Đèo Cả mù sương
8:57', 12/1/ 2006 (GMT+7)

Với chiều dài chừng 10 kilomet, nhiều đoạn bám lượn quanh co trên vách biển Vũng Rô, Đèo Cả không hùng vĩ như Đèo Hải Vân. Tuy nhiên, những gì mà thiên thiên và lịch sử phô bày ở quần sơn Đèo Cả khiến có thể coi đây là "Đệ nhất hùng sơn" trên con đường thiên lý Bắc Nam.

Vùng núi Đèo Cả - tên chữ là Đại Lãnh - là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là một khối đá hoa cương khổng lồ có diện tích chừng 20 ngàn hecta, tạo ra một quần sơn với nhiều đỉnh cao từ 570 đến 2051m, riêng đỉnh Đèo Cả cao 407m.

 

Toàn cảnh bãi chính - bến Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Tuy Hòa, Phú Yên) nơi cập bến ngày xưa của các con tàu không số - Ảnh tư liệu (Tuổi Trẻ)

 

Núi Đá Bia, cao 706m, là một trong số nhiều đỉnh cao của quần sơn Đại Lãnh, nằm ở phía bắc Đèo Cả. Cái làm cho ngọn núi này trở thành linh sơn (núi thiêng) chính là một khối đá cao lớn, cách xa cả chục kilomet vẫn nhìn rõ, nhô cao trên đỉnh núi như một chiếc sừng tê giác khổng lồ. Khối đá này được gọi là Đá Bia (Thạch Bi) dựa theo truyền thuyết năm 1471 khi công phá Chiêm Thành, Vua Lê Thánh Tông cho khắc chữ vào khối đá của ngọn núi này. Tuy vậy đời sau chưa ai có cơ may nhìn thấy những chữ khắc trên khối đá. Đến gần, tùy theo góc nhìn mà chiếc sừng tê giác khổng lồ này có những hình dạng rất khác nhau: một tấm bia đá khổng lồ, một con sư tử nằm xuôi theo sườn dốc, một thầy tu đang ngồi thiền hoặc một nhà sư đang xuống núi.

Người Phú Yên còn gọi khối đá là chiếc Linga vĩ đại của tỉnh Phú Yên (Linga: cột đá thiêng hình sinh thực khí nam giới, biểu tượng của thần Siva theo tín ngưỡng Chămpa). Không ít lần Đá Bia bị sét đánh làm cho màu đá càng trắng ra chứ không đổ.

Đã từ nhiều đời nay, người Phú Yên chỉ cần nhìn Đá Bia là có thể dự báo đúng thời tiết: Nếu mây phủ Đá Bia thì chắc chắn trời sẽ mưa. Sườn bắc của khối núi Đèo Cả là sườn hứng mưa, đặc biệt vào mùa chính của gió đông bắc (tập trung từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau). Vào mùa này trung bình cứ 3 ngày thì có đến 2 ngày mưa. Vùng núi Đồng Cọ thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Tuy Hòa có kiểu mưa địa hình rất đặc biệt: đang nắng có thể mưa to ngay được, có khi mưa rách lá chuối đầu làng, nhưng cuối làng vẫn khô ráo. Người địa phương gọi kiểu mưa đặc biệt này là "Mưa Đồng Cọ".

Khi có mưa Đồng Cọ ắt có gió Tu Bông. Tu Bông - tên chữ là Tụ Phong (họng gió) - là một địa điểm phía nam Đèo Cả thuộc huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, đối diện với Đồng Cọ qua một khe núi sâu. Sau khi trút mưa ở Đồng Cọ, gió đông bắc bị ép vào khe núi này, thoát ra Tu Bông thành một loại gió tố rất mạnh. Cây cối Tu Bông có thân cong như cánh cung. Khách bộ hành có thể bị gió xô xuống ruộng.

Chế độ thời tiết lắm mưa nhiều mây đã làm cho khu rừng đặc dụng Bắc Đèo Cả có một hệ thực vật rất đặc biệt. Ngày trước, đây là vùng cung cấp trầm hương và kỳ nam nổi tiếng. Hiện nay vẫn còn một tập đoàn cây quý như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, đặc biệt là cây đát và tuế lá dừa. Cây đát có hạt rất đặc biệt: Khi bóc vỏ, hạt đát cho một cùi trắng trong, dẻo, không thể thiếu trong món chè trái cây nổi tiếng ở Nha Trang.

Tuế lá dừa là một loại cây cảnh đẹp, có thể cao đến 6 mét, mọc dày trên sườn núi, nhất là phía Bắc Đèo Cả. Ngoài ra lau núi cuối năm nở hoa trắng xóa. Trong gió lạnh, những trảng bông lau dập dờn như làn sóng, tạo ra hình ảnh nên thơ của Đèo Cả suốt cả trăm năm qua.

