Kể từ khi được thành lập vào năm 1993 đến nay, huyện đảo Lý Sơn (Qủng Ngãi) được cả nước biết đến vì nơi đây có loại tỏi thơm ngon nổi tiếng và hơn thế nữa mảnh đất này còn được ví như một "chiến hạm nổi" án ngữ làm nhiệm vụ cảnh giới trên vùng biển Quảng Ngãi, nhưng lại ít ai biết được rằng "Vương quốc tỏi" đang lưu giữ những giá trị văn hóa cổ xưa của dân tộc Việt Nam.
Sau nhiều lần khảo sát và được phép của các cấp có thẩm quyền, Viện khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp cùng Sở VHTT, Bảo tàng Quảng Ngãi tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học lần đầu tiên ở Lý Sơn vào năm 1997 (tại xóm Ốc, xã An Vĩnh). Tại đây lưu giữ dưới lòng đất một tầng văn hóa dày từ 1,1 đến 1,3m, với rất nhiều các mẫu vật, thể hiện rõ quá trình cư trú liên tục, lâu dài của các lớp cư dân thời kỳ văn hóa tiền Sa Huỳnh và hậu Sa Huỳnh.
Trong phạm vi diện tích 60m2 khai quật có đến 2 triệu vỏ ốc các loại, hàng trăm đốt xương sống cá và xương cá có mũi nhọn dùng để khâu vá; 8 lưỡi cuốc bằng đá, các mảnh đồ gốm và cả những bộ hài cốt được mai táng theo chiều thẳng đứng.
Lần khai quật thứ 2 được thực hiện vào năm 2000 và địa điểm đã chuyển về khu vực suối Chình (ở thôn Đông, xã An Hải), cách di chỉ xóm Ốc gần 4 km về phía đông. Nơi đây cũng phát hiện có 2 lớp văn hóa tương ứng với 2 lớp văn hóa ở di chỉ xóm Ốc, cho thấy có sự chuyển dịch, phân bổ dân cư sau khi có sự gia tăng về số lượng.
Trên cơ sở những mẫu vật thu được từ hai lần khai quật trước và để có thêm chứng cứ sát thực phục vụ cho công tác nghiên cứu, cuối tháng 6 đầu tháng 7-2005, Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục thực hiện lần khai quật thứ 3 (và là lần thứ 2 tại di chỉ suối Chình), trên phạm vi diện tích 28m2.
Tiến sĩ Phạm Thị Ninh - cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam, người đã 3 lần trực tiếp chỉ đạo công tác khai quật di chỉ khảo cổ học ở Lý Sơn cho biết: Dấu vết các địa tầng tại hố khai quật cũng như các mẫu vật thu được lần này như: Vỏ ốc, vỏ sò, mảnh đất nung, mảnh gốm, mộ nồi (hai chiếc nồi đất úp lại dùng để mai táng trẻ em), thêm một lần nữa chứng minh rằng, từ thế kỷ I sau công nguyên ở đảo Lý Sơn đã có hai lớp cư dân sinh sống liên tục, lâu dài. Đó là lớp cư dân sớm tương ứng với thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh muộn và lớp cư dân muộn tương ứng với thời kỳ văn hóa Chămpa.
Phó giáo sư, tiến sĩ Yamagata Mariko, hiện đang giảng dạy tại Trường đại học Waseda - Tokyo (Nhật Bản) là người đã nhiều năm theo đuổi đề tài nghiên cứu về văn hóa Đông Nam Á, cũng đã có mặt tại di chỉ suối Chình để được tận mắt nhìn thấy những nét đặc trưng hiếm thấy của nền văn hóa cổ xưa trên vùng đất giữa biển khơi này. Nhận xét về các địa tầng văn hóa tại hố khai quật, ông Mariko cho rằng: Rất hiếm những di chỉ còn giữ được nguyên vẹn các địa tầng văn hóa như ở đây. Trong số các mẫu vật được phát hiện có những mẫu vật rất giống với các mẫu vật ở di chỉ khảo cổ học Trà Kiệu (Quảng Nam).
Theo gia phả của các dòng tộc hiện đang sinh sống ở Lý Sơn thì các vị tiền hiền của họ mới ra khai phá lập nghiệp cách đây gần 400 năm. Còn các địa tầng văn hóa lại cho thấy các lớp cư dân phát triển lâu dài, liên tục, không có sự gián đoạn cách đây gần 3000 năm.
Lý giải về điều này, tiến sĩ Phạm Thị Ninh cho rằng, không loại trừ khả năng khi các vị tiền hiền từ đất liền khởi nghiệp ra đây, trên đảo đã có cư dân sinh sống và sau đó những cư dân này vì nhiều lý do, đã di cư nhường lại vùng đất này cho những người đến sau (vì hiện nay ở Đình làng An Hải, không chỉ thờ các vị thành hoàng mà còn thờ cả một vị thần người Chăm, hay như trên địa bàn xã An Hải có một đình thờ nữ thần người Chăm Thiên Y A na).
Như vậy có thể khẳng định một điều: Những di chỉ khảo cổ học ở Lý Sơn có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp các nhà khoa học, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử nền văn hóa Việt Nam, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc. Nhưng hiện nay các khu di chỉ này đang có nguy cơ biến mất, vì người dân khai thác cát trắng để trồng hành tỏi.
Tiến sĩ Phạm Thị Ninh cho biết: Ngoài di chỉ xóm Ốc và suối Chình ở Lý Sơn còn có một số điểm ở thôn Đồng Hộ và nhiều khu vực khác cũng có thể còn lưu giữ những giá trị văn hóa cổ xưa, nhưng chưa được khám phá. Vì vậy, muốn lưu giữ, bảo tồn được các khu di chỉ đã và chưa được phát hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền cũng như mỗi người dân trong huyện cần hiểu rõ những giá trị văn hóa, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm lưu giữ, bảo tồn, tránh tình trạng để người dân khai thác đất cát tràn lan, gây xáo trộn các địa tầng văn hóa, dẫn đến thất lạc các mẫu vật có liên quan đến nền văn hóa cổ xưa.
. Theo báo Quảng Ngãi
|