Đô đốc Đặng Hữu Cán với phong trào nông dân Tây Sơn
15:26', 2/10/ 2006 (GMT+7)

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, họ Đặng là một trong những dòng họ lớn được hình thành từ rất sớm, có truyền thống yêu nước và cách mạng từ lâu đời, đóng góp cho quê hương, đất nước những danh nhân kiệt xuất, tiêu biểu như: Đặng Tất, Đặng Dung ở thế kỷ 13, 14 quê ở xã Tùng Lộc (Can Lộc). Họ Đặng Hữu ở xã Thạch Tiến (Thạch Hà) là một chi của họ Đặng có nguồn gốc từ xã Tùng Lộc. Không rõ di cư đến đây vào thời gian nào, song đến nay đã có 13 đời chung sống và phát triển. Tại từ đường thờ cụ tổ đời thứ 4 là Đặng Hữu Cán đã tham gia cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do Quang Trung- Nguyễn Huệ lãnh đạo thế kỷ XVIII (1753-1792).

Theo gia phả họ Đặng Hữu viết ngày 20 tháng giêng năm Thành Thái thứ 8(1896) do Thái Kim Đỉnh dịch, phiên và chú giải từ nguyên bản gốc chữ Hàn thì Đặng Hữu Cán có tên húy là Đặng Hữu Thoan, sinh giờ Ngọ, ngày 25 tháng 4 năm Mậu Ngọ (1738). Là con trai trưởng của Đặng Hữu Diệm, một nghĩa sĩ Nam kỳ, người có chí hướng lớn đấu tranh xây dựng giang sơn, xã tắc, chiêu dân lập ấp nên khi về già được chúa Nguyễn ban 3 chữ “Thụy tranh kỳ”. Và mẹ là bà Nguyễn Thị Nhị- một phụ nữ nết na, đoan trang của vùng đất Kinh Bắc tần tảo nuôi con học tập nên người, giúp ích cho đất nước, thương yêu nòi giống xã tắc.

Thuở thiếu thời, Đặng Hữu Cán sống theo hoài bão của người cha thân yêu, người mẹ hiền thục, học rộng tài cao, tinh thông võ nghệ. Năm 21 tuổi (1759), ông gia nhập quân đội nhà Lê, dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740-1786), có công lao lớn được triều đình phong kiến nhà Lê phong làm chức chánh suất Đội trưởng.

Xã hội phong kiến Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XVII đầy những biến động lịch sử. Ở Đàng Ngoài, nhà Lê suy yếu không còn đảm đương sứ mệnh của đất nước. Chúa Trịnh bạo tàn không đủ khả năng giúp dân, giúp nước. Ở Đàng Trong, phong trào khởi nghĩa Tây Sơn ngày một lớn mạnh và phát triển lực lượng rộng lớn. Trước hoàn cảnh lịch sử đó, với bản lĩnh vững vàng lại được thử thách qua trận mạc, ông quyết định đem quân bản bộ về gia nhập nghĩa quân Tây Sơn.

Năm 1788, ông được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cùng quần thần đón tiếp thu nạp và được Quang Trung- Nguyễn Huệ cử đi trấn ải ở bờ bắc sông Lam. Sau này, với tài thao lược và lòng trung thành với Tây Sơn, Đặng Hữu Cán ngày càng được Nguyễn Huệ tin yêu và kính trọng. Trong một lần nghĩa quân Tây Sơn tổ chức kỳ thi võ tại chùa Thông Phạn ở xã An Lạc (nay là xã Xuân An, Nghi Xuân), ông được tin dùng và cùng Quang Trung trở về Thuận Hóa (Huế).

Trong chiến dịch thần tốc tiễn quân ra Bắc Hà đánh chiếm Thăng Long, tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, vị anh hùng kiệt xuất Quang Trung- Nguyễn Huệ cùng với nghĩa quân Tây Sơn đã dừng chân ở vùng đất Châu Hoan, Châu Ái. Đặng Hữu Cán đã góp phần đáng kể trong việc giúp Nguyễn Huệ tuyển mộ hàng vạn binh hùng, tướng mạnh ở Nghệ - Tĩnh bổ sung vào lực lượng hùng hậu của nghĩa quân Tây Sơn, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược. Với trận quyết chiến chiến lược thần tốc, bất ngờ  đánh vào cứ điểm cuối cùng của quân đội Mãn Thanh xâm lược do tướng giặc là Sầm Nghi Đống chỉ huy vào Ngọc Hồi- Đống Đa- Khương Thượng (Thăng Long- Hà Nội), Đặng Hữu Cán đã lập công lớn.

Năm 1802, Đặng Hữu Cán trở về kinh thành Phú Xuân (Thuận Hóa- Huế), bị bệnh nặng rồi chết trong quân ngũ. Về sau, năm 1928, con cháu ông đã lập miếu thờ tại quê nhà thuộc tổng Đông, phủ Thạch Hà (nay là xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà). Hiện nay, tại di tích quê hương ông còn lưu giữ được nhiều tư liệu, hiện vật lịch sử bằng chữ Hán có giá trị như gia phả, long văn, đại tự, câu đối văn tế…

Với ý nghĩa và giá trị lịch sử của di tích, vừa qua Sở VHTT Hà Tĩnh đã lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh để bảo tồn và lưu giữ một di tích lịch sử- văn hóa có giá trị.

. Theo báo Hà Tĩnh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sẽ "sống lại" một chứng tích hào hùng  (29/09/2006)
Kỳ diệu vườn quốc gia Chư Mom Ray  (28/09/2006)
Làng thổ cẩm bên sông Liêng  (26/09/2006)
Đà Nẵng vươn mình ra thế giới  (25/09/2006)
Lời ngỏ từ một vùng trầm tích  (22/09/2006)
Nguyễn Chánh - vị tướng tài đức vẹn toàn  (21/09/2006)
Lý qua đèo  (20/09/2006)
Lễ hội Bà Thu Bồn  (19/09/2006)
Nông dân Dăk Lăk an tâm với “cà phê bền vững”  (18/09/2006)
Mì Quảng  (13/09/2006)
Gia Lai: Dưới nhà sàn xưa và nay, và …  (12/09/2006)
Suối khoáng Thạch Trụ  (11/09/2006)
Chuyện về Bức tranh ghép gạch lớn nhất Việt Nam  (10/09/2006)
Rừng Madagui - điểm sáng du lịch sinh thái  (07/09/2006)
Mở đường vào Chân Mây- Lăng Cô  (06/09/2006)