Hướng về phía Tây Bắc theo con đường nhựa trải dài từ cây số 23, Quốc lộ 1A đi Thuận Ninh, Hàm Thuận Nam, là những cánh rừng xanh ngát, nơi có nhiều gỗ quý, thú rừng và các hệ thực vật quý hiếm ở Việt Nam: Đó là khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (Bình Thuận).
Ở núi Tà Cú, các nhà nghiên cứu thực vật của Viện sinh vật nhiệt đới đã thu thập và đánh dấu được 1.061 ký hiệu mẫu vật. Là một núi thấp ven biển có diện tích chỉ 1.104 ha, nhưng rất đa dạng về các loài thực vật. Trong đó có 689 loài thực vật bậc cao, chiếm 6,5% tổng số loài thực vật được ghi ở Việt Nam. Sự đa dạng của thảm thực vật núi Tà Cú đã đưa nhiều nhà nghiên cứu đến đây và chứng tỏ hệ thực vật của Tà Cú thật sự là phần quan trọng trong hệ thực vật Việt Nam. Chẳng hạn, núi Tà Cú có đến 3 trong tổng số 4 loài thuộc giống Carallia (giống duy nhất sống trên cạn của họ Rhizophoraceae trong hệ thực vật Việt Nam).
Hiện Tà Cú đang "sở hữu" 144 loài cây đại mộc cho gỗ quý, 38 loài cây làm cảnh, 34 loài cây có thể ăn được. Đặc biệt có 5 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như Afzelia xylocarpa, Irvingia malayana… Ưu thế nhất của Tà Cú là cây thuốc. Theo tài liệu và kinh nghiệm của các thầy thuốc gia truyền trong vùng, vốn nhiều năm tìm cây thuốc tại đây, núi Tà Cú có đến 159 loài cây thuốc.
Khu hệ động vật rừng được chia làm 3 vùng: Vùng núi Tà Cú, Tà Đặng có địa hình là núi cao, dốc, là rừng kín, nhiều hoa quả, nên tập trung nhiều loài thú như: khỉ đuôi lợn, voọc xám, cầy, chồn, sóc, chim, công… Bìa rừng có heo, nhím. Vùng đồi thấp, rừng thưa có các loại thú ăn có như hoẵng, cheo, thỏ, gà rừng. Vùng bưng, đầm lầy tập trung nhiều loài cá nước ngọt, các loài bò sát: trăn, rắn, rùa vàng, ba ba…
Ngoài động thực vật, nơi đây còn có những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Chùa Núi, gồm chùa Linh Sơn Trường Thọ (chùa trên), do vua Tự Đức ban phong vào khoảng năm 1880 và Linh Sơn Long Đoàn (chùa dưới). Hai chùa này tọa lạc ở phía Nam núi Tà Cú, có độ cao 475 m so với mặt nước biển. Chùa Núi là một cụm di tích, danh lam, thắng cảnh có giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật văn hóa. Hình thể kiến trúc chứa đựng những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Chùa Núi còn thể hiện quy mô to lớn, hiện đại qua nghệ thuật đắp các tượng phật. Đó là sự kết hợp hài hòa, cân xứng địa thế của núi rừng và cảnh sắc thiên nhiên. Những tượng tiên, phật cùng mô típ hoa văn, trang trí làm cho các điện thờ toát lên vẻ trang trọng, linh thiêng. Đặc biệt, trên đỉnh ngọn núi cao nhất có tượng Phật nằm với chiều dài 49 m. Đây là tượng Phật nằm lớn nhất Việt nam và khu vực Đông Nam Á.
Chùa Núi còn gắn liền với những năm tháng quân dân Bình Thuận kiên cường đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ. Núi Tà Cú là một căn cứ địa quan trọng của tỉnh, nơi trú quân, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Năm 1953, giặc Pháp truy quét cán bộ cách mạng ẩn náu trong chùa, chúng đã bắn chết nhà sư Tục Tuệ, trụ trì chùa vì tội liên hệ, che giấu cán bộ cách mạng. Chính các giá trị, ý nghĩa về khu di tích này mà ngày 7-1-1993, cụm di tích danh lam thắng cảnh chùa Núi đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Bên cạnh hệ thống các chùa, tượng Phật, sườn Bắc núi Tà Cú là một cụm danh thắng: Hòn Lan - Đá Một, Bàu Ông Hút, suối nước nóng… Nhìn về phía bên kia thấy rõ mồn một hải đăng Khe Gà, bãi biển Khe Gà, địa chỉ du lịch phía nam tỉnh.
Với địa hình trải rộng trên 5 xã và thị trấn Thuận Nam, lại phong phú về động thực vật, khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú trong những năm qua đã và đang được tỉnh, huyện Hàm Thuận Nam đầu tư xây dựng và bảo vệ. Tuy nhiên, Tà Cú vẫn bị tác động khá mạnh của cư dân xung quanh. Hệ thống thực vật núi Tà Cú vẫn bị lén lút khai thác. Mùa khô, tình hình cháy rừng vẫn diễn ra vì địa hình toàn khu vực phức tạp, việc khoanh nuôi, bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Tháng 4-1997, tỉnh Bình Thuận đã thành lập ban bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên núi Tà Cú gồm 22 cán bộ, nhân viên. Ban đã thành lập 5 tổ bảo vệ, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên toàn bộ khu vực. Công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng trong dân cư rất được địa phương chú trọng. Với ưu thế thuận lợi, chỉ cách Phan Thiết có 30 km, lại nằm giữa cụm du lịch Thuận Quý - Khe Già, bên cạnh có cáp treo Tà Cú, nếu ngành du lịch đưa việc tham quan, khám phá những điều kỳ thú của khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cộng với hành hương về đất Phật vào các tour du lịch thì tiềm năng dồi dào này sẽ nhân đôi.
. Theo báo Bình Thuận |