Vận hội của Quảng Ngãi
8:34', 9/1/ 2006 (GMT+7)

Quảng Ngãi nằm giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai trung tâm chính trị và kinh tế lớn nhất của đất nước. Theo một góc nhìn nhất định thì đúng là Quảng Ngãi ở vào một địa thế bất lợi trong việc giao lưu kinh tế với hai trung tâm ấy. Điều này thấy rõ trong quy mô đầu tư của người nước ngoài trong những năm trước đây.

Tuy nhiên với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước theo tinh thần quyết tâm đưa cuộc sống của các vùng miền trong nước lên một mặt bằng tương đối với nhau thì địa thế Quảng Ngãi lại có ưu điểm lớn là có thể phát triển như một vùng trung gian tiếp nhận được ảnh hưởng và sự hỗ trợ của hai đầu đất nước một cách cân bằng, không quá gần một trong hai trung tâm ấy để bị ảnh hưởng, lệ thuộc như một trung tâm vệ tinh.

Những năm gần đây, GDP của Quảng Ngãi tăng bình quân hàng năm 10,3%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 325 USD. Trong thời gian 5 năm tới (2006-2010), về kinh tế, Quảng Ngãi phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP từ 17-18%, GDP/người năm 2010 đạt 950-1.000 USD; tập trung thúc đẩy sự phát triển Khu Kinh tế Dung Quất; tiếp tục đầu tư phát triển KCN Tịnh Phong và Quảng Phú; hình thành, phát triển KCN Phổ Phong, các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương; đồng thời quy hoạch, đầu tư mở rộng quy mô thành phố Quảng Ngãi về phía bắc sông Trà Khúc để tiếp tục phát triển thành thành phố loại II.

Cùng với quá trình phát triển Khu Kinh tế Dung Quất, triển khai việc hình thành thành phố Vạn Tường theo hướng thành phố công nghiệp, dịch vụ và du lịch hiện đại ở miền Trung. Đầu tư phát triển thị trấn Đức Phổ theo hướng trở thành thị xã thuộc tỉnh…

Trong toàn bộ kế hoạch đa dạng ấy thì nhiệm vụ phục vụ xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Dung Quất là nhiệm vụ số 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, là vận hội của Quảng Ngãi trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

Hiện nay với giai đoạn khởi đầu xây dựng các nhà máy chủ chốt (2006-2010), Quảng Ngãi sẽ phải tiếp nhận khoảng 800 chuyên gia và 25 ngàn lao động các loại. Vốn đầu tư ở giai đoạn này là 2,5 tỉ USD, trong đó sử dụng cho mọi loại dịch vụ sinh hoạt tại tỉnh là khoảng 6.000 tỉ đồng.

Làm thế nào để tiếp nhận được nguồn lực ấy? Một trong những biện pháp để chuyển hóa khoản tiền khổng lồ ấy theo kế hoạch dự kiến là phát triển vành đai nông nghiệp phục vụ Khu Kinh tế Dung Quất, trong đó cần chú trọng tạo vùng rau an toàn và khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung với quy mô lớn để cung cấp đầy đủ thịt bò và thịt heo tươi sống cho Dung Quất và các khu công nghiệp khác.

Một biện pháp quan trọng khác là tập trung đầu tư và thu hút đầu tư để sớm khai thác có hiệu quả các khu du lịch trọng điểm: Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Khe Hai,Vạn Tường, Cà Đam, hồ Nước Trong… Tạo môi trường hấp dẫn thu hút khách du lịch bằng việc phát triển số lượng và chất lượng các cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch để đến năm 2020 có thể đón khoảng 45 ngàn khách quốc tế và trên 320 ngàn khách trong nước.

Những phương hướng triển khai trên là rất quan trọng, nhưng còn một khâu nữa vô cùng thiết yếu cho việc triển khai có hiệu quả Khu Kinh tế Dung Quất là con người, vấn đề nhân lực: Cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân kỹ thuật có trình độ.

Kế hoạch dự kiến của tỉnh là sớm hoàn thành việc xây dựng giai đoạn 1 Trường Đại học Phạm Văn Đồng, nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất các trường chuyên nghiệp, củng cố mở rộng và hình thành mới các trường, trung tâm dạy nghề và tư vấn việc làm nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Trong giai đoạn đầu hiện nay sẽ có hiện tượng cán bộ và công nhân kỹ thuật ào ạt đến từ nhiều phía và tất nhiên về lâu dài sau này một số sẽ lập gia đình và dần dần hoà nhập vào dân số địa phương. Cho nên tỉnh nên có chính sách đem lại nguồn lợi được quyền lao động cho con em tỉnh nhà.

Ngoài ra, trong xu thế luân chuyển tự nhiên của cuộc sống, một khi đã có kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật, các cán bộ chuyên môn giỏi thường có xu hướng chuyển đến các trung tâm đô thị lớn là những nơi có lực thu hút chấm xám mạnh. Cho nên Quảng Ngãi cũng cần có những chính sách đãi ngộ thích đáng đối với họ.

Tuy nhiên hiện tượng này sẽ mất đi một khi Dung Quất thật sự trở thành một trung tâm công nghệ, kinh tế mạnh của miền Trung cũng như của toàn quốc.

Người Quảng Ngãi trong cách mạng đã có Ba Tơ lịch sử đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Đó là một chiến công cách mạng cho tự mình và cho dân tộc. Ngày nay Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước sẽ toàn tâm, toàn lực biến vận hội hiện nay thành động lực phát triển, góp phần vào sự phồn vinh của dân tộc nói chung và đặc biệt thành sự phồn vinh cho tự mình nói riêng. Đây đúng là một vận hội tuyệt vời và lâu bền đang chờ đợi Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi.

. Theo báo Quảng Ngãi

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nơi mùa xuân làm tổ   (08/01/2006)
Đất vẫn đỏ trong lòng địa đạo  (06/01/2006)
Êm dịu Bà Nà  (05/01/2006)
Đến Phú Yên ghé thăm gành Đá Đĩa  (04/01/2006)
Thác Hang Cọp (Đà Lạt) - sinh động và huyền bí  (01/01/2006)
Bình Thuận - Điểm du lịch giàu tiềm năng  (30/12/2005)
Thành cổ Quảng Trị - Di tích chiến tranh kiêu hùng  (29/12/2005)
Đà Nẵng - bước trưởng thành không đợi tuổi  (28/12/2005)
Làng biển Xuân Đừng  (27/12/2005)
Xanh biếc hồ Tuyền Lâm  (26/12/2005)
Đắk Nông: Hơn 4.000 hộ có nhà mới đón Giáng sinh  (26/12/2005)
Miền Trung trước hiểm họa triều cường  (25/12/2005)
Trái bầu nước trong cuộc sống của người Mnông  (23/12/2005)
Du ngoạn trên dòng sông Lam, xứ Nghệ  (22/12/2005)
Trên quê hương di sản  (21/12/2005)