Khắp tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là ở huyện Bắc Bình, người người đã chở cát về đổ trong vườn nhà cao cả mét rồi trồng dăm ba lọai cây trồng là thức khóai khẩu của dông và đem dông về thả nuôi. Việc nghề nuôi dông phát triển ồ ạt đã Bắc Bình. Như một quy luật, tại “cái nôi” dông sinh sống trở thành vùng cung cấp giống nhộn nhịp.
Theo ông Hồ Thiện Đang, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ khu Lê thì khi giá dông lên 160.000 đồng/kg thì anh em ở đây không thể nào bảo vệ được vùng khoanh nuôi dông tự nhiên ở rừng Nhu nữa.
Nhân viên của ban vẫn đi canh giữ thường xuyên nhưng vào ban đêm, dân đổ xô từ mọi ngã vào rừng Nhu bắt dông nên không thể nào canh giữ xuể. Cứ tính toán, chỉ cần lén lút 1 giờ vào đêm khuya để có 1-2 kg dông bán vào sáng mai được 200-300 ngàn đồng nên người đi bắt trộm cứ làm liều.
Chuyện bắt trộm dông xuất phát từ việc khoanh nuôi dông ở rừng Nhu của Ban quản lý rừng phòng hộ khu Lê, dạo năm 2004. Khi đường từ Phan Thiết đi Hòa Thắng được nối liền, những khu du lịch được cấp phép đầu tư tại Hòa Thắng ngày một nhiều thì cũng là lúc nguồn dông tự nhiên tại vùng khu Lê báo động sự cạn kết. Các nhà khoa học tham gia Dự án phát triển kinh tế- xã hội vùng khu Lê từ năm 2005-2015 đã định hướng nuôi những vật nuôi nào vừa phù hợp vùng đất ít nước, vừa đáp ứng nhu cầu của một vùng du lịch và con dông được nhắc đến như một món ăn đặc sản.
Nhiều ý kiến đề nghị khoanh nuôi dông ở một vùng rừng nào đó ở đây để giữ nguồn đặc sản hiếm này. Và BQL rừng phòng hộ khu Lê đã chọn rừng Nhu là một trong những cánh rừng thấp, dày chằng chịt, xa vùng rẫy dân còn nguồn dông lớn để doanh nuôi tự nhiên. Công việc đó chỉ là canh giữ không cho dân vào bắt, bẫy để dông sống bình yên và sinh sản.
Năm đầu tiên, Ban quản lý rừng phòng hộ khu Lê bảo vệ 200 ha, vừa bảo vệ rừng vừa khoanh nuôi dông dự nhiên với nhiều phương pháp phối hợp như lập 7 chốt canh giữ, tuyên truyền trên phát thanh xã, cắm biển cấm… Vùng khoanh nuôi không bị xâm phạm gì suốt trong năm đó. Kết quả tốt, năm sau ban quyết định mở rộng diện tích khoanh nuôi lên 1.000 ha. Đồng thời cũng bắt 1.500 con nuôi thử tại 7 chốt bảo vệ rừng và bây giờ, mỗi chuồng có từ 500-1.000 con. Từ những con số ấy có thể khẳng định trong 2 năm bình yên trên, nguồn dông ở rừng Nhu đã có số lượng lớn.
Từ đầu năm đến giờ, do giá dông tăng cao nên dân vào rừng Nhu bắt trộm dông không chỉ để bán mà còn để nuôi, khiến nguồn dông trên không còn nhiều nữa. Nhưng bù lại số lượng hộ nuôi dông trong huyện tăng lên. Nơi có lượng người nuôi dông tăng vọt từ đầu năm đến nay là xã Hòa Thắng. Hiện xã có khoảng 40 hộ nuôi với quy mô vừa.
Theo ông Dương Minh Công người được xem là nuôi dông thành công đầu tiên ở xã Hòa Thắng thì năm ngoái nhà ông bán được 1 tạ dông với giá khoảng 150.000 đồng/kg. Qua đó, ông thấy người ta chuộng loại dông nặng hơn 1 lạng và sau đó mới biết phần lớn người mua đem về nuôi tiếp. Năm nay, giá dông lên 160.000 đồng/kg, người ta càng chuộng cỡ dông này bởi phần lớn chúng rơi vào dông mái.
Xem vườn dông nhà ông Công vào buổi sáng, chúng tôi thấy phần đông là dông đực lớn có trổ hoa trên lưng. Theo ông Công thì buổi sáng dông lớn tràn lên mặt đất đi ăn, thì dông bé thường ẩn nấp dưới hang, để không bị “ăn hiếp”. Về chiều, chúng mới đi ăn, có lúc ở nhà cũng phải ngạc nhiên vì sự xuất hiện ồ ạt của những dông mới lớn, những dông mới ra đời.
Theo nhiều người nuôi dông ở đây thì dông tự nhiên thường để 1 lần vào mùa mưa với 2-6 con. Nhưng dông nuôi có thể đẻ 2 lần/năm. Ở vùng Hòa Thắng, Hồng Phong, người nuôi dông bỏ ra chi phí ban đầu không lớn, chỉ mua lưới mịn, tole về làm hàng rào để dông không đào hang ra ngoài. Còn việc ăn uống hàng ngày thì hầu như không mất gì nhiều, vì vườn nuôi nào cũng trồng cây bo bo, bầu, bí… rồi vào rừng hái bông sò đo, bắt dế… mỗi ngày cho dông ăn. Riêng những nơi khác, nhất là vùng thị trấn như Chợ Lầu thì phải tốn thêm tiền chở cát về đổ cao để dông sinh sống.
Tính ra, nếu không nuôi dông nữa thì vùng đất đổ ấy cũng không phí, vì có thể tiếp tục công việc cất nhà. Chính vì vậy, ngươi dân các nơi trong huyện Bắc Bình đang đua nhau nuôi dông nên dông thịt được tận dụng thành dông giống. Nhiều người lo ngại tình hình nuôi dông nhiều này sẽ đến lúc không tìm được đầu ra. Nhưng cũng có nhiều người không quan tâm đến điều đó, vì dông là món ăn đặc sản của Bình Thuận. Dù ăn hoài dân địa phương vẫn thích, huống chi dân nơi khác, nhất là tỉnh Bình Thuận đang và sẽ phát triển mạnh du lịch, thu hút lượng lớn du khách đến trong nay mai, du khách hẳn sẽ cứ vẫn khoái món dông. Chỉ có điều, không biết rồi đây có còn dông để nuôi nữa hay không mà thôi?
. Theo báo Bình Thuận |