Thực ra tên Đèo Cả mới có từ thời Pháp thuộc, khi quốc lộ 1A được mở. Trước đó, đường thiên lý Bắc Nam là một tuyến đường núi nhỏ hẹp, hiểm trở, khó đi, nằm về phía tây đường Đèo Cả bây giờ, được gọi là đường Gia Long. Khối núi Đại Lãnh hiểm trở đã góp phần làm dừng bước chân nam tiến của Vua Lê Thánh Tông năm 1471. Nhà vua phải lập một tiểu vương quốc ở vùng đất Phú Yên bây giờ gọi tên là nước Hoa Anh, làm vùng đệm giữa Đại Việt và Chiêm Thành để tránh đụng độ quân sự trực tiếp giữa hai nước. Nhưng trên thực tế, quân đội Chiêm Thành do thông thạo những tuyến đường mòn xuyên qua khối núi Đại Lãnh, đã không ít lần đột nhập cướp phá nước Hoa Anh.

Năm 1653, tuân lệnh chúa Nguyễn Phúc Tần, Cai cơ Hùng Lộc tấn quân đến tận Phan Rang, thâu tóm vùng đất Khánh Hòa này nay vào xứ Đàng Trong, chấm dứt vai trò biên giới của vùng núi Đại Lãnh suốt 182 năm không dứt tiếng gươm khua ngựa hí.

Hơn 100 năm sau, địa thế chiến lược của vùng núi Đại Lãnh đã thu hút nhiều cuộc hành quân và giao chiến đẫm máu giữa hai nhà Nguyễn (Tây Sơn và Nguyễn Ánh) trong hơn 3 thập niên nội chiến (1771-1802).

Tháng 1 năm 1947, chỉ 24 ngày sau lệnh toàn quốc kháng chiến, Đèo Cả trở thành chiến trường xung yếu, nơi trung đoàn 80 bộ đội địa phương kịch chiến với giặc Pháp, mở đầu cho hàng loạt trận đánh ác liệt trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này của quân dân Phú Yên và Khánh Hòa. Từ tháng 11-1964 đến tháng 2-1965, 4 chuyến tàu không số chở vũ khí chi viện cho miền Nam đã cập bến Vũng Rô - một vùng biển nước sâu, kín đáo và đẹp như tranh vẽ nằm ngay dưới chân Đèo Cả.

Từng mét vuông ở vùng núi Đèo Cả như nhuộm đỏ máu trong suốt nửa thiên niên kỷ không ngớt giao tranh của lịch sử dựng nước và giữ nước.

Ngày nay, với phong cảnh non xanh nước biếc, Đèo Cả - Vũng Rô - Đá Bia đã trở thành vùng du lịch nổi tiếng trên còn đường thiên lý Bắc Nam. Như thuở nào, Đèo Cả vẫn mù sương như muốn dấu lịch sử bi hùng dưới sắc xanh của tuế là dừa. Tuy nhiên, trong tiếng gào rít của gió Tu Bông, dường như vẫn âm vang lời thơ hào hùng của Hữu Loan những ngày đầu kháng chiến chống Pháp 1946:

"Đèo Cả! Đèo Cả!

Núi cao ngất

Mây trời Ai lao sầu đại dương

Dặm về heo hút

Đá Bia mù sương…".

 

. Theo KH & ĐS

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cổ vật quý chùa Huế  (11/01/2006)
Nhà thờ Gỗ ở Kon Tum  (10/01/2006)
Vận hội của Quảng Ngãi   (09/01/2006)
Nơi mùa xuân làm tổ   (08/01/2006)
Đất vẫn đỏ trong lòng địa đạo  (06/01/2006)
Êm dịu Bà Nà  (05/01/2006)
Đến Phú Yên ghé thăm gành Đá Đĩa  (04/01/2006)
Thác Hang Cọp (Đà Lạt) - sinh động và huyền bí  (01/01/2006)
Bình Thuận - Điểm du lịch giàu tiềm năng  (30/12/2005)
Thành cổ Quảng Trị - Di tích chiến tranh kiêu hùng  (29/12/2005)
Đà Nẵng - bước trưởng thành không đợi tuổi  (28/12/2005)
Làng biển Xuân Đừng  (27/12/2005)
Xanh biếc hồ Tuyền Lâm  (26/12/2005)
Đắk Nông: Hơn 4.000 hộ có nhà mới đón Giáng sinh  (26/12/2005)
Miền Trung trước hiểm họa triều cường  (25/12/2005)