Trong tour du lịch Một hành trình, hai điểm đến của Quảng Nam, làng văn hóa dân tộc thiểu số Bhơ Hôông 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang được giới thiệu như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn , không thể bỏ qua trong hành trình về với đất Quảng của du khách.
|
Do có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa nên tại làng, đồng bào Bhơ Hôông vẫn ở nhà sàn, nói tiếng dân tộc và mặc váy áo truyền thống, trẻ em vẫn được tập đánh chiêng...
|
Bhơ Hôông là một làng đồng bào dân tộc Cơ Tu thuộc xã Anh hùng lực lượng vũ trang Sông Kôn. Trước đây, 124 hộ đồng bào trong làng chỉ kiếm sống nhờ phát nương làm rẫy, săn bắt cá, thú rừng hoặc clàm ruộng nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1996, già làng Bríu Prăm 71 tuổi, nguyên Bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện Đông Giang trở về làng sinh sống. Ông đã cùng hội đồng già làng trong thôn họp bàn để thành lập tổ đan lát, khôi phục nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại làng. Ban đầu chỉ có 17 hộ đăng ký tham gia. Một số hộ về sau đã không dám theo nghề vì sợ mất ruộng rẫy sẽ khó kiếm ăn dù nguyên liệu mây, nứa ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang rất dồi dào và dễ khai thác.
Hội đồng già làng đã vào cuộc, kiên trì vận động các hộ học tập để sau này có được một nghề kiếm sống cho gia đình. Bên cạnh đó, phòng Dân tộc huyện Đông Giang còn hỗ trợ 35 triệu đồng cho làng để làng cử đoàn đi học kinh nghiệm các mẫu mã đan lát tại tỉnh bạn. Dần dần hộ này học theo hộ kia, phong trào mạnh dần...
Hiện thu nhập bình quân từ đan mây, nứa của 40 hộ trong làng đạt 5-6 triệu đồng/hộ/năm. Theo Già làng Bríu Prăm thì thu nhập từ đan lát chưa cao vì hàng ngày bà con vẫn trồng chuối, keo, chăn nuôi và làm ruộng; buổi tối có điện mới tranh thủ đan lát. Nhưng đan lát khiến lớp trẻ không quên được nghề truyền thống, vừa làm ra sản phẩm vừa bán cho khách du lịch vừa giúp các hộ có thêm gạo ăn, có chỗ trông vào khi đau ốm, đi bệnh viện… Mô hình làng nghề truyền thống của Bhơ Hôông 1 đã được xã chọn làm điểm nhân rộng sang 5 làng đồng bào Cơ Tu lân cận trong xã.
Bên cạnh việc khôi phục lại nghề truyền thống, làng còn góp tiền, góp sức xây dựng nhà gươl văn hóa trị giá hơn 130 triệu đồng. Từ nhà gươl, làng đã tập hợp các chi hội thành niên, phụ nữ, nông dân giúp đỡ về gạo nước, ngày công cho 35 hộ được xây nhà 134 mới trong năm 2005, 2006.
Tuy tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 10% nhưng con em trong làng đều đi học đúng độ tuổi và không có trường hợp bỏ học. Theo chủ tịch UBMTTQVN xã Sông Côn, ông Bly Blor thì Bhơ Hôông 1 được xã đánh giá là làng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ khi phát động cuộc vận động năm 2000, hầu như năm nào, 100% hộ dân trong làng cũng đăng ký và đạt danh hiệu gia đình văn hóa, không sinh con thứ 3, không mắc tệ nạn xã hội. Do có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa nên tại làng, đồng bào vẫn ở nhà sàn, nói tiếng dân tộc và mặc váy áo truyền thống. Năm 2005, Bhơ Hôông 1 trở thành làng đầu tiên của xã đạt danh hiệu làng văn hóa dân tộc thiểu số tiêu biểu cấp tỉnh.
Năm 2006, làng văn hóa Bhơ Hôông 1 được ngành Du lịch Quảng Nam chọn là điểm du lịch cộng đồng. Rồi đây, cuộc sống của đồng bào sẽ khấm khá lên nhiều nhờ du lịch, nhưng như quyết tâm của già làng Bríu Prăm cùng dân làng thì dù có đạt khá giả, hiện đại đến mức nào thì bản sắc văn hóa cũng như truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của đồng bào Cơ Tu cũng phải luôn được trân trọng, giữ gìn.
. Theo báo Văn hóa |