Hồn trống Đông Sơn
13:59', 12/10/ 2006 (GMT+7)

Đến tận bây giờ, những người thợ- nghệ nhân đúc đồng ở làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa vẫn nhớ như in những năm 90 của thế kỷ trước. Đó là thời điểm các lò đúc đồng ở đây đã phục hồi và xuất ra thị trường loại sản phẩm được xem như là hàng“độc” và nhanh chóng được người tiêu dùng chấp nhận: phiên bản trống đồng Đông Sơn. Qua bàn tay người thợ làng nghề Trà Đông, hồn trống Đông Sơn như bừng tỉnh…

Theo ông Nguyễn Bá Châu - một nghệ nhân nghề đúc đồng ở thôn 2 làng Trà Đông thì dòng họ ông là một trong những dòng họ chuyên nghề đúc đồng với những lò đúc thủ công truyền thống. Trải qua nhiều đời chuyên đúc các vật dụng bằng đồng, trong số sản phẩm đó có cả những chiếc trống đồng- sản phẩm được xem là linh khí, mang lại niềm tự hào cho làng nghề trong những năm xưa. Trong sự chìm xuồng của làng nghề, những khuôn mẫu, kỹ thuật chế tác những chiếc trống đồng cũng chung số phận . Với công nghệ đúc trống đồng, trải qua một thời gian dài lãng quên, hầu như không còn ai đả động tới, có chăng chỉ nằm trong tiềm thức của những người thợ thực sự tâm huyết với nghề. Luôn nung nấu trong tôi những khắc khoải về công nghệ đúc những chiếc trống đồng Đông Sơn huyền thoại của cha ông, rồi tôi quyết tâm tìm hiểu và lân la đến khắp các bảo tàng ở Thanh Hóa để lấy mẫu… có chuyến đi kéo dài cả tháng, nhằm khôi phục lại công việc đúc trống đồng từ năm 1989.

Cách lấy mẫu trống và hoa văn trên trống của ông chỉ bằng cách thủ công theo lối học trò, đó là dùng giấy than để in các hoa văn, đường nét của trống đồng lên giấy trắng sau khi đã đo đạc ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết chiều cao và các thông số khác của từng kích cỡ các loại trống, ông khắc vào các khuôn đất sét. Nếu xem chiếc trống là một công trình nghệ thuật hoàn thiện, muốn đạt đến độ tinh xảo, quá trình làm từ khuôn tạo mẫu… phải qua khá nhiều công đoạn, hạng mục với những kỹ thuật tinh tế.

Sau chiếc trống đồng phiên bản đầu tiên loại lớn (đường kính mặt 80 cm) với những hoa văn họa tiết hoàn toàn chính xác như bản gốc trống đồng Đông Sơn trưng bày ở bảo tàng tỉnh, được nhiều người chú ý và nhất là ngay sau đó đã được khách hàng mua với giá cao xem như một bảo vật, đây là niềm tin khích lệ ông Châu tiếp tục nghiên cứu và tạo khuôn mẫu cho một số loại trống khác với nhiều kích cỡ, có loại đường kính hơn 1 m, có loại chỉ 10 cm. Mặt hàng phiên bản trống đồng Đông Sơn (giả cổ) được thị trường và khách hàng  đón nhận ngày một nhiều. Ngoài giá trị kinh tế, việc khôi phục lại nghề đúc trống đồng được xem là việc bảo tồn và giữ gìn một giá trị văn hóa truyền thống cho mai sau, một số lò đúc đồng trong làng tìm đến học hỏi kinh  nghiệm và nghề đúc trống đồng từ ngày được nâng cao, trở thành sản phẩm chính của làng nghề Trà Đông.

Từ một vài cơ sở chuyên đúc trống đồng những năm 90 thế kỷ trước, giờ đây ở làng Trà Đông đã có khá nhiều lò đúc của các hộ gia đình. Ở Trà Đông hôm nay đã có nhiều thợ trẻ say mê đúc đồng và đúc trống đồng. May mắn cho làng nghề là những người thợ trẻ như có trong máu tố chất của nghề đúc đồng nên họ học rất nhanh những bí quyết kỹ thuật trong nghề. Theo ông Châu thì khách hàng ưa thích hàng giả cổ. Chiếc trống mới làm đã được dùng hóa chất để phân hủy đồng cho nó cũ đi. Nói thì dễ nhưng để làm được một sản phẩm giả cổ khách hàng chấp nhận xem ra không đơn giản. Hàng năm các hộ đức trống của làng nghề Trà Đông xuất ra thị trường hàng ngàn chiếc loại nhỏ, Với những chiếc trống đồng Đông Sơn phiên bản đủ các kích cỡ, làng nghề Trà Đông đã được các bạn hàng gọi vui là “Làng Đông Sơn” ở Thiệu Hóa. Đó là niềm tự hào của người Trà Đông.

Theo cụ Lê Đức Tuấn, người hiện đang coi sóc đền Linh Quang Tự- nơi thờ tổ sư nghề đúc đồng của làng thì đúc trống đồng được xem là nghề chính đưa lại việc làm và thu nhập khá hiện nay ở làng nghề, nhưng cũng lắm rủi ro. Đầu tư cho mỗi sản phẩm khá lớn, không hẳn một lần đúc đã thành công. Sản phẩm làm ra phải được tiêu thụ ngay không để vốn chết, nên không thể làm để sẵn theo kiểu hàng hóa thương mại.

Để đúc được một chiếc trống đồng chi phí không phải nhỏ. Chiếc trống có đường kính 80 cm thì tiền vốn cho nguyên liệu và các khâu chế tác mất tối thiểu phải 30 triệu đồng. Có cái trống phải đầu tư trên 100 triệu đồng, phần lớn là vốn huy động trong các thành viên của mỗi lò…đành chấp nhận rủi ro nếu có. Đó là chưa kể mặt bằng cho cơ sở sản xuất cũng rất đáng quan tâm. Theo anh Lê Xuân Việt, cán bộ văn hóa xã nếu làng nghề Trà Đông được ưu đãi hơn trong vấn đề vay vốn, nhất là với việc đúc trống đồng thì tin rằng phiên bản trống đồng Đông Sơn của làng càng tinh xảo hơn nữa, và sẽ không chỉ dừng lại tiêu thụ trong nước.

. Theo báo Văn hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ayun Pa tháng 10 này  (11/10/2006)
Khu di tích Lê Hồng Phong   (11/10/2006)
Đánh thức Hà Tĩnh  (03/10/2006)
Đô đốc Đặng Hữu Cán với phong trào nông dân Tây Sơn  (02/10/2006)
Sẽ "sống lại" một chứng tích hào hùng  (29/09/2006)
Kỳ diệu vườn quốc gia Chư Mom Ray  (28/09/2006)
Làng thổ cẩm bên sông Liêng  (26/09/2006)
Đà Nẵng vươn mình ra thế giới  (25/09/2006)
Lời ngỏ từ một vùng trầm tích  (22/09/2006)
Nguyễn Chánh - vị tướng tài đức vẹn toàn  (21/09/2006)
Lý qua đèo  (20/09/2006)
Lễ hội Bà Thu Bồn  (19/09/2006)
Nông dân Dăk Lăk an tâm với “cà phê bền vững”  (18/09/2006)
Mì Quảng  (13/09/2006)
Gia Lai: Dưới nhà sàn xưa và nay, và …  (12/09/2006)