Đi dọc bờ nam sông Đa Nhim, từ Lạc Xuân, Ka Đô đến Próh, Ka Đơn, Tu Tra, qua 33 buôn làng của người Chu Ru, Cơ Ho ở đâu cũng thấy những con đường lớn đã mở, những trường học đạt chuẩn quốc gia; những trạm y tế sạch đẹp; những dòng điện lưới vươn dài thắp sáng những ngôi nhà xa nhất. “Chưa bao giờ đồng bào mình được ổn định như bây giờ”- Già làng Tu Teng Ja Rai, thôn Ka Rái, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương tâm sự.
Mười năm trước, đời sống của người Chu Ru phụ thuộc vào một vụ lúa, nên thường xuyên xảy ra tình trạng đói giáp hạt; đường sá, cầu cống đi lại rất khó khăn, thường bị ách tắc trong mùa mưa; nhiều trẻ em ở độ tuổi đến trường phải bỏ học…
Theo bà Hồ Huy Phấn, Phó bí thư Huyện ủy Đơn Dương thì để giúp dân xóa đói giảm nghèo, Đảng bộ huyện Đơn Dương đã tập trung quyết liệt cho việc ổn định đời sống nhân dân…5 năm qua, nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện đã tập trung đầu tư trên 58 tỷ đồng vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó chương trình 135 và các chương trình khác xây dựng 6.507 km đường giao thông nông thôn, 84 con đường nhựa đến các xã, 54 phòng học, 2 chợ nông thôn, 5 công trình thủy lợi nhỏ, trung tầm xã Ka Đơn được đầu tư toàn diện. Đầu tư trên 2 tỷ đồng giúp 2.713 hộ dồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Bố trí cho 548 hộ đồng bào dân tộc thiểu số 313 ha đất ở và đất sản xuất ở Tân Hiên, BokaPang, Krai.
Chương trình 134 và 168 đã hỗ trợ giúp dân làm 717 căn nhàm đào 150 giếng, khoan 4 giếng, 10 công trình nước sinh hoạt tự chảy, khai hoang trên 313 ha cho 548 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ trên 1 tỷ đồng mắc điện nhánh rẽ cho 868 hộ.Hầu hết bà con dân tộc thiểu số ở Đơn Dương đã đồng thuận cùng bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khắc phục tư tưởng tự ty, ỷ lại vào cách chính sách của Nhà nước. Tích cực học tập các chương trình khuyến nông, khuyến lầm nhằm thoát nền kinh tế tự cấp, tự túc. Đến nay, trong vùng cư trú của đồng bào Chu Ru, Cơ Ho đã được đầu tư xây dựng 3 nhà văn hóa xã, 9 nhà văn hóa thôn. Hiện nay, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 6.856 học sinh đang học tại các trường từ mầm non đến trung học ohổ thông. Có 41 bác sỹ đang khám chữa bệnh cho dân ở 10 trạm y tế xã, 2 trạm y tế thôn.
Theo anh Jơ Lơng Thu, chủ tịch UBND xã Próh thì đời sống của người Chu Ru, Cơ Ho đang được ổn định. Đường sá nông thôn được mở rộng, nâng cấp, nhựa hóa đến các xã tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Cơ bản đã giải quyết được nạn đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo giảm, 90% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được sử dụng điện. Còn theo ông Võ Thuận, Phó ban dân tộc tỉnh Lâm Đồng thì qua 7 năm thực hiện việc lồng ghép các chường trình tại Đơn Dương, nhà nước đã đầu tư 100 tỷ đồng, nguồn vốn này đã có tác dụng to lớn đối với các xã đặc biệt khó khăn giúp người Chu Ru, Cơ Ho phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.
Các chương trình đầu tư đã giúp Đơn Dương rút ngắn được khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa với các khu vực khác trên địa bàn huyện. Đồng thời đã có tác động tốt vào nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân đã có ý thức tự lực vươn lên bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức làm ăn có hiệu quả. Các chương trình đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn của các xã đồng bào dân tộc thiểu số cả về lĩnh vực kết cấu hạ tầng và đời sống so với trước đây.
Đa Nhim (Da Nĩm) theo tiếng đồng bào Cơ Ho là nước mắt. Đó là chuyện xưa xa, còn hôm nay, bên dòng sông này, nụ cười ngày một rạng rỡ trên khuôn mặt bà con Chu Ru, Cơ Ho. Cuộc sống ấm no- hạnh phúc đã và đang gõ cửa từng nhà.
. Theo báo Lâm Đồng
|