Thu hút đầu tư vào Bình Thuận: Phải tạo ấn tượng và niềm tin
10:14', 20/1/ 2006 (GMT+7)

Bình Thuận là tỉnh không hiếm những tiềm năng. Điều này cũng được mọi người nhìn nhận, mà nhất là thể hiện qua con số dự án đầu tư vào tỉnh ngày một tăng thêm. Dù vậy, việc khai thác các thế mạnh đạt hiệu quả hay không trước hết phụ thuộc vào công tác quy hoạch và chính sách thu hút đầu tư…

Con số gần 690 dự án được chấp thuận đầu tư trên địa bàn Bình Thuận phần nào cũng phản ảnh tiềm năng kinh tế địa phương. Các dự án đầu tư này trải rộng hầu hết ở lĩnh vực du lịch, công nghiệp - dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, nông lâm nghiệp, xăng dầu và khu dân cư.

Chẳng phải đợi lâu, thế mạnh du lịch Bình Thuận đã được nhiều nhà đầu tư chú ý kể từ sau sự kiện nhật thực toàn phần (24-10-1995). Để rồi 10 năm tiếp đó, Bình Thuận trở thành một trong những điểm du lịch trọng điểm của Việt Nam. Đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định chấp thuận đầu tư cho 378 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư lên đến 11.186 tỉ đồng. Các khu du lịch tập trung nhiều nhất ở TP Phan Thiết (195 dự án), Hàm Thuận Nam (93 dự án), Hàm Tân (47 dự án)…

Phát huy thế mạnh du lịch, hiện Bình Thuận đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái tại những khu vực tiềm năng như hồ Sông Quao, Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), hay Biển Lạc, Thác Reo (Tánh Linh)…

Không như ngành "công nghiệp không khói" với cung đường phẳng phiu, trên lĩnh vực công nghiệp của Bình Thuận có chút khúc quanh gập ghềnh. Hàng chục dự án mời gọi tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tháng 10-2004 vẫn im hơi, dù đã có 8 dự án ký biên bản ghi nhớ. Thực tế cũng có một tập đoàn tên tuổi đến khảo sát vị trí với mong muốn đầu tư những dự án quy mô với tổng vốn hàng chục triệu USD. Nhưng do hạ tầng còn thiếu và yếu, chưa có cảng vụ lẫn sân bay nên gặp khó khăn trong xuất - nhập hàng hóa.

Về cơ cấu ngành, công nghiệp chế biến chiếm tỉ trọng tuyệt đối trong giá trị sản xuất toàn ngành (94,28%) và được xem là ngành công nghiệp chủ lực. Dẫu vậy, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến vẫn chưa đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng. Công tác thu mua tại chỗ thực hiện chưa tốt, tỉ lệ nguyên liệu đưa vào chế biến tại địa phương còn hạn chế. Riêng nguồn nguyên liệu khoáng sản như Ilmenite, cát trắng đưa ra khỏi tỉnh 100% khối lượng khai thác được…

Trước thực trạng này, từ nay đến năm 2010, tỉnh tiếp tục lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến nông-lâm-hải sản, công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp cơ khí hóa chất, khoáng sản. Gần đây, thế mạnh công nghiệp Bình Thuận gây chú ý bởi tiềm năng dầu khí ngày càng được khẳng định.

Theo ông Trần Đức Tiến, phó giám đốc Sở KH-ĐT thì tiềm năng công nghiệp của Bình Thuận đang được nhiều nhà đầu tư để mắt đến. Sắp tới Bình Thuận chuẩn bị quy hoạch và đầu tư xây dựng khu phức hợp công nghiệp - dịch vụ dầu khí và đô thị tại Sơn Mỹ, khu công nghiệp nặng ở Tân Đức để tiếp nhận các đầu tư.

Ngoài chủ trương chung, nhằm thu hút đầu tư đạt hiệu quả thì Bình Thuận cũng có những chính sách ưu đãi phù hợp với thực tiễn tình hình. Các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và trong nước đều được mời gọi với chính sách "trải thảm đỏ" bằng mức ưu đãi về thuế, sử dụng đất tùy điều kiện ở từng vùng miền.

Để làm đòn bẩy trong thu hút đầu tư, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo nhiều hình thức hợp đồng như: Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (B.O.T), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (B.T.O) hoặc xây dựng - chuyển giao (B.T)…

Một nguồn lực không thể không nhắc đến nữa là thiện chí đầu tư của các doanh nhân Việt kiều ở hải ngoại. Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp Việt kiều từng gợi ý về cơ hội đầu tư tại Bình Thuận là cần quan tâm hơn đến lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt đầu tư cho công nghệ không dây.

Chính điều này sẽ làm cầu nối đưa tiềm năng, thế mạnh của Bình Thuận quảng bá ra bên ngoài nhanh hơn, rộng khắp hơn. Từ đó việc kêu gọi nhà đầu tư đến với vùng đất Nam Trung bộ đạt hiệu quả hơn.

. Theo báo Bình Thuận

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng chiếu Cẩm Nê, Cẩm Lệ  (19/01/2006)
Hội nấu bánh tét kỷ lục   (18/01/2006)
Con đường mang đến những mùa xuân …   (17/01/2006)
Khu du lịch phục hồi sức khỏe nước khoáng Thanh Tân  (17/01/2006)
Miền Trung qua những hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam  (15/01/2006)
Giếng Vua ở đảo Lý Sơn  (13/01/2006)
Phê duyệt đề án phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô  (12/01/2006)
Đèo Cả mù sương  (12/01/2006)
Cổ vật quý chùa Huế  (11/01/2006)
Nhà thờ Gỗ ở Kon Tum  (10/01/2006)
Vận hội của Quảng Ngãi   (09/01/2006)
Nơi mùa xuân làm tổ   (08/01/2006)
Đất vẫn đỏ trong lòng địa đạo  (06/01/2006)
Êm dịu Bà Nà  (05/01/2006)
Đến Phú Yên ghé thăm gành Đá Đĩa  (04/01/2006)