Đất vẫn đỏ trong lòng địa đạo
8:20', 6/1/ 2006 (GMT+7)

Địa đạo Vịnh Mốc - nơi che chở cho quân và dân Vĩnh Linh - Quảng Trị trong những năm tháng kháng chiến cực kỳ gian khổ giờ đây đã trở thành một di tích lịch sử nổi tiếng mà bất cứ ai có dịp ghé qua vùng đất lửa, nơi tuyến đầu đánh Mỹ, cũng phải tìm đến để chiêm ngưỡng.

Chiến tranh đã lùi về dĩ vãng hơn nửa thế kỷ, Vịnh Mốc vẫn ngời sáng như một bài ca bất tử về lòng dũng cảm, sự thông minh, sáng tạo, sự chịu đựng gian khổ đến không thể ngờ của quân và dân vùng giới tuyến.

 

Du khách nước ngoài tại địa đạo Vịnh Mốc (ảnh: Tuổi Trẻ)

 

Chúng tôi xuống lòng địa đạo Vịnh Mốc trong bóng tối lờ mờ của những ngọn đèn nhỏ hắt ra từ những khúc ngoặt của đường hầm. Thật xúc động khi đứng trước những căn hộ gia đình được khoét sâu trong lòng địa đạo với những bức tượng mô phỏng giống y như thật cuộc sống sinh hoạt hàng ngày trong cuộc chiến tranh thần kỳ.

Địa đạo sau cơn mưa rất ẩm ướt, từng vệ đất đỏ bazan bám vào áo quần tôi đỏ bầm như máu. Đã bao năm rồi địa đạo không còn vương mùi khói súng, quả đồi đất mẹ - nơi ôm ấp những vòng địa đạo không còn phải chịu những cơn đau đớn banh da, xẻ thịt của bom khoan, bom tấn, bom hơi… nhưng lòng đất dường như vẫn giữ nguyên tình yêu đất nước sắt son, màu máu của những người con đã dũng cảm hy sinh để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

Khi đế quốc Mỹ âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta đã tiến hành ở Vĩnh Linh một cuộc hủy diệt man rợ và tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh thế giới. Ở đây mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu và nước mắt bởi bom đạn đau thương. Tính trung bình mỗi người dân Vĩnh Linh phải hứng chịu 7 tấn bom và 800 quả đại bác. Chỉ riêng ở Vịnh Mốc một vùng quê nhỏ bé, diện tích chưa đầy 1 km2 và chỉ với 300 dân và 82 nóc nhà, mà phải hứng chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ của 1.003 trận oanh kích rải thảm, đó là chưa kể những đợt pháo kích liên hồi kỳ trận từ bờ nam sang, từ Cồn Tiên, Dốc Miếu…

Đó là những con số khủng khiếp mà loài người không thể nào tưởng tượng nổi. Đến giữa năm 1965, Vịnh Mốc đã trở thành vùng trắng hoàn toàn, không một sinh linh nào có thể tồn tại trên mặt đất. Nhưng kỳ lạ thay sự sống vẫn tiếp tục hồi sinh từ trong lòng đất, rạo rực, thì thầm như những mầm xuân không bao giờ tàn lụi…

Địa đạo Vịnh Mốc ăn sâu vào lòng đất theo những đôi tay đêm ngày không nghỉ của quân và dân Vĩnh Linh. Một làng quê thu nhỏ được hình thành trong lòng đất mẹ. Không giết được sự sống Vịnh Mốc bằng các loại vũ khí thông thường, đế quốc Mỹ sử dụng bom khoan phóng sâu vào lòng đất quyết phá cho được hệ thống địa đạo, nhưng bom nào có thể khoan được lòng dũng cảm, ý chí kiên cường của quân và dân đất lửa.

Bom cắm đến đâu, địa đạo lại dời sâu đến đó và ngôi làng trong lòng đất giờ có nơi sâu nhất đến hơn 30 m, chạy ngoằn ngoèo trong hệ thống đường hầm dài hơn 2.000 m liên thông với nhau theo kiểu đường dích dắc…

Địa đạo được cấu thành 3 tầng: tầng 1 là nơi sinh sống của nhân dân - nơi sau những buổi quần nhau với giặc, người chiến sĩ được về tổ ấm lắng nghe tiếng con ê a học bài và tiếng hát của người vợ trẻ trong khi khâu áo… cuộc sống thật bình yên. Tầng 2 là nơi đóng trụ sở của Đảng ủy - Ủy ban và các ban chỉ huy lực lượng vũ trang. Tầng 3 là kho hậu cần chủ yếu để tiếp viện cho đảo Cồn Cỏ và miền Nam.

