5 năm đầu của thế kỷ XXI, miền Trung đã và đang bước vào trang sử mới bằng những công trình mang dáng dấp thế kỷ - những hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam. Chính từ nơi ấy, sức mạnh của khát vọng, ý chí và nội lực đã hun đúc, đưa hình ảnh xứ sở đất nước Rồng Tiên lên tầm vóc mới.
Hầm đường bộ Hải Vân: Sử thi trên đường xuyên Việt
|
Hầm đường bộ Hải Vân (ảnh: TPO) |
Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với chiều dài 12.182 m, trong đó hệ thống hầm chính dài 6.247m, rộng 11,9m, bán kính vòm 7,5m cùng hầm phụ rộng 4,7m và hệ thống 15 hầm nhánh và 3 hầm thông gió. Tổng nguồn vốn đầu tư lên đến trên 251 triệu USD, vay từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam.
Hầm đường bộ Hải Vân như mốc son chói lọi, được xếp vào top 5 kỷ lục của ngành GT-VT trong 5 năm qua. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công ngày 27-8-2000, đến tận bây giờ, không chỉ những người thợ thi công mà cả người dân miền Trung vẫn không thể nào quên được giây phút thiêng liêng 1 giờ 15 ngày 28-10-2003, khi ê kíp thợ đào hầm hợp cẩn thành công hai nhánh hầm Bắc - Nam tại lý trình 5+ 020 hầm Hải Vân.
Đúng 1 năm sau ngày thông xe kỹ thuật (7-11-2003), một đại lộ thênh thang, tráng lệ xuyên lòng ngọn núi được mệnh danh là "Đệ nhất thiên hạ hùng quan" đã hình thành. Tất cả 6/9 gói thầu chính 1A, 1B, 2A, 2B, 5, 9 về phần xây dựng cơ bản của dự án đã hoàn thành 100% tiến độ, hoàn tất hồ sơ hoàn công, riêng các gói thầu 3,4,8 về lắp đặt và cung cấp thiết bị vận hành, điện chiếu sáng, thiết bị cơ khí hầm thông gió, nhân lực điều hành, bảo dưỡng… cũng đang quyết liệt chạy đua với thời gian "về đích" trước tiến độ.
Vào dịp kỷ niệm 115 năm mừng sinh nhật Bác 19-5-2005 và kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, công trình hầm đường bộ Hải Vân đã chính thức đưa vào khai thác, sử dụng.
Chưa tính đến chuyện tiết kiệm mỗi năm hơn 1.000 tỉ đồng tiêu tốn cho nhiên liệu khi đường đèo thu ngắn thời gian xuống còn chưa đầy 10 phút và khoảng cách hơn 9 km trên tổng số 21 km đường đèo hiểm trở, chỉ riêng việc bảo đảm an toàn, thông suốt cho tuyến đường giao thông huyết mạch cả nước, nhất là trong mùa mưa lũ không thôi đã là một kỳ tích thực sự.
Đặc biệt, hầm Hải Vân còn là nơi gặp gỡ, giao nhau giữa hai trục đường xuyên Việt: QL 1A và nhánh Đông đường Hồ Chí Minh. Đây sẽ là điểm nhấn chiến lược mở rộng quan hệ đối ngoại, giao thương, du lịch giữa miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng và TT-Huế với trục hành lang kinh tế Đông-Tây mà xương sống là các nước tiểu vùng sông Mê Công, Thái Lan, Lào, Myanmar…
Hầm đèo Ngang: Dấu ấn Việt Nam
Sau gần 1 năm khởi công xây dựng, ngày 21-8-2004, Bộ GT-VT tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng hầm đèo Ngang. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chiến lược phát triển KT-XH của 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Nằm trên QL 1A, chắn ngang dãy núi Hoành Sơn, thuộc địa phận giáp ranh 2 huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và Quảng Trạch (Quảng Bình), hầm đường bộ qua đèo Ngang có tổng chiều dài hơn 2,156 km, trong đó, chiều dài hầm chính là 495 m, rộng 11,5m, cao 7,5 m. Tổng vốn đầu tư 150 tỉ đồng do Tổng Cty Xây dựng Sông Đà huy động từ nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng theo phương thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Ngoài hệ thống hầm chính và đường dẫn, tại hai đầu Bắc-Nam của đường hầm còn được xây dựng 2 quảng trường cũng là bãi đậu xe với tổng diện tích hơn 4.000 m2. Chưa bao giờ cán bộ và nhân dân 2 tỉnh lại phấn khởi đến thế. Bởi từ đây đoạn đường đèo gần 10km vốn từng là nỗi ám ảnh, gian truân cho cánh tài xế trên tuyến Bắc - Nam, người bộ hành giờ đã được thay thế bằng con đường hầm mới, đường hoàng, to đẹp. Chính con đường hầm sẽ là gạch nối thuận lợi để 2 địa phương hợp tác mọi mặt, xúc tiến những dự định ấp ủ bấy lâu, vươn lên giàu đẹp ngang tầm với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ấn tượng nhất về hầm đèo Ngang chính là dấu ấn nguồn sức mạnh nội lực Việt Nam. Mọi công đoạn từ khâu thiết kế đến phương thức đầu tư, huy động vốn, thi công đều do Tổng Cty Sông Đà thực hiện. Kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật khoan đào hầm tích lũy từ khi công hầm Hải Vân và cả hành trang 36 km đường hầm thủy điện Hòa Bình, Yaly… đã được đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam áp dụng thành công ngoài mong đợi cho hầm đèo Ngang.
Hầm Đèo Cả: vươn tới một ước mơ
Miền Trung vốn khắc nghiệt, thiên nhiên lại chẳng hào phóng khi kiến tạo địa hình nhiều trắc trở. Đèo Cả dài hơn 12 km nằm chắn ngang QL 1A qua 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa là cửa ải lớn nhất, nguy hiểm nhất còn lại của miền Trung chưa được "thuần phục". Vì thế, giấc mơ một ngày không xa, đèo Cả sẽ có hầm đường bộ như Hải Vân luôn là khát vọng chảy mãi khôn nguôi.
Thấu hiểu được điều đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ GT-VT lập dự án khả thi hầm qua đèo Cả có thể khởi công xây dựng trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, hầm đèo Cả có quy mô dài 4,5 km với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Chính phủ cũng đã đồng ý cho phép dự án hầm đèo Cả là một trong 8 dự án ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài.
Nếu được xây dựng, hầm đèo Cả sẽ hạn chế hiệu quả tai nạn giao thông thảm khốc trên đường đèo cũng như rút ngắn 1/3 lộ trình qua đèo.
Miền Trung đang chuyển động từng ngày. Sức liên kết không gian vùng kinh tế động lực miền Trung - Tây Nguyên sẽ vững chắc, sôi động khi những hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam: Hải Vân, đèo Ngang, đèo Cả được xây dựng, đưa vào sử dụng.
. Theo báo Công an Đà Nẵng |