Nơi mùa xuân làm tổ
8:34', 8/1/ 2006 (GMT+7)

Biết tôi có ý định tìm hiểu về loài chim én để viết bài, ông Trương Nguyên, 80 tuổi ở xóm Ghe, bên tả ngạn sông Trà - Quảng Ngãi - mách nước: "Đến chân núi Thiên Ấn, ghé bất cứ nhà nào cũng có thể gặp én. Dân ở đây đặt tên cho xóm quê này là "nơi mùa xuân làm tổ" đấy!".

 

Mẹ và các con (ảnh: TĐ)

 

Quả đúng như ông Nguyên nói, qua cầu Trà Khúc rẽ phải một quãng, đã thấy lác đác trên những ngôi nhà ngói cũ kỹ ấy thấp thoáng những cánh én chao lượn. Đến chân Thiên Ấn, mức độ "lượn" của loài chim này càng dày hơn. Cũng theo cụ Nguyên: "Nó đi đâu biệt tăm từ hôm tháng 5 tháng 6, nay mới trở lại. Hễ nghe âm thanh ríu rít ấy của loài chim là biết Tết sắp đến nơi rồi". Vẫn lời cụ Nguyên: "Tôi sống ở đây gần hết một đời nhưng chưa thấy có loài chim nào thủy chung với Tết như chim én. Nhìn thấy nó là vui. Không hẳn vui vì sắp được ăn Tết mà vui vì những người sống ven sông Trà như tôi đã "trút" được một mối lo về lũ lụt trong năm!". Loài chim én không chỉ kéo cả mùa xuân về lại mà còn xua đi những mối bất an cho những cư dân vùng lũ nữa.

Sứ giả của điềm lành

Thời gian gần đây, loài én đột ngột biến mất ở nhiều vùng quê. Không còn nhìn thấy én, mùa xuân vẫn cứ về, song hình như trong thời khắc giao hòa của đất trời giữa năm cũ và năm mới, nhiều người không còn nghe những âm thanh quen thuộc gọi bầy của loài chim vẫn thường mang "điềm lành" ấy nữa. Tôi đem thắc mắc ấy hỏi cụ Nguyên, cụ hỏi lại: "Cậu biết vì sao không?", rồi trả lời luôn: "Mỗi năm con người vãi ra ruộng đồng hàng bao nhiêu tấn thuốc trừ sâu, diệt cỏ nên không còn các loài sâu, bướm - loại thức ăn quen thuộc của loài én, nên chúng bỏ ta mà đi. Cũng may là trên vùng quê này, vẫn còn một nơi để chúng trở lại".

Vùng quê ấy là xóm Ghe, còn có tên gọi mới là "xóm Én". Người dân nơi đây chủ yếu làm nghề đãi sạn nên loài én đã nhận ra vùng đất này không phải là mối hiểm họa như bao vùng quê khác chăng? Và, chúng đã thực sự mang "điềm lành" ấy đến cho trên 300 cư dân đang sống dọc vùng sông Trà này.

Gọi cả mùa xuân

Không ai ở "xóm Én" biết được loài chim này đã đi biệt tích những đâu suốt 6-7 tháng trời. Họ chỉ biết rằng khi nghe tiếng líu lo là biết chúng trở về và bắt đầu xây tổ, là biết chúng gọi mùa xuân về lại. Hết một mùa đông mà không nghe được tiếng ríu ran gọi bầy quen thuộc ấy thì cũng đồng nghĩa với việc mùa xuân không trở lại.

 

Chờ (ảnh: TĐ)

 

Không ít người dân "xóm Én" đã nhận ra bao lần mình bị thất lỡ với loài chim chung thủy này. Ấy là khi, vô tình hay hữu ý, chính họ đã ruồng rẫy sự thủy chung đó. Anh Lê Sanh, người "xóm Én", có nhà xây từ năm 1974, nói: "Hơn 30 năm qua, chỉ có một năm là loài én không về làm tổ nhà tôi. Cha tôi gần như mất ăn mất ngủ về hiện tượng này. Hỏi ra mới biết, mùa xuân năm trước, nhân lúc chúng tôi đi vắng, trẻ con đã bắt sạch đám chim non! Chim én đã nhận ra sự bội bạc của con người nên không về nữa. Cha tôi cho rằng, việc chim én không về là báo hiệu những tai ương cho gia đình. Cả nhà nghĩ đủ cách để làm sao cho chim trở lại. Chúng tôi đã cạo sạch dấu vết của tổ cũ và quét vôi lại toàn bộ ngôi nhà. Tháng Chạp năm đó, cả nhà hồi hộp đợi én về như thể đợi phút giao thừa vậy. Và én đã về xây tổ".

Anh Sanh kết luận: "Sự chung thủy chỉ tồn tại khi mình dang rộng tay đón nó mà thôi". Loài én đã trở thành một phần đời buồn vui của con người. Nhiều cụ ông có thể ngồi hàng giờ chỉ để xem cái cách làm tổ của loài chim này.

