|
Dấu tích tàn phá của voi rừng. |
Ngày 25-10, UBND huyện Ea Súp tỉnh Đắc Lắc cho biết đàn voi 20 con đã xâm nhập địa bàn 2 xã Ya Lốp và Ya Lơi phá hoại gần 50 ha đào lộn hột, ngô, lúa. Đây là lần thứ 2 đàn voi xâm nhập và phá hoại mùa màng của 2 xã trên. Việc xua đuổi đàn voi này rất khó khăn. Theo nhiều người dân, đàn voi tổng cộng khoảng 40 con, đã nhiều lần về phá hoa màu lương thực của dân nhiều bản làng của huyện Ea Súp. Nơi voi rừng về phá hoa màu gần Vườn Quốc gia Yok Đôn và nhiều khả năng đàn voi đói từ vườn đi kiếm ăn. Cho tới nay, Vườn Quốc gia Yok Đôn và chính quyền vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để đuổi voi.
Trong tình hình đó, một thông tin từ Viện Kỹ thuật phòng không không quân được nhiều người quan tâm. Đơn vị này đã nghiên cứu và chế tạo thành công loại còi ủ dùng trong báo động phòng không, những cán bộ của Viện hy vọng dùng loại còi này để đuổi voi giúp đồng bào giữ được hoa màu vừa vào vệ được đàn voi rừng.
Theo đại tá Lê Đình Cương- Viện phó thì thực ra đây mới là ý tưởng của cán bộ nghiên cứu trong Viện. Còi thì chế tạo rồi, đang sử dụng cho mục đích quốc phòng, nhưng nếu sử dụng để đuổi voi thì phải tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Đơn vị tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ nghiên cứu đề xuất, bảo vệ đề tài và đưa vào ứng dụng đuổi voi nếu có điều kiện.
Còn theo thượng tá Nguyễn Hồng Phong, phụ trách xưởng nghiên cứu chế thử thuộc Viện- người có ý tưởng thử nghiệm dùng còi phòng không đuổi voi khẳng định đã nghiên cứu khá kỹ thói quen sinh hoạt của voi cũng như những tác động của âm thanh tới loài vật này. Thậm chí anh đã tìm mọi cách gặp bằng được một nhà sinh vật học nổi tiếng để tìm hiều thêm về voi. Qua nghiên cứu các bộ phim tài liệu nước ngoài cho thấy tai voi rất thính và nhạy cảm với âm thanh. Tiếng động của cánh quạt máy bay lên thẳng có thể lùa được các đàn động vật hoang dã trong đó có voi.
Nắm được điểm yếu này của voi, đồng bào Tây Nguyễn đã từng gõ chiêng trống, nồi xoong, can chậu để tạo tiếng động đuổi voi… Anh cũng nghiên cứu rất kỹ một loại máy của nước ngoài tạo âm đuổi các loại chuột, chồn, cầy cáo… Trên cơ sở như vậy anh tin âm thanh phát ra từ chiếc còi phòng không mà đơn vị anh chế tạo có cường độï tới 150 đề xi ben hoàn toàn có tác dụng đuổi voi dữ.
Nhưng theo anh Phong mặc dù có cơ sở khoa học để dùng còi phòng không đuổi voi nhưng khó khăn nhất là công việc thử nghiệm. Mặc dù đã thử nghiệm sơ bộ có tác dụng tốt với một số súc vật như trâu bò, chó mèo… và đã thử nghiệm đuổi chim nhưng chưa bao giờ thử nghiệm với voi. Cả lãnh đạo Viện và anh Phong đều muốn có điều kiện thử nghiệm tại hiện trường. Tuy nhiên việc thử nghiệm này chắc khó thực hiện vì việc đảm bảo an toàn cho voi và cho người thử nghiệm cũng như những người xung quanh khu vực thử nghiệm rất phức tạp. Mặc dù vậy anh Phong vẫn lạc quan tin tưởng vào kết quả nghiên cứu của mình. Thậm chí anh còn tính đến khả năng đàn voi quen với tiếng còi thì sẽ có biện pháp thay đổi kết cấu để tạo ra các loại âm thanh khác nhau. Theo anh, việc tạo âm thanh như tiếng súng đại liên hoặc cả các loại súng hạng nặng hay các loại âm thanh tự nhiên khác mà voi sợ hãi không mấy khó khăn.
Một vấn đề quan trọng được đặt ra là việc điều khiển cái còi liệu có quá khó đối với người dân? Cán bộ nghiên cứu khẳng định đây là một thiết bị cơ khí không quá phức tạp, điều khiển chỉ bằng vài cái công tắc nên chỉ cần một người điều khiển, thậm chí có thể sữa chữa nếu còi bị hỏng. Anh cũng tính đến trường hợp còi sử dụng tại những vùng không có điện, sẽ sử dụng các nguồn khác như thủy điện nhỏ, máy phát điện, acqui, thậm chí nếu quá khó khăn về nguồn điện có thể đạp chân hoặc quay tay thiết bị đuổi voi! Và vì còi không quá nặng nên rất tiện mang vác vào những nơi hẻo lánh nhất… Loại còi ủ này có âm thanh vọng xa trong vòng bán kính 5 km.
Người sĩ quan tâm đắc với đề tài còn có tham vọng tiếp tục nghiên cứu thay đổi kết cấu chiếc còi này để đồng bào vùng sâu vùng xa có thể dùng đuổi nhiều loại thú dữ như hổ báo, lợn rừng… nhất là đuổi các đàn khỉ đang phá hoại mùa màng. Anh chỉ có một băn khoăn rằng loại còi ủ này, nếu đuổi được voi thì cũng có tác dụng âm thanh lên các loài vật nuôi như trâu bò, dê… mà đồng bào theo tập quán thả rông ngoài rừng. Trước mắt biện pháp duy nhất để khắc phục tình trạng này là điều khiển còi tập trung về hướng thú dữ…
Theo thượng tá Nguyễn Hồng Phong, nguyện vọng của những cán bộ nghiên cứu chế tạo còi là có thể phần nào giúp bà con vùng có voi dữ hoành hành vừa hạn chế được thiệt hại về người và của, vừa có thể bảo vệ đàn voi. Bản thân anh rất muốn phát triển ý tưởng việc dùng còi đuổi voi thành một đề tài khoa học để giúp đồng bào vùng sâu vùng xa xua đuổi thú dữ ổn định cuộc sống. Và trước mắt mặt rất cần sự quan tâm của các cơ quan hữu quan để có thể đưa còi thử nghiệm tại vùng có voi dữ hoành hành, chủ yếu là ở tỉnh Đắc Lắc, trước khi đưa còi vào sử dụng chính thức như một phương tiện đuổi voi vừa hữu hiệu vừa an toàn dễ sử dụng.
. Theo báo Văn hóa |