Người Nhật Bản từng đến Hội An định cư, lập phố và giao thương, buôn bán. Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm diễn ra cuộc giao thương mạnh mẽ nhất là vào thế kỷ XVI. Tiếp nối mối quan hệ thiện chí hơn 4 thế kỷ, trong gần hai thập kỷ qua, các tổ chức và chuyên gia của đất nước mặt trời mọc tiếp tục có chung tiếng nói với đô thị cổ này. Trong đó đáng kể nhất chính là cuộc chuyển giao công nghệ bảo tồn các giá trị của di sản văn hóa thế giới.
|
Phố cổ Hội An |
Điểm mốc quan trọng là năm 1987, khi đô thị cổ Hôi An đang là một "thành phố dưỡng già", Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (gọi tắt là Jica) đã đến Hội An để khơi dậy quá khứ và đề xuất nhiều ý tưởng về một tương lai hợp tác.
Chuyên gia Masahiko Shinozaki khẳng định: "Người Hội An đã giữ gìn những chứng tích của tiền nhân chúng tôi như di sản của chính mình. Vì thế, chúng tôi đến để cùng chung sống với các bạn và tôn tạo những di sản đó!".
Bây giờ, đối với người Hội An, những con người như GS Fukukawa, Kikuchi, Seiichi, Nagumo, Tomuda, Sawako, Utsumi… chính là người Hội An mang quốc tịch Nhật. Họ lăn lộn mọi nơi, từ Cù Lao Chàm đến Cửa Đại, Trà Quế, Thanh Chiêm và tất cả ngõ ngách của khu phố cổ. Có ít nhất 40 chuyên gia đầu ngành và hơn 100 lượt sinh viên của Jica, các trường Đại học Tokyo, Chiba, Nữ Chiêu Hòa, Kyoto liên tục có mặt từ 6 tháng đến 2 năm tại Hội An.
Nghiên cứu sinh của Đại học Chiba, Sawwako Utsumi đến Hội An từ năm 1993. Mỗi năm chị về Hội An 2 lần để ghi ảnh mặt tiền và biển hiệu buôn bán của các ngôi nhà cổ. Chị đã có hơn 200 tấm ảnh phản ánh sự thay đổi liên tục mặt tiền các ngôi nhà này, qua đó người ta nhận thấy sự phức tạp trong hoạt động kinh doanh và quá trình xuống cấp nhanh chóng của các di tích.
Kiến trúc sư Tomuda 2 năm liền bám trụ tại nhà thờ tộc họ Trương trên đường Phan Châu Trinh để trực tiếp giám sát thi công trùng tu. Các chuyên gia khảo cổ học ngày đêm đi hết vùng này đến vùng khác để đào thám sát 10 di chỉ, lập 200 bộ hồ sơ, thu thập hàng nghìn hiện vật, sao in hàng chục nghìn trang tư liệu.
Các nhà khảo cổ Nhật Bản đã cùng với chuyên gia đầu ngành Việt Nam làm sống dậy quá khứ hơn 2.000 năm cổ dân thuộc hệ văn hóa Sa Huỳnh của cảng thị sơ khai và cả vùng Nam Ấn Độ. Chính quyền Hội An đã thành lập một bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh trưng bày 216 trong số gần 1.000 cổ vật tìm thấy.
Không dừng lại đó, các tổ chức của Nhật bản như Jica, Tập đoàn Toyota Foundation, Sumitomo, Taisei… đã hỗ trợ 4 tỉ đồng trùng tu 12 di tích Nhà nước quản lý và sửa chữa 20 ngôi nhà cổ do tư nhân quản lý; tổ chức 6 cuộc hội thảo quốc tế và quốc gia về tu bổ các công trình kiến trúc gỗ, huy động cộng đồng tham gia bảo tồn. Qua đó, giúp cho người dân Hội An và các nhà chuyên môn nhiều phương pháp bảo tồn quý giá.