Cụ Nên, một lão nông ven sông Trà nói về "kỳ công" của loài én: Trong hàng chục con lượn quanh các ngôi nhà ngói ấy, thế nào cũng có một con đầu đàn, chuyên làm nhiệm vụ chọn chỗ xây tổ. Khi đã chọn xong, nó sà vào nơi định xây, lượn một vòng như thể "đánh dấu" vị trí. Nơi đó thường là dưới mép của máng xối (chỗ thoát nước ở phần đuôi mái ngói) trước hiên nhà. Đây là nơi an toàn nhất, ở vị trí rất "hiểm trở" nên mèo, chuột không thể nào trèo đến để chọc phá tổ hoặc bắt chim non. Đấy cũng là lý do vì sao loài én chỉ chọn những ngôi nhà khang trang để làm tổ chứ không chọn nhà vách đất.

Chọn xong vị trí, chúng gọi cả bầy vài ba chục con đi tha đất bùn về xây tổ. Không giống với các loài chim khác, tổ thường được xây do một đôi "uyên ương", loài én xây tổ bằng "tập thể". Tính bầy đàn trong "xây dựng" của chim én không có loài chim nào sánh bằng. Vật liệu làm tổ cũng không giống loài chim khác. Nguyên liệu là đất bùn nhưng là loại bùn nhuyễn, mịn, rất giống với tổ tò vò. Khi én xây tổ cũng là lúc đồng ruộng bước vào thời kỳ làm đất, chuẩn bị cho vụ đông xuân ở miền Trung. Điều này cũng cắt nghĩa vì sao đến khi xong mùa lũ, chim én mới trở lại.

Tổ én trông như một nửa chiếc bát được đính vào tường. Quan sát từng chi tiết của tổ én sẽ thấy sự kỳ công của loài chim này. Mỗi tổ én cân nặng khoảng gần một kg đất bùn. Một con chỉ tha được một mẩu bằng hạt cơm trong một lần. Nếu không có tính bầy đàn thì khó có thể hoàn thành được một chiếc tổ trong thời gian một tuần. Bùn được gắn kết bằng một chất "keo" do chính con én nhả ra. Chất keo ấy làm nên sự chắc chắn của tổ chim. Xây xong tổ, chim mái đi tha về một ít rác bằng rễ cây rất mảnh cùng nhiều lông chim. Có lẽ đây là "phần đệm" được lót dưới tổ vì sợ vỡ trứng. Chúng canh thế nào mà sau một tuần xây tổ là chim mái đẻ ngay. Mỗi tổ từ 3 đến 4 trứng. Khoảng vài mươi hôm là đã nghe từ trong những "chiếc bát" lơ lửng kia, tiếng kêu "chíp chíp" của chim non. Chừng một tháng sau, chim non bắt đầu rời tổ.

Khi chuẩn bị "ra ràng", một lần nữa, tính bầy đàn của loài én lại phát huy. Chúng gọi cả chục con én khác về để cùng "tập bay" cho con. Lưng của các én mẹ là "bãi đậu" cho én con nếu chúng đuối sức. Mỗi ngày chúng tập vài ba bận, mỗi bận chừng 5-7 mét, tập đến lúc én con có thể bay một mình.

Khi én con đã bay được một mình thì đó cũng là lúc "đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông". Mùa sinh sản của loài chim én khép lại bằng những tiếng ríu ran gọi bầy. Cụ Nên nói: "Bằng những âm thanh vui nhộn ấy, loài chim đã gửi đến chúng ta một lời chào. Và hơn cả lời chào là một lời hẹn ước cho mùa xuân tới".

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đất vẫn đỏ trong lòng địa đạo  (06/01/2006)
Êm dịu Bà Nà  (05/01/2006)
Đến Phú Yên ghé thăm gành Đá Đĩa  (04/01/2006)
Thác Hang Cọp (Đà Lạt) - sinh động và huyền bí  (01/01/2006)
Bình Thuận - Điểm du lịch giàu tiềm năng  (30/12/2005)
Thành cổ Quảng Trị - Di tích chiến tranh kiêu hùng  (29/12/2005)
Đà Nẵng - bước trưởng thành không đợi tuổi  (28/12/2005)
Làng biển Xuân Đừng  (27/12/2005)
Xanh biếc hồ Tuyền Lâm  (26/12/2005)
Đắk Nông: Hơn 4.000 hộ có nhà mới đón Giáng sinh  (26/12/2005)
Miền Trung trước hiểm họa triều cường  (25/12/2005)
Trái bầu nước trong cuộc sống của người Mnông  (23/12/2005)
Du ngoạn trên dòng sông Lam, xứ Nghệ  (22/12/2005)
Trên quê hương di sản  (21/12/2005)
KKT Chân Mây - Lăng Cô: Cơ hội mới của Thừa Thiên Huế  (20/12/2005)