Trong sản phẩm đan lát của đồng bào Tây Nguyên, thứ đặc biệt nhất là chiếc gùi. Gùi chỉ là tên gọi của người Kinh để nói về đồ vật được dùng làm phương tiện vận chuyển, nhưng đồng bào Jrai lại có nhiều tên gọi khác nhau tương ứng cho mỗi loại gùi khi đan và tùy theo mục đích sử dụng của từng loại.
Chẳng hạn gùi nhỏ dành cho trẻ em (hkà-anét), gùi thưa đi lấy củi (bagui), gùi có nắp đựng váy áo, khố, chăn mền và tư trang (hkạ), gùi kín đựng lúa (sapi-hông), gùi thưa đựng quả bầu khô đi lấy nước (pih-ia)…
Điều này chứng tỏ sự phong phú về các loại gùi mà người Jrai sử dụng trong đời sống. Nếu so với chiếc gùi của người Xơ-đăng láng giềng, tộc người có nhiều loại gùi phong phú về kiểu dáng như gùi cánh dơi, gùi ốc sên… thì chiếc gùi của người Jrai lại có hình dáng đơn giản đi nhiều.
Hình dáng chiếc gùi của đồng bào Jrai về cơ bản là hình trụ đứng, thon, cao, bao gồm ba bộ phận là đế gùi (pang), quai (lây) và thân gùi (ania) với đường trang trí theo dải ngang chạy vòng quanh thân.
Gùi có nắp đan theo khối trụ tròn, nắp khum hình chóp nón không có núm. Một đầu quai gùi được đan ghép với thân sát với đầu miệng gùi, còn đầu kia thì buộc với đế gùi bằng cách dùng mũi dùi kim loại nung nóng đục thủng hai lỗ ở hai bên sườn đế rồi luồn quai gùi buộc chặt. Trên nắp gùi người đa đan các dải hoa văn hạt cườm có cánh đều nhau. Các dải hoa văn được đan theo lối kép gồm hai đường viền chạy song song nhau một cách đều đặn và cách nhau một khoảng nhất định. Các nan dùng để đan hoa văn có màu đen được nhuộm riêng. Lối nhuộm nan, đan hoa văn kiểu trên dây rất gần gũi với cách nhuộm sợi dệt vải.
Người Jrai cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên quan niệm rằng, chiếc gùi không phải chỉ là đồ đựng thuần túy mà còn là đồ trang trí thể hiện óc thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người đan. Do vậy, khi đan gùi có nắp người ta dành nhiều thời gian và công sức cho việc này. Đây là loại gùi được đan một cách cầu kỳ, có giá trị khi sử dụng và thể hiện một nét đẹp văn hóa trong vật dụng của người Jrai.
. Theo báo Dân tộc và Phát triển |