Làng chiếu Cẩm Nê, Cẩm Lệ
8:12', 19/1/ 2006 (GMT+7)

Cái làng quê bé nhỏ ấy nằm giữa một vùng đồng bằng do phù sa dòng sông Cẩm Lệ bồi tạo nên. Chẳng những người quanh vùng, mà cả người ở xa tận Huế, Cửa Việt, Đông Hà ngoài Quảng Trị cũng biết cái tên của vùng làng nhỏ bé này: Làng Cẩm Nê. Bởi làng này có nghề dệt chiếu truyền thống và nổi tiếng nhiều đời.

Nếu giở lại trang sử xưa, nghề dệt chiếu ở vùng Quảng Nam có khá lâu đời, cùng thời với nghề chiếu ở Quảng Bình và Thừa Thiên. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có ghi: ...''Xã Hòa Sơn, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn nộp chiếu hoa thay cho sưu lính, hằng năm trước ngày mồng một Tết, dinh Quảng Nam thu chiếu miếng lớn 25 đôi, chiếu miếng nhỏ năm đôi, chiếu thảm tám đôi, chiếu phản dài tám đôi, chiếu phản ngắn một đôi, chiếu nhỏ dày bốn đôi, chiếu cầu trơn trải ở Văn Miếu một đôi, chiếu thảm cạp lụa huyền một đôi, cộng năm mươi ba đôi, lại các hạng chiếu trơn phát ở công đường phủ và các chùa miếu xứ ấy là 75 đôi''...

Ở Quảng Nam có hai làng làm nghề dệt chiếu nổi tiếng. Ngoài làng Cẩm Nê còn có làng Bàn Thạch. Nhưng làng nào có nghề dệt chiếu trước thì cho đến nay cũng chưa ai rõ. Nhưng về nguồn gốc nghề chiếu ở vùng này, khi đến Cẩm Nê gặp các cụ cao tuổi hỏi chuyện, thì các cụ có kể lại rằng: Câu chuyện truyền miệng từ xa xưa cho tới đời các cụ thì nghề chiếu của vùng này gốc tích từ vùng Nga Sơn - Thanh Hóa đưa vào.

Nhân dân Cẩm Nê ngoài nghề dệt chiếu cũng có trồng lúa. Nhưng nguồn sống chính là nghề chiếu vì làng ít ruộng đất. Có điều lạ nữa là quanh cận vùng Cẩm Nê không có chỗ nào trồng cây đay và lác (cói) mà lại có nghề dệt chiếu nổi tiếng và phát đạt. Muốn có nguyên vật liệu để dệt chiếu như đay, lác phải đi đến các vùng xa trong tỉnh mua về sử dụng. Cẩm Nê dệt nhiều loại chiếu, khổ rộng, khổ hẹp, dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa. Chiếu trơn là loại chiếu để nguyên sợi màu trắng không nhuộm màu. Chiếu trơn dệt loại lác dài không chắp, sợi nhỏ bán đắt tiền hơn loại dệt lác chắp, dệt hai sợi lác ngắn tiếp nối nhau.

Loại chiếu trơn trắng này dùng loại lác phơi khô vừa phải, khi khô còn ửng màu xanh, đem vào dệt. Chiếu dệt xong đem phơi nắng, vừa để cho lá chiếu trắng sáng bóng, vừa cho khô giòn những đầu thừa thòi ra trên mặt lá chiếu của sợi lác, sợi đay, để dùng dao sắc, phạt cho đứt hết.

Loại chiếu hoa ở Cẩm Nê không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền như một số vùng khác mà phải chọn sợi lác về nhuộm phẩm, màu sắc tùy theo người chủ. Màu đỏ, màu xanh, màu lục, màu vàng.. Phẩm nấu lên và nhúng sợi lác vào, nhúng từng nạm một và đem phơi. Một nạm lác có thể nhuộm một hoặc hai ba lần tùy màu phẩm và độ pha chế đậm nhạt. Những sợi lác màu sau khi phơi khô, được đem dệt chiếu hoa.

Dệt chiếu hoa nhiều công phu. Ngoài công phu chọn và nhuộm sợi lác còn phải công phu khi dùng sợi đay mắc canh cửi. Mắc cửi đơn hay kép, mặt cửi chạm nổi, âm dương thế nào đó để sau này khi dệt, người cầm khổ (go) dệt sẽ điều khiển khổ cho nổi lên những hình hoa văn trên mặt chiếu. Công phu nữa là người cầm khổ dệt ngồi trên và giữa mặt cửi đay. Với sự sắp xếp hình dáng hoa văn và bông hoa hoặc chữ nghĩa (như chữ thọ, chữ song hỷ) trong đầu, khi ngồi vào khung dệt, tay cầm khổ dệt đồng thời các ngón tay phải điều khiển các sợi canh đay hoặc nâng lên đè xuống, hoặc cải ba cải hai để khi con thoi đưa sợi lác vào cho ăn khớp tạo lên hoa trên mặt chiếu.

