Bạn đã bao giờ "một mình một ngựa" đi dọc Trường Sơn? Vậy thì xin mời, chỉ cần một "con ngựa chiến", bộ dụng cụ vá lốp xe thông thường, chiếc máy ảnh và ít vật dụng cá nhân, chúng ta lên đường!
Cần xuất phát từ thị trấn Chơn Thành (Bình Phước) vì đường nhựa từ đây ra đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị) đã tương đối tốt. Rời Bình Phước là sang địa phận Đăk Nông với những đồi thông chập chùng, không khí se lạnh và những phố núi quanh co, tràn ngập sắc dã quỳ.
Đêm Gia Nghĩa mát lạnh, lẩu bò, cháo gà là hai món thường trực phục vụ khách đường xa. Lẩu ở đây dùng toàn dụm và gân, tủy bò. Khi ăn, thực khách rất thích thú trước mớ rau diếp, cải bẹ xanh non tươi nhúng kèm, chấm chao sa tế. Giá cả ở Gia Nghĩa không đắt, một phòng nghỉ trung bình chỉ từ 80.000 - 150.000 đồng/đêm.
Đến với Đắk Lắk là phải thăm bảo tàng các dân tộc, ghé khu du lịch Buôn Đôn, du thuyền độc mộc trên hồ Lăk và đi qua cầu treo sông Sêrêpôk kỳ vĩ. Đêm Bôn Ma Thuột, thưởng thức ly cà phê nóng, thả hồn theo làn khói sương lãng đãng hay nhâm nhi chút thịt trừng, rượu cần cho thấm thía chất rừng núi. Cũng cần nói thêm, rượu cần hiện nay chỉ là loại "hàng chợ" vài chục nghìn đồng. Có xe gắn máy, tại sao bạn không hành quân vào buôn Ea Nho, xã Chư Kbô, huyện Krông Buk, ghé nhà H'Lai Nei (Hội trưởng phụ nữ buôn, người Ê Đê) để mua một chóe Pa, chóe Tuk rượu cần nấu bằng gạo tẻ, đằm thơm và say nồng rồi nghe già A Ma Công kể chuyện săn bắt voi rừng bằng thừng da trâu.
Phố núi Pleiku chào đón chúng ta bằng những con đường uốn lượn mù sương vào sáng sớm hay đêm khuya, lại chói chang nắng vào đúng ngọ. Pleiku đẹp mê hồn nếu nhìn từ đỉnh núi Hàm Rồng xuống, nơi đó có những cô em má đỏ môi hồng, đều là người có xuất xứ từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Trị… lên đây sinh sống. Con đường mang tên anh hùng Wừu có vô số quán cà phê sân vườn, đối diện là giáo đường trầm tư cổ kính.
Ai đó từng yêu một người con gái Pleiku, ra đường Wừu ngồi bên ly cà phê, nghe nhạc Trịnh Công Sơn hòa trong tiếng chuông giáo đường chiều chủ nhật, là có thể… trở thành nhà thơ! Ẩm thực ở Pleiku không có đặc thù, nó là sự pha lẫn những đặc sản của miền Nam, xứ Quảng và hương vị sơn cước. Vậy ai đến Pleiku, cũng nên dùng qua đĩa cơm gà trên đường Hai Bà Trưng.
Thị xã Kon Tum cách TP Pleiku khoảng 50 km về hướng Bắc. Điểm tham quan nên đến là Nhà thờ gỗ do người Pháp xây dựng, đó là một tuyệt tác kết hợp giữa thiên nhiên (gỗ quý) và nhân tạo (bàn tay con người). Bằng xe gắn máy, có thể dong xe vào tận làng đồng bào Giẻ Triêng, Xê Đăng, uống rượu cần ủ bằng sắn (khoai mì), lên men bằng lá rừng và so sánh sự khác nhau giữa nhà rông, nhà dài, nhà gươl của các dân tộc Trường Sơn.
Bắt đầu từ đây, chúng ta bước vào đoạn đường đẹp và gian khó nhất. Hàng chục kilômet đường rừng không một bóng người. Đèo Lò Xo xuyên vườn quốc gia Ngọc Linh thật hùng vĩ. Cứ cong qua, quẹo lại như làm xiếc khiến người điều khiển xe máy cũng phải lượn lờ rã rời đôi tay. Thi thoảng, một chú heo rừng đen trũi, mõm dài sọc chạy vụt qua.
Từ đường Trường Sơn, đoạn từ Tây Nguyên sang miền Trung mất gần 1 ngày đường. Khí hậu cũng thay đổi bất ngờ từ cái nắng nung lửa ở Charlie sang mưa rừng thúi đất ở Phước Sơn. Thị trấn Khâm Đức của Phước Sơn chỉ có vài nhà trọ nhỏ xíu, khách có thể nghỉ lại một đêm để sáng mai đi thăm vùng sâm Ngọc Linh quý hiếm (ngược đèo Lò Xo) và nghe người bản địa thuật lại những huyền thoại "ngậm ngải tìm trầm".
. Theo Báo Du lịch |