Khai thông cửa khẩu Quốc tế Bờ Y - Đích đến đã gần
9:41', 22/9/ 2005 (GMT+7)

Chừng 3 tháng nữa, tỉnh Kon Tum và tỉnh Atôpư (Lào) sẽ chính thức khai thông Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y- Giang Sơn, khi Quốc lộ 18 (Lào) nối với Quốc lộ 40 (Việt Nam) đang dần đến ngày hoàn thiện, để hai tỉnh cùng vươn ra thế giới bên ngoài và thúc đẩy giao lưu kinh tế - thương mại.

Giờ lành, tháng tốt sắp điểm, việc khởi động Khu Kinh tế Cửa khẩu Ngọc Hồi sẽ là điểm nhấn, là điểm mở đầu đưa Kon Tum vào hội nhập và giao thương.

Xin được điểm lại: Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y nằm trong hệ thống cửa khẩu của Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập số 06/QĐ-TTg, ngày 5-1-1999; có 1 cửa khẩu quốc tế với Lào và 1 cửa khẩu phụ với Campuchia. Khu Kinh tế cửa khẩu Bờ Y được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 18-10-2001 phê duyệt quy hoạch và định hướng phát triển đến năm 2020 gồm 5 xã Bờ Y, Sa Loong, Đắk Xú, Đắk Nông, Đắk Dục và thị trấn Plei Kần với tổng diện tích tự nhiên 68.570 ha, trong đó khu trung tâm có 400 ha. Đây là một trong 3 trung tâm kinh tế trên tuyến hành lang Đông - Tây của Việt Nam; là trung tâm phát triển của Tam giác kinh tế đã được Thủ tướng 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia thống nhất triển khai xây dựng.

Theo thỏa thuận của 3 chính phủ, thì Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y- Ngọc Hồi sẽ nằm trong vùng lõi của "Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia" gồm 10 tỉnh Ratanakiri, Stungtreng, Mondulkiri (Campuchia); Atôpư, Sêkông, Salavan (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (Việt Nam). Trong thời gian tới 3 nước sẽ ưu tiên hợp tác một số lĩnh vực: xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh thuộc Tam giác phát triển; thực hiện các dự án thương mại nhằm mở rộng quan hệ buôn bán và xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu tại khu vực biên giới 3 nước; thúc đẩy hợp tác - du lịch, thực hiện ý tưởng "ba quốc gia - một điểm đến".

Như vậy Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y - Ngọc Hồi sẽ là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Kon Tum và cả nước. Khu kinh tế cửa khẩu sẽ là điểm nhấn trong chiến lược liên kết, nhằm tạo ra cơ hội hợp tác, phát triển đồng đều giữa các nước ASEAN và tiểu vùng Mê Kông; là giao điểm quan trọng trên hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và Myanmar.

Trong quá trình hợp tác giao lưu quốc tế, cửa khẩu Bờ Y - Ngọc Hồi còn đóng vai trò quan trọng là cửa ngõ mở ra Thái Bình Dương cho vùng Đông Bắc Thái Lan, vùng Tây Bắc Campuchia và Nam Lào. Tuy nhiên, phần lớn các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển đều là những tỉnh khó khăn nhất về kinh tế, xã hội so với các tỉnh khác trong ba nước. Đây là vùng nghèo, GDP bình quân đầu người thấp, chỉ đạt 200 USD/người, dưới 50% so với mức bình quân của mỗi nước. Do đó, phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực này cần phải có những giải pháp thích hợp của mỗi nước trong sự hợp tác chặt chẽ của các nước.

Từ ngày thành lập đến nay, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu đã triển khai đầu tư xây dựng hàng chục công trình cơ sở hạ tầng tại khu trung tâm. Đến nay đã có nhiều công trình đã đưa vào sử dụng. Các công trình còn lại sẽ được thi công và đưa vào sử dụng trong các năm 2005, 2006, 2007.

Dù chưa đạt kế hoạch như mong muốn nhưng theo ông Nguyễn Thế Đạt, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, tuy hạn chế về nguồn lực nhưng sau nhiều năm chuẩn bị về cơ sở vật chất và pháp lý, được sự phối hợp của các ngành, các cấp, đã từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, tạo ra những lợi thế nhất định để thu hút đầu tư và nâng cửa khẩu lên tầm hoạt động quốc tế trong tương lai. Ngoài chính sách ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính đã được quy định theo quyết định của UBND tỉnh Kon Tum, tỉnh đã cho phép Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu xây dựng các quy định về thủ tục hành chính 1 cửa nhằm tập hợp các điều kiện đầu tư ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thuộc mọi thành phần kinh tế đến đầu tư, kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y.

Từ tháng 6-2005, tỉnh Kon Tum đã xây dựng các phương án chuẩn bị, đón ngày khai thông cửa khẩu, tạo "hấp lực" bước đầu đối với các nhà đầu tư.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2007, phải hoàn thành cơ bản các công trình cơ sở hạ tầng tại khu trung tâm, đáp ứng các nhu cầu của các hoạt động kinh tế xã hội tại cửa khẩu Bờ Y, một yêu cầu cấp bách đang đặt ra là phải sắp xếp lại các khu dân cư tại khu vực cửa khẩu. Nhìn chung nhân dân các làng Đắk Răng, Đắk Mế, Tà Ka, Kon Khôn, Măng Tôn và Làng đều thống nhất với ban quản lý chuyển đến vị trí mới theo từng làng và xây dựng nhà ở theo thiết kế mẫu của phương án sắp xếp.

Từ vùng đất đầy bom đạn, cách biệt với khu vực ngày nào, sau gần 6 năm xây dựng, giờ đây Khu Kinh tế cửa khẩu Bờ Y - Ngọc Hồi đang là điểm khởi đầu góp phần đưa Kon Tum vào hội nhập, tác động to lớn đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mở ra một thị trường rộng lớn cho các tỉnh trong khu vực.

Trong tương lai không xa, cửa khẩu Quốc tế Bờ Y là một trong những cửa khẩu thuận lợi nhất, có mức độ luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách và phương tiện lớn nhất so với các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt- Lào.

. Theo báo Kon Tum

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bảo tồn giá trị văn hóa làng, buôn truyền thống Tây Nguyên  (21/09/2005)
Hang Đá Nhà - Núi Giòn  (21/09/2005)
Cuộc chuyển giao công nghệ… bảo tồn  (20/09/2005)
Măng Đen - "Đà Lạt của Kon Tum"  (19/09/2005)
Tà Cú - độc đáo cụm di tích, khu bảo tồn hoang dã  (18/09/2005)
Núi thiêng Đại Huệ  (16/09/2005)
Viết tiếp huyền thoại Trường Sơn  (15/09/2005)
Đi Khe Hai tắm biển  (14/09/2005)
Chùa Thiên Mụ - một danh lam thắng cảnh của Thừa Thiên - Huế  (14/09/2005)
Thành lập Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y  (13/09/2005)
Hòn Tằm, dải lụa xanh trên vịnh Nha Trang  (12/09/2005)
Nhà ngục Đắk Mil: Một "Địa chỉ đỏ"  (11/09/2005)
Hơn 850 tỉ đồng xây dựng các công trình thủy điện ở miền Trung  (09/09/2005)
Một ngày trên đỉnh Đèo Ngang  (08/09/2005)
Khám phá Bạch Hồ, đồi Trinh Nữ  (07/09/2005)