Có thể nói người cầm cái khổ dệt chiếu đồng thời là một họa sĩ trang trí trên mặt chiếu. Không phải bằng bút lông mà là bằng đôi tay điều khiển cái khổ và mũi thoi của mình. Thường thường trên một chiếc chiếu hoa, ở giữa là chữ thọ, dùng trải ở đình làng, các phản nhà lớn..., hoặc chữ song hỷ nếu dệt cho đám cưới... Còn ở bốn góc thì là tứ linh hoặc bốn hoa văn lớn, bốn góc chung quanh có hoa văn trang trí nhiều kiểu, nẹp ngoài hai đường kẻ hoặc đỏ hoặc xanh, trông rất trang nhã hài hòa. Chiếu hoa dệt lác nhuộm sẵn, hoa văn nổi, cả hai mặt chiếu, một mặt chính một mặt phụ chứ không như chiếu in hoa chỉ có hoa ở một mặt trên.

Một công phu của nghề dệt chiếu ở đây nữa là chọn cây để làm khổ (go) và thoi dệt. Phải chọn loại cây nào thật thẳng, nhẹ và bền... Vùng Cẩm Nê, người ta thường dùng cây cau già để làm go và thoi dệt.

Hai người, một người giữ khổ, một người cầm thoi, dệt liên tục trong mười tiếng đồng hồ được một đôi rưỡi hoặc hai đôi chiếu, tùy loại đó là chiếu hoa hay chiếu trơn, khổ rộng hay khổ hẹp. Chiếu dệt xong đem trải khắp sân; khắp vườn, phơi để cho chiếu nguội và hoàn tất một phần việc cuối cùng: ghim các đầu dây đay để cho các sợi lác hai đầu chiếu khỏi bung ra. Công việc này cũng phải khéo tay và có cặp mắt mỹ thuật, không thì chiếc chiếu sẽ lệch.

Ngoài những loại chiếu người ta đặt dệt hoặc chiếu thường thường để bán quanh vùng, trong làng có một số người mua sỉ chiếu để dồn lại và đóng gói từng bó mười đôi một, thuê ghe bầu hoặc tàu lửa chở ra vùng Thừa Thiên, Quảng Trị bán. Nếu thị trường Quảng Trị ưa thích chiếu Cẩm Nê trơn, thì thị trường Thừa Thiên, nhất là Huế tại thích dùng chiếu hoa có chữ thọ. Có lẽ đây là vùng đất cố đô mang nặng tư tưởng phong kiến.

Hai mươi lăm năm xa vùng đất Cẩm Nê, hôm nay về thăm lại đứng trên đường xe lửa nhìn chếch lên phí tây non cây số, tìm mãi chả thấy làng Cẩm Nê đâu. Chỗ làng xưa bây giờ là một đồng ruộng và còn lất phất vài bụi tre, bụi chuối giữa đồng. Hỏi ra mới biết làng nghề Cẩm Nê đã bị Mỹ-ngụy mang máy bay đến dội bom thành những hố bom sâu hoắm.

Làng Cẩm Nê mới được chuyển lên vùng đồi Yến Nê - Dương Sơn. Đó là vùng đất cát pha, nơi chủ yếu trồng sắn, trồng khoai và giống thuốc Cẩm Lệ nổi tiếng. Những người dân làng Cẩm Nê còn sống sót đã phiêu bạt sinh sống nhiều nơi, nay đã tìm quay về quê hương chốn cũ. Ngoài công việc cấy lúa, trồng sắn khoai, thuốc lá, đậu phụng, họ lại chặt cau đóng go (khố), vót thoi và đi mua lác đay tìm về nghề cũ. Chiếu Cẩm Nê đã được phục hồi từ những đôi tay khéo léo, cần cù, từ sự nhẫn nại và sáng tạo của người dân Hòa Tiến.

. Theo báo Đà Nẵng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hội nấu bánh tét kỷ lục   (18/01/2006)
Con đường mang đến những mùa xuân …   (17/01/2006)
Khu du lịch phục hồi sức khỏe nước khoáng Thanh Tân  (17/01/2006)
Miền Trung qua những hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam  (15/01/2006)
Giếng Vua ở đảo Lý Sơn  (13/01/2006)
Phê duyệt đề án phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô  (12/01/2006)
Đèo Cả mù sương  (12/01/2006)
Cổ vật quý chùa Huế  (11/01/2006)
Nhà thờ Gỗ ở Kon Tum  (10/01/2006)
Vận hội của Quảng Ngãi   (09/01/2006)
Nơi mùa xuân làm tổ   (08/01/2006)
Đất vẫn đỏ trong lòng địa đạo  (06/01/2006)
Êm dịu Bà Nà  (05/01/2006)
Đến Phú Yên ghé thăm gành Đá Đĩa  (04/01/2006)
Thác Hang Cọp (Đà Lạt) - sinh động và huyền bí  (01/01/2006)