Suối nước nóng thiên nhiên Đam Rông
11:7', 30/9/ 2005 (GMT+7)

Nằm ở địa bàn xã Đam Rông, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt chừng 70km về hướng đông bắc, suối nước nóng thiên nhiên Đam Rông - một điểm du lịch sinh thái và chữa bệnh hấp dẫn ở xứ sở sương mù đầy quyến rũ.

Khu vực này được bao quanh bởi rừng cây tự nhiên lẫn nhân tạo khá đa dạng chủng loại và có một hệ thống đá bàn, đá phiến đan xen. Dòng nước nóng bắt nguồn từ dưới lòng đất phun trào với nhiệt độ trung bình khoảng từ 40 - 45 độ C, nồng độ lưu huỳnh cao hơn suối nước nóng ở nhiều vùng khác nên chữa các bệnh ngoài da, thấp khớp, cao huyết áp, rối loạn tim mạch rất hiệu nghiệm.

Đã 5 năm, từ ngày suối nước nóng được đưa vào sử dụng, luôn tập trung đông du khách, thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình và thơ mộng nơi đây.

Còn gì thú vị hơn, giữa đại ngàn tràn ngập tiếng chim rừng, du khách ngồi tựa vách đá ngả lưng đón dòng nước ấm áp phảng phất mùi khoáng chất thiên nhiên ban tặng, tưởng chừng lạc vào chốn thiên cung huyền ảo.

Sau khoảng 15 phút để làn nước tự chảy nhẹ nhàng qua làn da, du khách hãy đi bộ vài trăm mét là gặp ngay dòng suối mát trong vắt, uốn quanh muôn vàn viên đá trắng để ngâm mình thư giãn, cảm giác như đang gột sạch bụi trần, quên đi bao phiền muộn.

Cơ cấu dân cư Đam Rông có hơn 90% thuộc đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, là cái nôi nuôi dưỡng, kế tục một chuỗi lễ hội văn hóa phi vật thể truyền thống lâu đời, như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, hội cồng chiêng...

Điển hình nhất là lễ cúng mừng gặt lúa (Mơ nhum hơma) nhằm tỏ lòng tạ ơn Yàng (ông Trời) đã ban cho dân bản một năm mưa thuận gió hòa, cây lúa mẩy bông, cây bắp chắc hạt. Đảm nhiệm phần chính nghi lễ là thầy cúng (Yuh) lấy nước đầu của từng chóe rượu chia cho các thành viên dự lễ theo thứ tự già làng tới chủ nhà, sau đó là những người khác.

Thầy cúng tiếp tục cắt cổ gà lấy huyết trộn với bột nghệ và nước cháo, dùng que vẩy thứ nước đó lên đống lúa, lên Trời, xuống ruộng, đồng thời đọc bài chú khấn tạ ơn Yàng, xong ra hiệu giàn cồng, chiêng, kèn, trống nổi lên theo vũ điệu Tamnha (Araja).

Tại lễ hội, trai làng khỏe mạnh nhất được chọn từ các buôn thi đấu vật trước sự cổ vũ nồng nhiệt của mọi người, thể hiện tinh thần thượng võ và rèn luyện thân thể để chinh phục thiên tai, thú dữ.

Nếu gặp dịp lễ hội truyền thống, du khách tha hồ tìm hiểu phong tục tập quán của người dân bản địa vốn giàu lòng hiếu khách, hòa nhập sinh hoạt múa hát thâu đêm bên ánh lửa trại, thưởng thức các món ăn dân dã như canh măng le tươi nấu gà giò, uống rượu cần thứ thiệt, thật tuyệt vời.

Một ngày không xa, suối nước nóng Đam Rông sẽ là điểm du lịch sinh thái - chữa bệnh liên hoàn, hấp dẫn du khách khắp mọi miền về dừng chân tham quan, nghỉ dưỡng.

. Theo Tuổi Trẻ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về bãi biển Cửa Tùng  (29/09/2005)
Hồ Ya Ly - Một thắng cảnh kỳ vĩ của núi rừng Pleiku  (28/09/2005)
Tháp Bà Pô Nagar  (27/09/2005)
Chinh phục phố núi bằng xe máy  (26/09/2005)
Đại dương trong một con tàu  (25/09/2005)
Thưởng thức biển đêm Nha Trang  (23/09/2005)
Khai thông cửa khẩu Quốc tế Bờ Y - Đích đến đã gần  (22/09/2005)
Bảo tồn giá trị văn hóa làng, buôn truyền thống Tây Nguyên  (21/09/2005)
Hang Đá Nhà - Núi Giòn  (21/09/2005)
Cuộc chuyển giao công nghệ… bảo tồn  (20/09/2005)
Măng Đen - "Đà Lạt của Kon Tum"  (19/09/2005)
Tà Cú - độc đáo cụm di tích, khu bảo tồn hoang dã  (18/09/2005)
Núi thiêng Đại Huệ  (16/09/2005)
Viết tiếp huyền thoại Trường Sơn  (15/09/2005)
Đi Khe Hai tắm biển  (14/09/2005)