Thanh Hóa có chiều dài bờ biển hơn 100 km, đi qua các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, tạo nên vùng kinh tế, văn hóa biển, làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần xứ Thanh. Văn hóa vùng này có một hệ thống tín ngưỡng đặc thù, phản ánh nhu cầu tâm linh của cư dân làm nghề đánh bắt cá biển, mà thờ cá voi là nghi lễ đặc trưng.
Cá voi là loại cá sống ở biển, có thân dài 15 đến 25 mét, chiều cao 1,50 đến 2,50 mét, đầu tròn, nơi trán có lỗ nhỏ phun nước, da màu đen trơn láng, không có vảy, đuôi xòe như đuôi tôm, tính nết hiền lành, hay làm điều thiện. Ngư dân hoạt động trên mặt biển, hễ thấy có dòng nước phun lên cao từ nơi lỗ hổng ở trán cá voi, là họ nhớ ngay câu “Ông lên hiệu, liệu mà trốn”, tức là sẽ có bão tố. Khi bão tố xảy ra, thuyền, gõ gặp nạn lập tức cá voi lao tới, dùng thân mình che đỡ, đương đầu với sóng to gió lớn, dìu thuyền và người vào đến tận bờ.
Lúc trời trong biển lặng, cá voi thường gọi cá đàn tập trung lại làm mồi, khi cá voi xốc tới để ăn mồi, thì ngư dân nhanh chóng chèo thuyền tới tung lưới bủa vây chung quanh. Thấy vậy, cá voi nhẹ nhàng tránh ra xa, tỏ ý nhường ngư dân bủa lưới hốt cá vào thuyền của mình, đúng là “đi khơi gặp đống”. Vì thế, ngư dân mang ơn sâu nặng, tỏ lòng ngưỡng mộ cung kính, gọi cá voi là Ngài, là Đức Ông, cá Ông, Đức Ngư và xưng tụng là “Nam Hải cự tộc đại vương Lân Tôn Thần”(1).
Năm 1793 một cá voi lớn bị lụy ngoài khơi, một cá voi khác kề lưng dìu vào đất liền thuộc địa phận làng Diêm Phố. Người làng trông thấy, họ tự bảo nhau đưa thuyền ra cung nghinh thi thể ngài vào bờ, rồi chẳng ai bảo ai, dân tự mang ra hàng trăm chiếc chiếu hoa che phủ thi thể ngài chu đáo và cả làng cùng bắt tay lo tang lễ, họ xem đây là sự kiện trọng đại của làng.
Người trông thấy xác cá voi đầu tiên phải đứng ra chịu tang và người ấy được coi là con ông Nam Hải nên phải mặc đại tang, đội nùn rơm, thắt lưng dây chuối phải đứng cạnh bàn thờ để vái đáp lễ những người đến viếng. Tang lễ kéo dài ba ngày, thực hiện đầy đủ mọi lễ tiết như lễ đại tang. Sau một thời gian nhất định, làng cung nghinh ngọc cốt ngài về thờ tại đền. Mỗi năm có hai kỳ lễ lớn là ngày giỗ Ngài 23 tháng chạp và ngày chầu thiên hiền 15 tháng giêng âm lịch. Mỗi tháng hai lần lễ mọn tại đền là mồâng một và rằm.
Ngày thường thì trước khi ra khơi, ngư dân vào đền làm lễ, nếu quá vội thì thắp hương cắm ngay trên bãi cát, người hướng về đền cầu khấn, cũng có khi đặt vàng hương lên đầu thuyền cầu khấn Đức Ông. Trong quan niệm của ngư dân, Đức Ông là biểu tượng của sức mạnh chống bão tố trên biển, là biểu tượng của lòng nhân ái bao la. Ngài là vị thần hộ mệnh, đem ấm no hạnh phúc cho ngư dân. Không riêng gì các thế hệ ngư dân tôn vinh, ngưỡng mộ, mà đạo Phật cũng có sự tích cá voi rằng; Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngài đã có lần hóa thân thành ông Nam Hải, đi tuần du trên biển Nam Hải cứu nạn chúng sinh.
Chẳng những cá voi đã che đỡ, kìm giữ cho thuyền không bị tan vỡ bởi sức hất, sức tung của bão tố, sóng gió, lại còn dìu được thuyền, cõng được người bị nạn vào bờ. Tuy nhiên, to lớn thì chậm chạp, nên nhiều trường hợp biết có thuyền bị nạn, nhưng vì quá xa không cứu được, Đức Bồ Tát đã ban cho cá voi phép “thu đường” tức là phép rút ngắn độ đường cần tới, nên bất kỳ thuyền lâm nạn ở hải điểm nào, cá voi cũng đêu kịp cứu được thuyền và người.
Ở đền thờ Đức Ông làng Diêm Phố đến nay vẫncũng còn giữ được tờ sắc phong của vua Khải Định: “Cho xã Diêm Phố, tổng Trường Xuân trước kia phụng sự” Tôn Tráng Trừng Dực Bảo Trung Hưng, Nam Hải Tự Tộc Đại vương Lân Tôn Thần”. Tôn thần có công giúp nước hộ dân, luôn luôn hiển ứng đã được ban cấp cho phép nhân dân thờ phụng. Nam Trẫm ăn mừng tuổi 40(tứ tuần Đại Khánh), ban bảo Chiếu đàm ân lễ cho đăng trật gia tặng “Uông Nhuận Trung đẳng thần”. Đặc biệt cho dân tiếp tục dùng theo điển lễ của nhà nước để tiếp tục phụng sự. Ngày 29 tháng 7 năm Khải Định thứ 9”(Hồng Phi dịch).
Hàng mấy trăm năm nay, mỗi năm làng Diêm Phố đều thực hiện hai kỳ lễ lớn. Một là “ Lễ hội cầu mát đầu năm”, giàu chất hội hè, đình đám, sau cuộc đại tế, có múa sư tử, chọi gà, đánh tùm, hát ghẹo…kể cả bài văn tế đều đậm màu sắc nghi lễ nông nghiệp. Nhưng do làng ở sát mép nước biển, dân lại làm nghề đấnh bắt cá biển, nên lễ cầu mát đầu năm cũng xen đôi nét văn hóa tín ngưỡng miền biển, như tiễn long chầu và thờ tứ vị Thánh Nương, Đông Hải Đại Vương, Nẹ Sơn Tôn Thần, Cá Voi, Hà Bá. Hai là “Lễ tục thờ Cá Ông”, cứ như tiến trình của nghi thức lễ tục thờ Cá Ông, thì chỉ đóng khung trong hoạt động tục lệ, với mục đích thể hiện lòng tri ân sâu nặng của ngư dân Diêm Phố với vị thần “ Hộ mệnh” cầu mong biển lặng sóng êm, “đi khơi gặp đống, đi lộng gặp tía”, đời sống ấm no, lại hoàn toàn mang màu sắc văn hóa biển.
. Theo báo Thanh Hóa
|