Có một con đường đã đi vào huyền thoại trong cuộc đấu tranh giành độc lập về một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", nay được viết tiếp bài ca mở đường hào hùng ấy của dân tộc bởi dự án đường Trường Sơn Đông. Đó là sự kết nối giữa Trường Sơn Tây (đường Hồ Chí Minh) với Trường Sơn Đông trên đường thiên lý Bắc - Nam, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước…
|
Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng động thổ khởi công đường Trường Sơn Đông (ảnh: TTO)
|
Ngày 5-9-2005, người dân Đà Lạt, Lâm Đồng, đón một niềm vui mới lớn lao, đó là lễ khởi công xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông tại cầu Suối Vàng - Đà Lạt.
Đảm nhận thi công xây dựng tuyến đường này chính là đơn vị năm xưa từng khai mở con đường huyền thoại Z114 trong chiến tranh, nay lại có thêm vinh dự hành quân đến đắp xây con đường Trường Sơn Đông trong thời bình, đó là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng làm tổng thầu.
Đường Trường Sơn Đông có điểm đầu từ thị trấn Thạnh Mỹ huyện Nam Giang - Quảng Nam, nơi tiếp nối với đường Hồ Chí Minh và kết thúc tại cầu Suối Vàng - Đà Lạt, với tổng chiều dài toàn tuyến trên 667 km. Vị trí tuyến đường chạy dọc phía Đông Trường Sơn, nằm giữa trục đường Bắc - Nam QL 1A và đường Hồ Chí Minh qua 33 huyện thuộc 7 tỉnh, bao gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Lâm Đồng. Trong đó vượt đại ngàn mở mới gần 283 km, phần còn lại được cải tạo, nâng cấp mặt đường cũ gần 385 km với quy mô đường cấp IV miền núi.
Theo Đại tá Văn Thái Bình - Trưởng Ban Quản lý dự án 46, đơn vị chủ đầu tư - Bộ Quốc phòng: Để thi công đường Trường Sơn Đông phải đào đắp một số lượng đất đá các loại rất lớn (trên 33 triệu m3), diện tích trải mặt đường gần 3 triệu m2 với số lượng cầu, cống kiên cố chịu tải trọng H.30 trên toàn tuyến 6.811 cái, tổng mức đầu tư là 3.559 tỉ đồng.
Con đường Z 114 năm xưa đi qua đại ngàn Đông Trường Sơn để đưa quân, tải lương chi viện cho miền Nam, góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Từ cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền đó có biết bao bản làng, thôn xóm đã đi cùng người lính, vượt qua bao gian khó, một lòng đi theo Đảng trong suốt hai cuộc trường chinh vệ quốc của dân tộc. Có biết bao tên đất, tên làng anh hùng đã đi vào lịch sử, những làng Mực, làng Hồi, đến xã Hiếu, K'Bang tới Đưng K'Nớ… với hàng triệu đồng bào chung lưng đấu cật cùng dân tộc vượt qua mọi thử thách giành lại non sông gấm vóc Việt Nam từ tay của quân thù.
Tuy giải phóng đã được 30 năm, trong quá trình xây dựng, tái thiết đất nước, rất nhiều đồng bào sống dưới "nóc nhà" Đông Trường Sơn còn nghèo, điều kiện hạ tầng chưa phát triển, đời sống kinh tế, văn hóa còn khó khăn, vì thế việc xây dựng tuyến đường này như một nghĩa cử cao đẹp của Nhà nước trả nghĩa đối với đồng bào các dân tộc một lòng đi theo cách mạng. Chính vì thế mà đường Trường Sơn Đông sau khi được xây dựng sẽ góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và an ninh quốc phòng tại những địa bàn mà tuyến đường đi qua.
Người dân ở trên vùng đất Ngọk Tem, K'Bang hay A Yum Pa, Kang Ch'Ro, I A pa, M'Đắc, Cư Đrăm, Yang Mao… Đưng K'Nơ sẽ đổi thay từ việc hưởng lợi mà tuyến đường mang lại. Theo Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng thì Đường Trường Sơn Đông không những chỉ giúp các tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi đường Trường Sơn Đông còn là một bộ phận quan trọng, một nhánh phía đông của đường Hồ Chí Minh cùng với hệ thống đường ngang hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, tạo động lực đổi mới khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên thế phòng thủ vững chắc đối với an ninh quốc phòng khu vực và đất nước.
. Theo báo Lâm Đồng |