Nhiều năm đã trôi qua, nhưng đối với người dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, hang Đá Nhà - Núi Giòn vẫn là địa danh có ý nghĩa lịch sử lớn lao, bởi đây chính là căn cứ địa vững chắc của quân và dân xã Lộc Vĩnh huyện Phú Lộc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
|
Cửa hang Đá Nhà hay còn gọi là hang Máy May. |
Năm 1959 sau hàng chục đợt khủng bố đẫm máu của kẻ thù, nhiều chi bộ ở Phú Lộc bị xóa sổ, chỉ còn một chi bộ duy nhất của huyện Phú Lộc vẫn tồn tại, sinh hoạt trong hang Đá Nhà để chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn huyện phát triển. Hang Đá Nhà - Núi Giòn cũng là nơi ghi lại những dấu ấn của nhà nhiếp ảnh chiến trường Trọng Thanh, anh hùng lực lượng vũ trang Trịnh Tố Tâm, Nguyễn Hà.
Hang Đá Nhà là một hang thiên nhiên do những tảng đá Granit chồng lên nhau tạo nên. Hang có chiều dài 200m, nằm ở độ cao 250m của núi Giòn - Ngọn núi nằm sát vịnh Chân Mây - xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hang Đá Nhà gồm nhiều hang, phía ngoài cùng gọi là hang Máy May. Nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1968-1975 là nơi đặt bàn máy may để may vá quần áo cho cán bộ, du kích, bộ đội trú ẩn trong hang. Hang có 1 mái vòm cao hơn 2m, phía trong có nhiều tảng đá, đặc biệt có một tảng đá rất to dùng làm nơi đặt máy may. Đây cũng là cửa hang để vào trong. Thông vào phía trong là một khe đá nhỏ, muốn di chuyển phải bò qua. Trong hang có một khe nước nhỏ đủ phục vụ cho hàng trăm người. Khu vực rộng nhất ở trong hang là chỗ sinh hoạt của bộ đội. Phía sâu trong hang là kho chứa vũ khí của bộ đội và du kích.
Hang Đá Nhà là nơi trú ẩn chủ yếu của lực lượng kháng chiến xã Lộc Vĩnh và bộ đội chủ lực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; vì vậy đã 30 năm trôi qua, nhưng nhiều dấu tích như: bao đựng gạo, mảnh ni lông, ấm nước, chai, vỏ đạn, lựu đạn, vỏ thùng đạn, dép vv... còn tồn tại khá nhiều ở trong hang. Mới đây, Bảo tàng tổng hợp Thừa Thiên-Huế đã thu nhận 1 số bao ni lông, dép còn nguyên vẹn đưa về làm hiện vật. Từ năm 1965 đến 1975, hang Đá Nhà - Núi Giòn vừa là trụ sở của ủy ban kháng chiến, nơi trú ẩn của đội du kích vũ trang, nơi an dưỡng của thương binh, vừa là địa điểm an toàn, tin cậy cho bộ đội huyện, quân chủ lực tỉnh và bộ, là nơi huyện Phú Lộc tổ chức các cuộc họp, phổ biến Nghị quyết cho cán bộ trong huyện.
Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dân Lộc Vĩnh đã vượt qua bao gian nan, thử thách lập nên bao chiến công hào hùng. Toàn xã Lộc Vĩnh hiện có gần 260 liệt sĩ, 23 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mỗi tấc đất nơi đây đều chứng kiến cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân Lộc Vĩnh, nhưng Hang Đá Nhà - Núi Giòn - vẫn là nơi in đậm nhất tinh thần đấu tranh anh dũng, mưu trí, là nét son trong bản anh hùng ca mà nhân dân Lộc Vĩnh đã viết lên qua hai cuộc kháng chiến và nhắc nhở mỗi người dân luôn phát huy truyền thống cao đẹp của cha anh năm xưa để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
. Theo Net Cố Đô |