trời gần đứng bóng. Màu xanh mơn man của núi và gió biển thổi lồng lộng đã làm tan biến sự mệt nhọc trước cái nóng khủng khiếp của gió Lào. Quanh co uốn khúc theo con đường thiên lý Bắc - Nam, chúng tôi lên đỉnh đèo, nơi có Hoành Sơn Quan hùng vĩ. Hoành Sơn Quan được cư dân ở đây gọi là Cổng Trời, có nghĩa là điểm cao nhất của vùng đất này, là nơi người ta tưởng tượng có thể đến với trời.
Sau khi đi hết con đường mòn rợp bóng thông trên đỉnh đèo, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác. Cái nắng cháy người, cái rát của gió Lào tuyệt nhiên không còn ở đây, một không khí mát mẻ bao trùm tất cả. Đỉnh Đèo Ngang cách mặt biển 256 m. Trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn viết: "Núi Hoành Sơn châu Bố Chính gần xã Sơn Tiêu tiếp cõi Nghệ An, từ xa xưa mà đến, gò núi chập chùng, dăng ngang đến biển… Một dãy Hoành Sơn có ngọn như hổ ngồi, phượng múa…".
Đèo Ngang nằm trong núi Phượng, từ dáng núi ấy, người xưa đã xây bậc đá thành đường lên đỉnh đèo. Chúng tôi đếm thử và ước tính con đường này phải chừng 2.000 bậc đá. Đây là con đường độc đạo để đi dãy núi Hoành Sơn. Trên đỉnh đèo có xây một cái cổng lớn từ năm Minh Mạng thứ 14 (1833) với ba chữ Hoành Sơn Quan trước mặt cổng. Với lối kiến trúc độc đáo, dáng vẻ Hoành Sơn Quan tọa trên đỉnh cao thể hiện công sức và trí tuệ của con người Việt Nam. Lũy đá từ cổng thành chạy dài ra biển và chạy vào trong núi sâu nhưng đã bị người dân ở đây khai hết, bây giờ chỉ còn lại dấu tích. Ngày trước, vua Quang Trung dẫn quân ra Bắc đánh giặc Thanh, khi qua đây nhà vua quyết định không đi qua cổng Hoành Sơn mà trổ đường khác. Hoàng đế Quang Trung muốn đất nước Việt Nam là một dải, không có sự ngăn chia.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đèo Ngang trở thành tuyến lửa, nơi bắn phá ác liệt của máy bay, tàu chiến Mỹ. Trong những năm 1967-1969, cổng Hoành Sơn là nơi chứa đạn pháo cao xạ. Mùa hè năm 1969, bom Mỹ đánh trúng đơn vị pháo, 8 chiến sĩ anh dũng hy sinh ngay tại đỉnh đèo.
Đèo Ngang - Hoành Sơn Quan đi vào lịch sử không chỉ là sự bài trí cảnh đẹp của thiên nhiên mà còn chứa trong mình những dấu ấn lịch sử vẻ vang qua từng thời kỳ của đất nước.
Trên đỉnh Đèo Ngang còn có đền thờ công chúa Liễu Hạnh. Hằng năm, khách thập phương thường đến viếng, thắp hương cầu nguyện. Tương truyền đây là công chúa con vua Lê Thánh Tông. Trong một lần theo vua cha đi chinh phạt phía Nam, khi đến vùng biển Đèo Ngang thì biển nổi phong ba dữ dội như muốn nhấn chìm tất cả. Thấy nguy nan khi Long vương nổi giận, công chúa đã liều mình nhảy xuống biển, hiến mình cho Long vương. Và lúc ấy, biển lặng, thuyền quân yên ổn và cuộc thân chinh của vua Lê Thánh Tông thắng lợi. Nhà vua đã mai táng công chúa dưới chân Đèo Ngang. Người dân ở đây kính trọng trước hành động quả cảm của nàng công chúa nên lập đền thờ truyền tụng đến muôn đời.
Đứng trên đỉnh Đèo Ngang hôm nay đã thấy sự đổi thay của vùng đất này, màu xanh của lúa, màu đỏ tươi của mái nhà và xe máy của những công trình mới mở…
Rời Đèo Ngang, bạn có thể phóng xe máy 15 phút vào bãi biển Hòn La, đây là bãi tắm lý tưởng về độ mặn, độ thoải và kín gió. Sau khi thỏa mãn với làn biển mát trong xanh, ta có thể phơi mình trên bãi cát vàng óng ánh hay vào rừng phi lao nhậu món hải sâm chỉ độc vùng này mới có. Nếu muốn đi xa hơn, bạn lên thuyền thăm đảo Gió - nơi cư trú của hàng vạn con chim hải âu, hay vào đảo Yến để ngắm những tổ yến xinh xắn treo lơ lửng trên vách đá. Tương lai đây sẽ là một quần thể du lịch của Quảng Bình.
Một Đèo Ngang đang vẫy gọi bàn tay con người.
. Theo báo Quảng Bình
|