Con đường mang đến những mùa xuân …
9:59', 17/1/ 2006 (GMT+7)

Mùa xuân 1975, theo đường mòn Hồ Chí Minh, những đoàn quân hừng hực khí thế đã vượt qua dãy Trường Sơn tiến vào cùng nhân dân và bộ đội địa phương giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đường Hồ Chí Minh trở thành con đường mang đến những mùa xuân hoa bình, độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Hơn 30 năm đã trôi qua, một con đường Hồ Chí Minh mới đã lại hình thành trên nền con đường cũ huyền thoại. Đường Hồ Chí Minh to lớn hơn, vững chãi hơn đang đem lại ấm no cho nhiều người dân, hứa hẹn những mùa xuân mới tươi đẹp, hạnh phúc đến với đất nước.

Ngày 5-4-2000, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải phát lệnh khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh tại bến phà Xuân Sơn (Quảng Bình). Trải qua gần 2.000 ngày đêm lao động khẩn trương, vượt lên bao gian nguy, thử thách hy sinh, hơn 1 vạn cán bộ công nhân ngành GTVT, xây dựng, quân đội, TNXP và các bạn chuyên gia Cu Ba đến nay đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của "đại công trình" này.

Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 dài gần 1.350 km, xuất phát từ ngã ba Hòa Lạc (Hòa Bình) chạy suốt đến Ngọc Hồi (Kon Tum). Với hàng nghìn cây số đường, nhiều cầu lớn, cầu trung, cống, rãnh thoát nước, hệ thống kè chống xói kiên cố vững chắc, đường Hồ Chí Minh là công trình giao thông trọng điểm của đất nước, là nơi tập trung trí tuệ, sức mạnh của đội ngũ thợ cầu đường Việt Nam.

Chỉ qua giai đoạn đầu tiên xây dựng con đường, sức mạnh tổng hợp của "Ý Đảng, lòng Dân" đã được thể hiện. Ngành GTVT không thể thực hiện được nhiệm vụ xây dựng con đường nếu không có sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, các chính quyền và đặc biệt là của đồng bào, nhân dân các địa phương nơi tuyến đường đi qua. Nhiều người dân đã không ngại ngần hy sinh nhà cửa, ruộng vườn, nương rẫy… để nhường đất cho con đường hay những cây cầu…

Theo đoàn trưởng đoàn tư vấn Cu Ba và các chuyên gia Cu Ba thì chất lượng công trình đường Hồ Chí Minh là con đường có chất lượng công trình cao. Trên thực tế, qua thử thách gần 5 năm mùa mưa lũ ác liệt của Trường Sơn, con đường vẫn trụ vững và chưa có những sự cố đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt trong cơn bão lũ xảy ra tháng 9-2002, dọc đường Hồ Chí Minh có những đoạn vừa thi công xong những vẫn kiên cố như đoạn từ Khe Cò - Hà Tĩnh đi Đá Đẽo dài trên 100 km; đường đắp qua vùng trũng, hoặc xẻ núi vượt đèo. Cũng chính nhờ đường Hồ Chí Minh mà trong những ngày mưa lũ, nhân dân các xã hai huyện Vũ Quang và Hương Khê đã chuyển lên dựng lều lán trên đường để trú ẩn cả người, súc vật, thóc gạo… Đó chính là thực tiễn góp phần khẳng định chất lượng con đường.

Có thể tự hào khẳng định, một lần nữa đường Hồ Chí Minh lại trở thành nơi mà ý chí kiên cường và sự thông minh sáng tạo của con người Việt Nam được phát huy. Giai đoạn đầu tiên hình thành một con đường bao giờ cũng là giai đoạn khó khăn nhất. Thành công của con đường Hồ Chí Minh giai đoạn I thể hiện rõ quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân ta; đồng thời cũng cho thấy sự đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ giữa nhiều cấp, nhiều ngành.

Đường Hồ Chí Minh hình thành đã phá thế độc đạo của QL 1A. Với hệ thống hàng trăm tuyến đường ngang, các trục hành lang Đông - Tây kết nối với các hệ thống cảng biển, các sân bay và cả tuyến đường sắt, đường Hồ Chí Minh góp phần quan trọng trong việc hoàn chỉnh mạng lưới giao thông từ Bắc vào Nam và liên thông với các nước láng giềng.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, đường Hồ Chí Minh còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng ở những địa phương nơi tuyến đường đi qua. Trong một ngày không xa, dọc đường Hồ Chí Minh trên những thung lũng bạt ngàn hàng trăm nghìn ha, sẽ mọc lên những nông trường, nhà máy, khu dân cư… hình thành các khu công nghiệp đô thị mới, các công trình du lịch… góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, nhất là bà con dân tộc miền Trung và Tây Nguyên, mảnh đất kiên cường đã chịu nhiều hy sinh mất mát trong 2 cuộc kháng chiến.