Trong địa đạo vẫn còn ba giếng nước ngọt lành, đến tận bây giờ nước vẫn trong vắt đã cung cấp sự sống cho cả làng địa đạo. Rồi cả cái bệnh xá, phòng hộ sinh - nơi mấy chục đứa trẻ đã chào đời trong tiếng bom rơi, đạn nổ cũng làm cho lòng tôi xao động. Cả lòng địa đạo chỉ có nơi đây là thoáng nhất bởi có một cửa hầm lớn thông ra biển quanh năm suốt tháng vẳng nghe tiếng chim hót, tiếng gió reo vui và tiếng thì thầm của sóng biển…

Chiến tranh có khốc liệt tới đâu, dù tất cả người dân Vịnh Mốc phải ở sâu tận cuối đường hầm, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu dưỡng khi… nhưng bất cứ đứa trẻ nào mới sinh ra đều phải được cất tiếng khóc trong ánh mặt trời.

Có ở đâu như trên mảnh đất này, máu cứ đổ bom cứ rơi, mặt đất bời bời vết đạn, đến cỏ cây cũng không sống nổi, nhưng dưới lòng đất sự sống vẫn trường tồn. Những em bé thơ ngây vẫn ngủ bình yên dưới những chao nôi, ôm ấp những giấc mơ ngọt ngào… ngoài kia biển vẫn hát và mặt trời vẫn bừng sáng mỗi ban mai.

Ra đến biển, tôi vươn người hít căng lồng ngực không khí ngầy ngật mùi sóng. Gió vẫn thổi nồng nàn xa tít. Địa đạo giờ đã ở trên cao, những cánh cửa thông ra biển bị những lùm cúc dại cao nghều khe khuất.

Vợ chồng chị Naoya (người Nhật) đến Việt Nam nghiên cứu về di chứng chất độc màu da cam. Họ đã tìm đến Vĩnh Linh vì biết nơi đây là tâm điểm của thứ chất độc điôxin, chứng kiến thế hệ thứ 3 của người Việt Nam vẫn phải mang theo mầm độc mà đau xé lòng. Bây giờ được tận mắt nhìn thấy hàng trăm loại bom đạn Mỹ đã rót trên mảnh đất này, được đi đến tận cùng của lòng địa đạo, họ càng khâm phục ý chí và lòng dũng cảm của người Việt Nam nói chung, người vùng đất Vịnh Mốc - Quảng Trị nói riêng.

Làm sao có thể kể hết được sự vĩ đại của địa đạo Vịnh Mốc. Chỉ xin nêu phần đánh giá sâu sắc của những nhà nghiên cứu về địa đạo: Địa đạo Vịnh Mốc giống như một tòa lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín biết bao điều kỳ lạ của con người đã làm ra nó và của thời đại mà nó sinh ra… Không chỉ hôm nay mà mãi mãi về sau đất vẫn đỏ trong lòng địa đạo.

. Theo Báo Công an Đà Nẵng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Êm dịu Bà Nà  (05/01/2006)
Đến Phú Yên ghé thăm gành Đá Đĩa  (04/01/2006)
Thác Hang Cọp (Đà Lạt) - sinh động và huyền bí  (01/01/2006)
Bình Thuận - Điểm du lịch giàu tiềm năng  (30/12/2005)
Thành cổ Quảng Trị - Di tích chiến tranh kiêu hùng  (29/12/2005)
Đà Nẵng - bước trưởng thành không đợi tuổi  (28/12/2005)
Làng biển Xuân Đừng  (27/12/2005)
Xanh biếc hồ Tuyền Lâm  (26/12/2005)
Đắk Nông: Hơn 4.000 hộ có nhà mới đón Giáng sinh  (26/12/2005)
Miền Trung trước hiểm họa triều cường  (25/12/2005)
Trái bầu nước trong cuộc sống của người Mnông  (23/12/2005)
Du ngoạn trên dòng sông Lam, xứ Nghệ  (22/12/2005)
Trên quê hương di sản  (21/12/2005)
KKT Chân Mây - Lăng Cô: Cơ hội mới của Thừa Thiên Huế  (20/12/2005)
Qua đèo Ngang nhớ câu thơ xưa  (19/12/2005)