Theo ông Nguyễn Chí Trung - Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, thì nguyên tắc trùng tu của phía bạn rất phù hợp với chúng ta, nhưng phương pháp thực hiện hoàn toàn mới lạ. Chính những phương pháp này đã giúp Hội An gìn giữ tốt hơn các giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể.
Các tổ chức của Nhật Bản từng khuyến cáo người dân Hội An rằng, họ sẵn sàng hỗ trợ 50-80% kinh phí trùng tu di tích tư nhân đang xuống cấp trầm trọng, chỉ với một điều kiện là người dân phải sống trong chính ngôi nhà của mình! Khuyến cáo của phía bạn khiến cho các nhà quản lý phải giật mình. Bạn muốn chúng ta khi bảo tồn, trùng tu phải giữ luôn cả truyền thống, nếp sống của các thế hệ gia đình sống ngay trong từng ngôi nhà, đây là nơi lưu giữ cái hồn và bản sắc văn hóa của người Hội An.
Ngay trong 3 cuộc hội thảo về sự thích ứng của cộng đồng trong việc bảo tồn di tích ở Hội An do Trường Đại học Chiba chủ trì từ năm 2001 đến nay, các giáo sư và sinh viên Nhật Bản đã gợi mở cho các chủ di tích và người dân Hội An nhiều phương pháp tự mình giữ lấy di sản. Từ phương pháp luận này kết hợp với kinh nghiệm bảo tồn di tích gỗ tại Nhật, các chuyên gia đã hướng dẫn điều tra xã hội học, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, khơi dậy tính tự giác của họ, qua đó xây dựng quy tắc bảo dưỡng; đồng thời có cơ sở để tiến hành nghiên cứu thích nghi các nhà cổ ở Hội An.
Cùng làm việc với các nhà khảo cổ học Nhật Bản, cán bộ bảo tồn Hội An đã nắm bắt được nhiều phương pháp thực hiện, trong đó đặc biệt có giá trị là phương pháp xác định địa tầng và phương pháp biên mộ. Với phương pháp biên mộ, khi khai quật các mộ chum thuộc hệ văn hóa Sa Huỳnh, có thể xác định ngay ranh giới giữa hai mộ chum mà không cần phương pháp C14 phức tạp như đã áp dụng lâu nay. Còn phương pháp chụp ảnh của Utsumi cũng là một cách làm mới và Hội An đang thực hiện ít nhất 5 đề tài theo cách này.
Cạnh đó, trong quá trình trùng tu, các chuyên gia Nhật vừa tu bổ, vừa nghiên cứu, điều mà Hội An chỉ áp dụng đơn lẻ từng phần. Theo Kiến trúc sư Tomuda thì với cách làm này, người trùng tu có thể linh hoạt biện pháp tôn tạo, không phải tra cứu lại hàng trăm tư liệu về các cấu kiện, họa tiết, hoa văn vốn đã mục nát. (Khi tháo dỡ di tích, các nghệ nhân Hội An chưa khi nào áp dụng biện pháp đánh số chi tiết cấu kiện gỗ theo thực hiện). Ngoài ra, phía bạn còn chỉ thêm một cách làm mới khá thuyết phục là lát thêm một tấm chì vào giữa đá lát với chân cột gỗ để chống ẩm.
Trên đây chỉ là số ít trong hàng chục phương pháp bảo tồn mà các chuyên gia Nhật Bản đã chuyển giao cho Hội An áp dụng vào thực tế trùng tu, giữ gìn di sản. Từng ngày, từng giờ các giá trị không thể đo đếm được này đang thấm sâu vào đời sống của người dân Hội An, giúp cho họ tự "cứu lấy mình".
Và thực tế, quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới đang sống trong vòng tay thân thiện Việt - Nhật, những người gắn kết quá khứ với hiện tại, tạo nên một dòng chảy nồng ấm tình người.
. Theo báo Quảng Nam
|