Nhiều cựu chiến binh năm xưa đã từng vượt Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh chênh vênh dốc suối thẳm, đường đất đỏ bụi mù… Hôm nay, khi bồi hồi trở lại những địa danh xưa, họ đã thực sự ngạc nhiên khi chứng kiến một con đường mới tinh khôi, to rộng chạy giữa đèo núi và bạt ngàn rừng Trường Sơn. Họ càng ngạc nhiên hơn khi đi qua một số thị trấn nằm trên đường Hồ Chí Minh như Tân Kỳ (Nghệ An), Vũ Quang - Hương Khê (Hà Tĩnh), Bến Quan (Quảng Trị), A-Lưới (Thừa Thiên - Huế), Prao - huyện Đông Giang, Thạch Mỹ - huyện Nam Giang, Khâm Đức - huyện Phước Sơn (Quảng Nam), Đăk Pét, Ngọc Hồi (Kon Tum)…

Ở những thị trấn đó, bề rộng mặt đường Hồ Chí Minh chạy qua có chỗ rộng trên 18 m cho 4 làn xe, ở đó những mái trường 2, 3 tầng ngói đỏ vươn lên khoe mình trên những mỏm đồi cao. Những ngôi nhà dân cao tầng xen lẫn những ngôi nhà cấp 4 chạy dài theo phố núi bàng bạc sáng rực dưới ánh đèn cao áp khi chiều sắp tắt. Ở đó những người con gái Pa-cô, Vân Kiều, Ca Tu, Ê Đê nắm tay nhau náo nức đi lại dưới đường phố, cười nói với những chàng trai, cô gái Kinh. Bộ mặt phố núi đã thực sự thay đổi khi con đường Hồ Chí Minh đã đi qua, không còn cảnh leo lét dưới ánh đèn dầu như những năm chiến tranh.

Cũng trên đường Hồ Chí Minh, những năm chống Mỹ ác liệt đã dệt nên những địa danh huyền thoại, để lại những trang sử hào hùng cho mai sau như Ngã ba Đồng Lộc, hang Tám Cô, cua Tay Áo, đèo U Bò, dốc Làng Ho… Hôm nay, trên đường Hồ Chí Minh mới này, những dấu ấn ấy đã được tô đậm với những tượng đài, bia tưởng niệm như là một sự nhắc nhở, mãi mãi đi vào lịch sử, đi vào trang sách các em thơ…

Như nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã nói: "Tôi có tiếp xúc với một số nhà lãnh đạo đứng đầu các nước. Họ là những người bạn ủng hộ chúng ta từ đầu, họ nói: Đường Trường Sơn là con đường kỳ quan của ý chí Việt Nam".

Mùa xuân đang về nảy mầm trên ngàn cây khe suối, đèo cao dốc núi xanh ngút tận chân trời. Giờ đây giữa rừng đại ngàn Trường Sơn bao la hùng vĩ đã sáng lên một con đường bằng bê tông nhựa mới, đẹp đẽ, thoáng rộng chạy xuyên qua những cánh rừng già xanh hút mắt, men theo những sườn núi, bằng qua những ngọn đèo cao vút như U Bò, Cù Đăng, Sa Mù, A Roòng; bồng bềnh vượt những dòng sông như Ngàn Phố, Sê-Băng-Hiên, Giằng… Đường Hồ Chí Minh đi giữa màu xanh mùa xuân vô tận. Đường Hồ Chí Minh cũng đang mang lại mùa xuân niềm tin và hy vọng cho nhân dân các vùng dân tộc miền núi đã bao năm hằng mong mỏi, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, đưa đất nước vững bước trên con đường tiên lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

. Theo báo GTVT

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khu du lịch phục hồi sức khỏe nước khoáng Thanh Tân  (17/01/2006)
Miền Trung qua những hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam  (15/01/2006)
Giếng Vua ở đảo Lý Sơn  (13/01/2006)
Phê duyệt đề án phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô  (12/01/2006)
Đèo Cả mù sương  (12/01/2006)
Cổ vật quý chùa Huế  (11/01/2006)
Nhà thờ Gỗ ở Kon Tum  (10/01/2006)
Vận hội của Quảng Ngãi   (09/01/2006)
Nơi mùa xuân làm tổ   (08/01/2006)
Đất vẫn đỏ trong lòng địa đạo  (06/01/2006)
Êm dịu Bà Nà  (05/01/2006)
Đến Phú Yên ghé thăm gành Đá Đĩa  (04/01/2006)
Thác Hang Cọp (Đà Lạt) - sinh động và huyền bí  (01/01/2006)
Bình Thuận - Điểm du lịch giàu tiềm năng  (30/12/2005)
Thành cổ Quảng Trị - Di tích chiến tranh kiêu hùng  (29/12/2005)